Người viết tiếp “hành trình Nghị Lực Sống” của cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng
21 năm qua, chị Nguyễn Thị Vân luôn trăn trở với Nghị Lực Sống, tổ chức đã cùng chị dạy nghề cho hơn 1.500 người khuyết tật, trong đó 70% kiếm được công việc ổn định.
Một sáng cuối tháng 11, chiếc taxi đỗ trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một người đàn ông ngoại quốc gày gò, mặc áo sơmi, quần jean bước xuống rồi từ tốn đẩy người vợ đang ngồi trên xe lăn tiến vào phía cổng đã đông nghịt người.
Hôm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân và anh Neil Bowde tới để thuyết trình về Dự án Nghị Lực Sống - IT Hòa nhập toàn diện cho người yếu thế. Dự án xuất sắc lọt vào Vòng chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2024 do Báo Nhân Dân khởi xướng và tổ chức.
HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU TỪ CON SỐ... ÂM CỦA HAI ANH EM VÂN VÀ HÙNG
Ít ai biết, người phụ nữ đang lọt thỏm trong chiếc xe lăn trước mặt mình hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Nghị lực sống - Doanh nghiệp xã hội. Đây là nơi người khuyết tật được đào tạo nghề IT miễn phí và có cơ hội tìm được việc làm ổn định.
Kể về cơ duyên Nghị lực Sống hình thành, Vân kể lại, từ nhỏ, chị và anh trai - cố Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng là những người khuyết tật nặng. Sinh ra tại Nghệ An, ngày bé, chị cũng bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Thế nhưng, càng lớn lên, cơ thể chị càng... nhỏ lại dần vì bệnh teo cơ tủy sống.
"Vân đi học bằng xe lăn. Rồi bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Có lần, họ nhốt tôi trong phòng học một mình giữa mùa đông rồi... bật quạt. Rét căm căm mà chẳng biết phải làm sao".
Giờ nhìn lại, chị bảo: Có lẽ, chính những khó khăn, sự kỳ thị ngày ấy đã thôi thúc cả chị và anh trai nỗ lực vượt lên số phận.
Ngừng lại một lát, Vân bảo, thật ra, chị đã được tiếp thêm niềm tin và nghị lực rất nhiều từ người anh trai đã mất.
Năm 2001, Nguyễn Công Hùng nhận được một chiếc máy tính. Lúc này, chàng Hiệp sĩ công nghệ thông tin tương lai chỉ còn dùng được duy nhất một ngón tay trỏ nhưng vẫn quyết tâm... không lùi bước.
Ngày ngày, anh lộc cộc gõ phím để tự học hỏi thêm kiến thức về công nghệ thông tin cũng như tiếng Anh. Hùng nhận ra, công nghệ có khả năng giúp những người khuyết tật như chính mình có nguồn thu nhập và cuộc sống ổn định hơn.
2 năm sau, anh Hùng mạnh dạn tập hợp những người khuyết tật để tạo nên một nhóm nhỏ chưa đến 10 thành viên, lấy tên là Nối vòng tay lớn. Anh dạy cho mọi người những kiến thức về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Nhóm cũng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, thiết kế website, cung cấp tên miền, hosting cho các doanh nghiệp.
Tới năm 2008, Hùng và Vân cùng ra Hà Nội, mở rộng nhóm rồi thành lập Trung tâm Nghị Lực Sống bằng chính số tiền ít ỏi 2 anh em và bạn bè đóng góp. Họ mua một tên miền website, tự xây dựng nội dung, hoạt động. Nghị Lực Sống ra đời, mang theo sứ mệnh đào tạo, dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho người khuyết tật.
Trong lúc mọi thứ đang vào guồng, bất ngờ Hiệp sĩ thông tin Nguyễn Công Hùng mất trong một chuyến công tác ở miền Tây. Nghị Lực Sống lúc này được trao lại cho Vân và chị Ngô Thị Huyền Minh.
"Đó thực sự là một giai đoạn khó khăn. Có những khi Vân cảm thấy vô cùng áp lực, và stress. Khi đó, mô hình của mình vẫn chủ yếu là đào tạo nghề theo hướng từ thiện. Hầu hết hoạt động phụ thuộc vào các nguồn tài chính bên ngoài. Nhiều khi mình nghĩ, nếu cứ tiếp tục thế này, mình sẽ không thể đủ sức khỏe và cả tinh thần để tiếp tục mất".
- Vậy điều gì khiến chị vẫn tiếp tục, tới tận hôm nay?
- Có lẽ là sự trưởng thành của các học viên. Các bạn đi làm, có thu nhập, có một gia đình hạnh phúc. Thậm chí, có bà mẹ còn nói với Vân: Vân ơi, con và Nghị Lực Sống đã cứu cuộc đời của cả con cô và gia đình cô. Thế là, anh chị em lại cố gắng.
VIẾT TIẾP GIẤC MƠ CHÀNG HIỆP SĨ BỎ DỞ
“Vân muốn giúp mọi người nhưng lại không có tiền. Khi đó, tôi tự nhiên nảy ra suy nghĩ hay là mình kinh doanh hoặc làm một cái gì đó để có thu nhập, có tiền thì có thể giúp được nhiều người hơn. Vậy là tôi dùng toàn bộ số tiền tích góp được cho lúc đau ốm và cùng bạn bè bỏ vốn để xây dựng công ty", chị Vân tiếp tục dòng hồi ức.
Chị bảo, quyết định ấy thực sự là một dấu mốc... nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro. Nhưng thời điểm "khởi nghiệp", Vân chẳng nghĩ nhiều tới thế. Chị chỉ tâm niệm, mình phải làm để... có tiền giúp đỡ mọi người; đồng thời viết tiếp giấc mơ vẫn còn dang dở mà anh trai để lại.
Và thế là, với số vốn 5.000 USD, Nghị Lực Sống trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) do chị Vân là Chủ tịch hội đồng sáng lập và chị Minh trở thành Giám đốc trung tâm. Đến năm 2022, với sự đồng hành của các doanh nhân Sao đỏ và các doanh nhân uy tín chị Vân tiếp tục cùng các cổ đông sáng lập phát triển Nghị Lực Sống trở thành một doanh nghiệp xã hội.
Với đích đến là làm thế nào để người cùng cảnh có cơ hội được tiếp cận giáo dục công bằng, được sống có ích cho đời và thay đổi định kiến của xã hội, chị Vân cho rằng “giúp họ thì đừng chỉ cho cá mà hãy cho cần câu và dạy họ cách câu”. Có như vậy, họ mới có thể tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chứng minh cho mọi người thấy họ không có sự khác biệt nào trong xã hội.
Đặc biệt, trải qua thời gian, đối tượng mà Nghị Lực Sống hướng tới không chỉ giới hạn ở nhóm người khuyết tật mà mở rộng ra các nhóm yếu thế khác bao gồm phụ nữ yếu thế, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân buôn bán người, trẻ mồ côi, mẹ đơn thân, con em diện chính sách, người thân của người khuyết tật, thanh niên không có điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm… Bên cạnh đó, đối tượng gián tiếp của dự án là gia đình của người khuyết tật và người yếu thế, các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp.
Cơ sở hiện tại của Nghị Lực Sống nằm tại Hà Nội với quy mô 600m 2 được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tiếp cận đầy đủ nhất cho người khuyết tật.
Các khóa đào tạo tại Nghị Lực Sống luôn miễn phí và đào tạo từ 70 học viên/khóa học trong đó 80% học viên là người khuyết tật và 20% là những người yếu thế với hơn 70% học viên tốt nghiệp có việc làm.
Học viên được dự án tuyển sinh quanh năm và được hỗ trợ sắp xếp chỗ ở và điều kiện thuận lợi để tiếp cận cơ hội việc làm.
"Quá trình triển khai dự án là một quá trình liên tục với nhiều giai đoạn thực hiện. Do các chương trình đào tạo nghề truyền thống trước đây thường chỉ tập trung vào giảng dạy mà không nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, dẫn đến khó khăn trong việc tìm việc làm sau khi đào tạo, cũng như thiếu nguồn lực vận hành. Vì vậy dự án Nghị Lực Sống đã triển khai một mô hình đào tạo mới", chị Vân chia sẻ.
Việc đầu tiên cần làm là nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp. Dựa trên cơ sở này, Nghị Lực Sống thiết kế chương trình học để đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng. Điều này giúp người học không chỉ có kỹ năng nghề mà còn phù hợp với tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Nghị Lực Sống cũng sử dụng phương pháp đào tạo thực tiễn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học viên áp dụng kiến thức ngay trong quá trình học.
"Đặc biệt, chúng tôi hợp tác với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và việc làm sau đào tạo. Đồng thời, các doanh nhân và doanh nghiệp tham gia đóng góp vào mô hình này thông qua các hoạt động đầu tư và kinh doanh, cam kết sử dụng 100% lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư vào các chương trình hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế", chị Vân tiếp lời.
MỘT HÀNH TRÌNH SẼ KHÔNG CÓ ĐIỂM KẾT
- Vậy, tới nay, Nghị Lực Sống đã "mở ra cánh cửa" cho bao nhiêu người yếu thế?
- Theo tổng kết mới nhất, thông qua dự án, chúng tôi đã đào tạo được 1.560 người khuyết tật và yếu thế. 70% trong số này có việc làm với mức lương trung bình đạt 5 triệu đồng. 100% lợi nhuận sau thuế tiếp tục được tái đầu tư vào các dự án tiếp theo.
- Dường như, dự án đã mang lại cơ hội cho rất nhiều cuộc đời mới, thưa chị?
- Tôi nghĩ, số người thực sự được hưởng lợi từ dự án còn lớn hơn 1.500 rất nhiều. Bởi, trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn truyền cảm hứng để các em tiếp tục... truyền nghề cho ít nhất một người khuyết tật khác. Đó là cách các em "trả ơn" và viết tiếp hành trình của Nghị Lực Sống.
- Nói về sự tiếp nối, chị và các cộng sự đang đi tiếp con đường cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã mở đầu. Vậy, các thế hệ tiếp theo sẽ duy trì tinh thần cống hiến ấy ra sao?
- Thật ra, như Vân đã nói, tinh thần của Nghị Lực Sống là truyền cảm hứng. Vân biết nhiều bạn lúc đầu thậm chí còn không đọc và viết sõi, nhưng sau khi hoàn thành đào tạo lại có thu nhập tới 2-30 triệu đồng. Về địa phương, các bạn ấy lại mở các công ty, hỗ trợ các bạn yếu thế khác. Giống như, Vân và cộng sự đang gieo thêm những hạt mầm tích cực vào cuộc đời này vậy.
Rồi Vân nghĩ, đến nay, doanh nghiệp xã hội cũng đã tạo ra các mảng kinh doanh có thu nhập rồi. [Doanh thu năm 2023 đạt hơn 2,5 tỷ đồng - PV]. Điều này giúp cho Nghị Lực Sống không bị quá phụ thuộc vào các nguồn tài trợ bên ngoài.
Tinh thần và tài chính như thế, nên ngay cả khi sức khỏe của Vân có vấn đề, Nghị Lực Sống sẽ vẫn được đội ngũ khác tiếp tục và phát triển ngày càng mở rộng hơn. Nghị Lực Sống không phụ thuộc vào người đứng đầu.
- Như một mạch chảy không thể dừng? Bởi thế nên chị đã đưa IT hòa nhập toàn diện cho người yếu thế tham dự Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 ở hạng mục Dự án bền vững?
- Chắc chắn. Mình đã làm điều này từ 2003, là 21 năm rồi. Công việc này giống như hơi thở của mình vậy. Nên khi chuẩn bị để tham gia giải thưởng thì mình cũng không chuẩn bị gì đặc biệt đâu, cứ thế là đi, là chia sẻ những gì có trong mình thôi, mặc đồ đẹp vào, chuẩn bị một tâm hồn đẹp là đi!
Mình cũng cho rằng Nghị Lực Sống nên xuất hiện nhiều trên cộng đồng. Human Act Prize là một sự kiện lớn, có rất nhiều đơn vị truyền thông tham gia, dự án của mình sẽ lan tỏa hơn nữa. Các doanh nghiệp sẽ biết tới bên mình, biết bên mình làm việc rất hiệu quả để có thể tới bên mình tuyển dụng. Bên mình xuất hiện để muốn được nhiều người biết tới, tham gia cùng, có thể là những người cần bên mình hỗ trợ hoặc những người sẽ đồng hành với bên mình.
- IT cho người yếu thế - đó là một giấc mơ và hành trình dài hơn 20 năm. Nhưng hôm nay, khái niệm IT cũng đã và đang thay đổi. Vậy, Nghị Lực Sống sẽ phải thích ứng ra sao?
- Ngày xưa, chúng mình sẽ tập trung vào việc làm sao để hỗ trợ những người vẫn còn hai tay tốt và mắt tốt. Đấy là những người khó khăn rồi, nhưng vẫn có những người còn khó khăn hơn, thậm chí có những người chỉ nằm được trên giường thôi, họ có thể bị hỏng mắt hoặc hai tay không cử động được.
Bây giờ mạng xã hội rất tốt, từ Tiktok tới Facebook... những công việc như live stream bán hàng rất hiệu quả. Vì thế chúng mình đang cố gắng phát triển theo hướng ấy. Chúng mình xây dựng BigHeart MCN, một mạng đa kênh để hỗ trợ những người khuyết tật muốn xây kênh, như các bạn đang muốn trở thành người bán hàng, người sáng tạo nội dung. Đấy cũng là một cách để mình hỗ trợ được nhiều hơn, nhanh hơn, tiết kiệm mà hiệu quả.
Vì khi các bạn bán hàng, cứ ra đơn là có tiền, có tiền thì ắt sẽ tự tin lên. Chúng mình làm việc rất thực tế, đôi khi hay trêu nhau là "xôi thịt" nhưng phải có tài chính, tự tạo được thu nhập cho chính mình. Kể cả các em chỉ nằm được ở nhà, nhưng tài khoản cứ ting ting thì tự nhiên các em có niềm vui, rồi tự tin hơn, từ đó sẽ biết cách làm sao phát triển bản thân hơn nữa.
Nói đến đây, cô gái sinh năm 1987 khẽ cười. Đôi tay gầy rộc rung rung. Như một niềm tin. Như một sự nhấn nhá... đầy quyết tâm về một hành trình... kiến tạo những điều tử tế... không có hồi kết.
... VÀ GIỌT NƯỚC MẮT TRONG NGÀY CHUNG KHẢO
Trở lại với ngày chấm chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2024 , phần thuyết trình trực tiếp của chị Nguyễn Thị Vân đã bất ngờ được đẩy lên vì lý do... sức khỏe.
Xuất hiện cùng Vân là chị Ngô Thị Huyền Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội. Ở cuối phần trình bày, sau khi gửi lời cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã đồng hành cùng Nghị Lực Sống nhiều năm qua, chị Minh đã bật khóc.
Chị nghẹn ngào khi nhìn lại hành trình 15 năm qua, nhìn thấy kết quả sự chung tay của mọi người, đặc biệt hầu hết là những cá nhân, tổ chức đồng hành cùng Nghị Lực Sống từ những ngày đầu tiên, không vì bất cứ lợi ích gì.
"Tất cả rất thuần khiết. Đơn giản chỉ là muốn chung tay góp sức, tạo ra một giá trị nào đấy cho cộng đồng người khuyết tật. Việt Nam có 7 triệu người khuyết tật, chỉ cần mỗi doanh nghiệp chịu dành ra 1% nhân sự, sử dụng người khuyết tật tại các vị trí phù hợp thì cả cộng đồng này sẽ sống khỏe, sống tốt, sống hạnh phúc. Trong cả cộng đồng nói chung sẽ luôn có nhóm người này, nhóm người kia. Chúng ta không thể để nhóm nào chịu thiệt thòi hơn hay bị bỏ lại phía sau", chị Minh xúc động nói.
Trưa cuối tháng 11. Sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám vàng ươm màu nắng.
Vân được chồng, anh Neil Bowde đẩy chiếc xe lăn tới khu triển lãm Hành động vì cộng đồng - lúc này đã đông kín khách. Suốt hành trình, chị không ngừng cười tươi, dù nét mặt thoáng mỏi mệt.
Nhìn nụ cười ấy, tôi chợt lan man nghĩ về giá trị của hạnh phúc trong cuộc đời này. Hình như, hạnh phúc chưa hẳn là sự đủ đầy về vật chất. Đôi khi, hạnh phúc sẽ được định giá bởi lòng tin, bằng những giá trị được truyền lưu đi như một mạch chảy âm thầm nhưng không có điểm kết thúc. Như cách Vân nói, gieo thêm những hạt mầm yêu thương trong cuộc đời hạn hẹp, để đón nhận và... gặt thêm những vụ mùa của hy vọng trong tương lai xa thật xa.
Và tôi nghĩ, Nghị Lực Sống - thực sự đã vượt qua khuôn khổ một doanh nghiệp xã hội - để trở thành biểu tượng bền lâu của HẠNH PHÚC!