Người xây dựng cửa hàng bán sandwich thành doanh nghiệp tỷ đô

12/09/2016 10:26 AM | Kinh doanh

Để trở thành chuỗi cửa hàng bánh sandwich lớn nhất thế giới, Jimmy John's đã trải qua một chặng đường dài với những thăng trầm khác nhau kể từ những ngày đầu tiên thành lập vào năm 1983.

Cách đây 33 năm, Jimmy John Liautaud bắt đầu sự nghiệp của mình ở tuổi 19. Khi đó ông mới tốt nghiệp cấp 3. Thay vì chọn con đường thi vào đại học, ông quyết định khởi nghiệp với cửa hàng bán bánh sandwich đầu tiên mang tên Jimmy John's tại quận Charleston, bang Illinois, Mỹ với số tiền 25.000 USD vay từ người cha của mình. Khi đó, menu của cửa hàng chỉ có vẻn vẹn 4 loại sandwich.

Chia sẻ lí do chọn Charleston, Liautaud cho hay "Khu vực này có rất nhiều quán bar ở xung quanh và cũng là nơi tụ họp của rất nhiều sinh viên. Một điều hiển nhiên rằng, khi uống bia, rượu chắc chắn họ sẽ muốn một thứ gì đó để ăn kèm và sandwich là sự lựa chọn hoàn hảo. Tôi thậm chí có thể mở cửa đến tận nửa đêm để phục vụ họ."

Trong vòng 10 năm, từ một cửa hàng nhỏ chỉ bán 4 loại sandwich, Liautaud đã mở thêm 10 cửa hàng khác và bắt đầu kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu và rắc rối cũng bắt đầu đến với Liautaud từ đây.

Liautaud đã quá tập trung vào những cửa hàng được nhượng quyền thay vì chăm lo cho những cửa hàng do công ty mình mở ra và trực tiếp quản lí. Hậu quả là đến năm 2002, có tới 70 trong số 160 cửa hàng Jimmy John's phải đóng cửa.

Kể từ đó, ông bắt đầu ngừng việc nhượng quyền thương hiệu và dành ra một năm rưỡi để khắc phục hậu quả từ chiến lược kinh doanh sai lầm của mình. Tuy có tới 70 cửa hàng bị đóng cửa, Liautaud vẫn rất tự tin rằng mình có thể vực Jimmy John's dậy và lấy lại những gì đã mất:

" Từ những vấp ngã mà tôi đã trải qua, tôi đã rút ra cho mình được rất nhiều bài học quý giá. Tôi bắt đầu thay đổi những chính sách nhượng quyền thương hiệu. Tôi giải thích cặn kẽ cho đối tác của mình về những khó khăn mà họ có thể gặp phải trong quá trình hoạt động cửa hàng và những vất vả khi phải mở cửa hàng đến tận đêm muộn, thậm chí cả những ngày thời tiết khắc nghiệt như giông bão, lốc tố."

Không chỉ tập trung vào chất lượng bánh với những nguyên liệu tươi sạch, Liautaud còn rất chú trọng vào tốc độ làm việc của nhân viên. Ông cho biết nhân viên của Jimmy John's có thể làm một chiếc bánh sandwich chỉ trong vòng 60 giây.

Tuy nhiên, vào năm 2014, Jimmy John's vướng vào làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ báo chí khi ông ép công nhân của mình phải kí hiệp ước "đặc biệt" của công ty. Theo đó, công nhân của Jimmy John's sau khi nghỉ việc tại các chuỗi cửa hàng thì không được phép làm việc cho đối thủ của Jimmy Jonh's như Subway, Potbelly ít nhất sau 2 năm kể từ ngày nghỉ việc.Nhưng sau đó, do áp lực từ những chỉ trích nên Liautaud quết định hủy bỏ quy định này vào cuối năm 2014.

Tiếp đó, vào năm ngoái, Liautaud tiếp tục dính vào một vụ bê bối khi hàng loạt những bức ảnh của ông chụp bên cạnh xác của những loài động vật quý hiếm như tê giác, báo, voi... trong những lần đi săn ở Châu Phi bị phát hiện. Kể từ đó, Liautaud quyết định "rửa tay" và không tham gia bất kì cuộc đi săn nào nữa.

Vừa qua, Liautaud tuyên bố bán gần như tất cả số cổ phần của công ty Jimmy John's cho một doanh nghiệp tư nhân ở Alanta có tên Roark Capital Group. Mặc dù Liautaud từ chối tiết lộ số tiền thu được từ thương vụ này nhưng theo báo cáo trong lần IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Jimmy John's vào năm 2015, tổng tài sản của công ty này đã lên tới 2 tỉ USD và là công ty một trách nhiệm hữu hạn một thành viên lớn nhất thế giới.

Sau khi bán cổ phần cho Roark, Liautaud vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò điều hành của mình đối với chuỗi nhà hàng Jimmy John's.

Theo Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM