Người Việt bị bêu tên trên tạp chí Time khi đẩy loài tê giác châu Phi đến bờ vực tuyệt chủng

23/09/2016 11:10 AM | Sống

Với tê giác châu Phi, một phần đang bị săn bắn để chữa ung thư như lời đồn đại, làm quà tặng cho những gia đình giàu ở Việt Nam. Việt Nam có thể ngừng việc buôn bán sừng tê giác và viết lại tương lai cho loài động vật này.

Tạp chí Time danh tiếng mới đây đã có một bài báo lên án nạn săn bắn trái phép tê giác ở Nam Phi để bán cho nhà giàu Việt Nam với niềm tin chữa khỏi các bệnh nan y, đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng. Chúng tôi xin lược dịch lại bài báo. Mời quý độc giả theo dõi.


Các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng hiếm khi được cứu kịp thời. Việc bảo vệ các loài động vật hoang dã luôn đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề trong một ma trận chồng chéo.

Loài hổ ở châu Á là một ví dụ. Chúng mất đi môi trường sống, con mồi thì ngày càng khan hiếm, và "xung đột" với con người trước vấn nạn săn bắn để lấy da, xương và các bộ phận khác của cơ thể.

Cách đó nửa vòng trái đất, tại Bắc Mỹ, loài bướm hoàng đế cũng đang bị nạn phá rừng, mở rộng nông nghiệp và thay đổi khí hậu hủy hoại, tờ Time đưa tin ngày 23/9.

Ở lục địa đen châu Phi, tê giác đang bị săn bắn lấy sừng một cách có hệ thống. Ở Nam Phi, nơi có nhiều tê giác nhất thế giới, gần 6.000 con đã bị săn bắn kể từ năm 2007.

Tuy nhiên, cơ hội thay đổi cục diện vẫn còn. Việt Nam có thể chấm dứt ngay việc buôn bán sừng tê giác và viết lại tương lai cho loài động vật này.

Một nguyên nhân lớn nằm ở nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam.

Các cuộc săn bắn đã diễn ra cách đây gần một thập kỷ khi tại Việt Nam, người ta đồn rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư. Sau đó vài năm, người ta thấy con tê giác Javan cuối cùng ở Việt Nam chết trong tình trạng không còn sừng. Javan thuộc loài tê giác quý hiếm ở Đông Nam Á.

Những chiếc sừng mà người ta đồn rằng mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe đã tạo ra một cuộc đua mang tính biểu tượng. Tại Việt Nam, sừng tê giác là món quà quý cho các gia đình, cho các đối tác làm ăn tiềm năng hoặc được nghiền ra làm thuốc.

Nói về vấn đề sừng tê giác chữa ung thư, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng loại sừng này có thể chữa khỏi được căn bệnh chết người này. Tuy nhiên, sừng con vật này lại biểu tượng cho sự thành đạt, giàu có của tầng lớp trung lưu đang lên ở Việt Nam.

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng chỉ mới có ít động thái để chấm dứt tình trạng nói trên. Săn bắn tê giác ở châu Phi vẫn chưa được bàn tới dù chính phủ các nước châu Phi đang nỗ lực chống lại vấn nạn này.

Phức tạp hơn nữa, việc săn bắn do các nhóm tội phạm có tổ chức toàn cầu. Nhóm này có thể chuyển mục tiêu rất nhanh như đã làm khi săn bắn tê giác lên cao đỉnh điểm ở Namibia và Zimbabwe năm 2015.

Tin tốt lành là, nếu có thể giảm nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam thì sẽ giảm được áp lực săn bắn tê giác ở châu Phi. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng.

Tại Việt Nam, một số nhân vật nổi tiếng đã kêu gọi chấm dứt nạn săn bắn tê giác và nỗ lực của cộng đồng để giảm nhu cầu về loại sừng này. Nhưng việc thay đổi quan niệm của người tiêu dùng không phải thực hiện được một sớm một chiều mà cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó, loài tê giác thì không còn nhiều thời gian nữa.

Tại thời điểm này, số phận của loài tê giác châu Phi phụ thuộc phần lớn vào chính phủ Việt Nam. Tuần trước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị về các biện pháp khẩn cấp để đấu tranh với hiện tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cần có những hành động và thời gian biểu cụ thể.

Về mặt luật pháp, việc buôn bán sừng tê giác bị cấm ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ năm 1977 nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Cuối tuần này, đại diện 182 nước trên thế giới sẽ gặp mặt tại Johannesburg, Nam Phi trong sự kiện Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp lần thứ 17. Các quốc gia sẽ thảo luận về số phận cả hàng trăm loài động vật đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán trên thế giới, mà trọng tâm là câu chuyện của loài tê giác.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM