Người Việt Nam ưa chuộng mua sắm thiết bị công nghệ qua kênh trực tuyến, đặt niềm tin lớn vào sản phẩm chính hãng và nhà cung cấp uy tín
Theo Criteo, trong thời Covid-19, 76% số người Việt Nam cho biết họ mua hàng qua kênh trực tuyến nhiều hơn trước đây, dẫn đầu trong số đó là mảng thiết bị điện tử - công nghệ. Thống kê từ InsightAsia - Vero cho thấy, khi mua hàng công nghệ, họ đặt niềm tin vào vào sản phẩm chính hãng và nhà cung cấp uy tín.
Mua sắm qua kênh trực tuyến tăng trưởng đột biến trong suốt mùa Covid-19 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Theo một kết quả nghiên cứu từ Criteo - công ty công nghệ toàn cầu cung cấp giải pháp quảng cáo đáng cho các nhà tiếp thị trên thế giới, cho thấy sự phát triển mạnh của các giao dịch trực tuyến trong thời điểm hiện tại ở châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam so với năm 2019.
Cụ thể, doanh số bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á đang có sự gia tăng cao hơn trong năm nay so với năm 2019, với mức tăng doanh số cao nhất trong tuần thứ 3 tháng 5 đạt 106%. Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương và 9% trả lời là họ ít mua sắm trực tuyến hơn.
Thông qua các số liệu khảo sát, chúng ta có thể rút ra vài xu hướng chung cho ngành thương mại điện tử trong năm 2020 tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đầu tiên, việc mua sắm các thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính xách tay và linh kiện máy tính tăng do nhu cầu của mọi người khi phải làm việc hoặc học ở nhà. Thứ hai, trang phục mang đến sự thoải mái cũng nằm trong danh sách của người mua sắm trực tuyến, trong đó quần áo mặc ở nhà thuộc một trong số các loại trang phục bán chạy hàng đầu. Điều này cho thấy nhu cầu hướng đến sự thoải mái của người tiêu dùng khi phải ở nhà trong khoảng thời gian dài.
Ông Steven Nguyễn - Giám đốc Cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo. Ảnh: H.Đ - ICT News
Thứ ba, việc mua sắm đồ nội thất - chủ yếu là các mặt hàng giúp những ngày làm việc ở nhà trở nên thoải mái hơn, trong đó ghế và bàn làm việc bán rất chạy. Thứ tư, các mặt hàng về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hàng ngày tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt doanh số bán máy sinh trắc học đã tăng vọt và phát triển mạnh mẽ.
Thứ năm, thực phẩm và đồ uống vẫn phát triển mạnh. Đặc biệt, việc nấu ăn tại nhà khiến người mua sắm dự trữ nhiều đồ khô hơn - như mì ống và mì ăn liền, gia vị và đồ nướng – những thực phẩm này sẽ để được lâu hơn, phục vụ mọi người trong việc tự cách ly tại nhà. Cuối cùng, người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng chất lượng lâu dài, mang lại tiện nghi và tính giải trí khi họ phải thích nghi với cuộc sống gần như hoàn toàn ở trong nhà.
Cuộc khảo sát với hơn 15.000 người từ 15 quốc gia của Criteo còn cho thấy: hơn một nửa người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn vì virus Corona; Gen Z và thệ hệ Millenials là những người có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều nhất, tương ứng với 54% và 58%.
"Những xu hướng này chứng tỏ, khi khủng hoảng y tế toàn cầu liên tục ảnh hưởng đến các quốc gia, các biện pháp như cách ly xã hội và hạn chế đi lại đã làm giảm mọi hoạt động và di chuyển của con người, vì thế cũng không thể tránh khỏi nhu cầu và thói quen hàng ngày của con người cũng thay đổi", ông Steven Nguyễn - Giám đốc Cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo, nhấn mạnh.
Người tiêu dùng Việt Nam đặt niềm tin lớn vào những sản phẩm công nghệ chính hãng đến từ các nhà cung cấp có uy tín khi quyết định mua sắm
Báo cáo tiêu dùng công nghệ Việt Nam được thực hiện tại Việt Nam, Thái Lan và Myanmar bởi InsightAsia và Vero - agency về quan hệ công chúng và digital marketing Đông Nam Á, cho biết thêm: cũng giống như tại Thái Lan và Myanmar, người tiêu dùng Việt Nam đặt niềm tin lớn vào những sản phẩm công nghệ chính hãng đến từ các nhà cung cấp có uy tín khi quyết định mua sắm.
Cảm tình của họ dành cho những thương hiệu nổi tiếng thậm chí còn mạnh hơn so với người tiêu dùng được khảo sát ở các quốc gia khác, ở mức 80% và điều quan trọng nhất với họ là chính sách đổi trả thuận tiện và dễ dàng, với 87% khẳng định rằng đây là một yếu tố quyết định.
Trong khi đó, ưu tiên dành cho các chính sách hỗ trợ tài chính hoặc trả góp lại thấp hơn nhiều ở Việt Nam, có thể do những yêu cầu pháp lý buộc những nhà phân phối chỉ áp dụng chính sách trả góp với những sản phẩm công nghệ có giá trị cao. Chính điều này đã biến chính sách trả góp thành sự kỳ vọng hiển nhiên hơn là một yếu tố quyết định để "chốt" đơn hàng.
Còn đối với Đối với các dịch vụ công nghệ (ví dụ: apps và website) hành vi tiêu dùng cũng có xu hướng tương tự là dùng thử miễn phí, độ ứng dụng rộng rãi, sử dụng và thanh toán dễ dàng là những yếu tố mang tính quyết định.
Những phát hiện này cho thấy rằng các công ty công nghệ uy tín cần phải có chiến lược hơn trong việc nhấn mạnh mức độ đáng tin cậy của họ. Ngược lại, rõ ràng các mặt hàng giả, hàng nhái và cách dán nhãn gây hiểu nhầm và chúng khiến mua sắm sản phẩm và dịch vụ công nghệ trở thành một hoạt động đầy rủi ro trong mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng và truyền thông với nội dung ‘truyền cảm hứng’
Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi trong thời ‘bình thường mới’ thì các thương hiệu và doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh các chiến dịch quảng cũng như trải nghiệm khách hàng phù hợp với sự dịch chuyển mua sắm từ offline lên online.
"Lúc ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử để mua sắm nhu yếu phẩm và các sản phẩm khác, các nhà bán lẻ phải tận dụng giá trị tài sản thương hiệu tại cửa hàng làm đòn bẩy và cho thấy khả năng cung cấp các dịch vụ trực tuyến theo nhiều cách khác nhau để thu hút sự tương tác.
Ngoài ra, vì các cửa hàng trực tuyến hiện là đích đến của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cũng nên điều chỉnh trải nghiệm khách hàng thông qua các chiến dịch hấp dẫn hơn, không chỉ thu hút khách hàng trung thành mà còn những khách hàng mới.
Các thương hiệu có thể nghĩ đến việc tạo ra các chương trình giúp khách hàng xây dựng mối quan hệ lâu dài với kênh hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến. Việc này bao gồm chạy các ứng dụng cung cấp các sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các tính năng khác của app, hoặc các chương trình tri ân khách hàng thân thiết và tạo nhiều ưu đãi cho khách hàng tham gia nhiều nhất", ông Steven Nguyễn đề nghị.
Báo cáo tiêu dùng công nghệ Việt Nam từ InsightAsia và Vero cung cấp thêm thông tin, trong truyền thông, những câu chuyện mang nội dung truyền cảm hứng được yêu thích hơn hết thảy, gần gấp đôi so với các câu chuyện mang tính giáo dục ở ngay phía sau. Truyền hình vẫn là phương tiện phổ biến nhất để người tiêu dùng Việt Nam nắm bắt thông tin về các sản phẩm công nghệ.
Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên cho tới khi bảng khảo sát cho biết cụ thể hơn rằng, mục ‘truyền hình’ bao gồm cả các dịch vụ video trực tuyến như Youtube, phản ánh xu hướng truyền hình truyền thống đang dần bị thay thế bởi các hình thức giải trí trực tuyến trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy ưu thế đang có phần nghiêng về phía Youtube, với việc đa số người tiêu dùng cho biết thời gian họ dành ra để so sánh các sản phẩm công nghệ online chiếm hơn một nửa thời gian dành cho công việc mua sắm.