Người ưu tú tìm cách, người tầm thường tìm lí do: 6 thói quen định hình người thất bại, càng tránh xa càng tiến nhanh

31/10/2020 20:20 PM | Sống

Những người thực sự giỏi hiếm khi tìm lý do để bào chữa cho mình, họ thường sẵn sàng suy nghĩ về cách để trở nên tốt hơn. Đây là một sự khác biệt rất lớn giữa người ưu tú và người tầm thường.

Bạn có thể trở thành ai và vị trí của bạn cao tới đâu trong xã hội này có liên quan đến nhiều yếu tố, chủ yếu được chia thành hai khía cạnh: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Bạn có gia thế khủng và sở hữu nhiều mối quan hệ giúp bạn thành công có thể được quy cho các yếu tố bên ngoài. Những người có xuất phát điểm cao và có cơ hội tốt thường có khả năng đứng cao hơn người khác trong xã hội. Điều này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, yếu tố bên trong vẫn là nguyên nhân chính quyết định kết quả và độ cao của cuộc đời chúng ta. Bạn né được 6 thói quen xấu sau, thành công đến bên bạn càng nhanh.

1. Thói quen ưa trì hoãn và thực thi kém

Cho dù kế hoạch có hoàn hảo đến đâu, nếu bị trì hoãn và không được thực hiện thì kế hoạch đó cũng tương đương với một kế hoạch tồi.

Một trong những lý do quan trọng nữa khiến nhiều người không thể thành công và khó hòa nhập với mọi người là họ có thói quen trì hoãn trong công việc và khả năng thực thi của họ quá kém. Một số việc chúng ta trì hoãn làm về cơ bản là tiêu cực và không hữu ích cho sự phát triển của chúng ta. Ví dụ, nhiều người dân công sở khi đi làm luôn chơi gane cho đã rồi mới làm việc, khi sắp tan sở hoặc có người thúc giục thì họ lao vào làm việc một cách vội vàng. Kết quả là sai số liệu, công việc ngổn ngang chẳng đâu vào đâu và bị phê bình.

Hay nhiều người đã cố gắng giảm cân và đặt ra mục tiêu dữ dội lắm, nhưng chỉ thực hiện vào khoảng thời gian đầu khi hứng thú còn tồn tại và sau đó, họ tìm mọi cách để rút lui. Kết quả là kế hoạch giảm cân của họ cứ dời sang ngày mai mà chẳng biết đó là ngày mai nào.

Một ví dụ khác, nhiều người có kế hoạch đi ngủ sớm và dậy sớm, nhưng họ lại luôn cắm mặt vào điện thoại di động đến 1-2 giờ sáng, ngày nào cũng tiếc vì không đi ngủ sớm nhưng ngày này qua ngày khác họ vẫn chứng nào tật nấy.

Những việc nên làm thì hoãn lại, từ từ làm còn những việc không cần thiết thì lại đâm đầu vào làm là một trong những nguyên nhân khiến một người không bắt kịp nhịp điệu, đây cũng có thể nói là người vô kỷ luật.

Người ưu tú tìm cách, người tầm thường tìm lí do: 6 thói quen định hình người thất bại, càng tránh xa càng tiến nhanh - Ảnh 1.

2. Không đủ tập trung và không kiên trì

Lý do thứ hai khiến một người thất bại hoặc làm việc chẳng nên hồn đó  là làm việc gì cũng nóng vội, không thể kiên trì và không đủ tập trung.

Nhiều người giống như rắn mất đầu, hầu hết các quyết định họ đưa ra đều bốc đồng, mù quáng và dễ bỏ cuộc. Nghe người khác nói nếu chăm chỉ và kiên trì với nghề bán hàng thì sau vài tháng có thể thành triệu phú, bạn cũng làm theo. Nhưng chỉ sau vài tháng, bạn thấy không phải vậy nên rút lui bỏ đi, nghe người khác nói nghề shipper lại càng dễ kiếm tiền hơn nên mình lại nhảy sang làm shipper.

Thực tế, công việc nào cũng có cái khổ riêng của nó. Mọi việc đều có quá trình, muốn có kết quả tốt thì phải trải qua cay đắng, cực khổ mới đạt được. Thật khó để đứng vững và trưởng thành nếu bạn không kiên trì, luôn nóng vội và cả thèm chóng chán.

Có người đọc sách mới được mấy ngày thấy không có ích gì nên thôi, có người kiên trì tập luyện cả tháng trời nhưng thấy hiệu quả không tốt, thậm chí còn tệ hơn nên chán nản, không tập nữa và bỏ cuộc...

Tôi muốn gửi đến bạn một lời: Phần lớn thất bại của các bạn là do thực hiện giữa chừng và phần lớn thành công có được là do bền chí và kiên trì đến cùng.

3. Không chịu học hỏi và phát triển bản thân

Charlie Munger, đối tác của Buffett, đã nói: "Tôi thấy một số người trở nên tốt hơn trong cuộc sống của họ không phải vì họ là người thông minh nhất, thậm chí không phải là người siêng năng nhất, nhưng họ là những cỗ máy ham học hỏi, mong muốn nạp thật nhiều kiến thức mới và mỗi tối họ lại càng thông minh hơn một chút so với sáng hôm đó."

Lý do thứ ba khiến một người không thành công, luôn giậm chân tại chỗ đó là không chịu học hỏi và phát triển bản thân mình. Nếu đối với một người đang đi làm, không phát triển bản thân có nghĩa là gì? Đó là tự mình đào thải mình.

Khi bạn không phát triển thì bạn sẽ không được thăng chức và tăng lương, khi khủng hoảng ập đến thì bạn sẽ càng dễ trở thành nạn nhân bị đào thải trước và không có cách nào chống trả. Ngược lại, những người ở nơi làm việc luôn hoàn thiện bản thân và phát triển không ngừng sẽ có xu hướng tiến xa, vươn cao và đạt được nhiều thành tựu hơn các đồng nghiệp của họ.

Người ưu tú tìm cách, người tầm thường tìm lí do: 6 thói quen định hình người thất bại, càng tránh xa càng tiến nhanh - Ảnh 2.

4. Luôn bao biện, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh

Lý do thứ tư khiến một người thất bại là khi gặp vấn đề, anh ta thường tìm nhiều lý do để biện minh cho bản thân, thay vì tự suy xét và tìm nguyên nhân từ chính mình.

Thấy người khác tốt hơn mình, anh không nghĩ người khác đã khổ luyện ra sao đề có thành quả như vậy, mà cố chấp cho rằng nguyên nhân khiến người khác tốt là do họ may mắn và có dựa vào các mối quan hệ ngầm để tiến thân. Tóm lại, bạn chỉ không muốn thừa nhận sự xuất sắc của người khác mà thôi.

Trong công việc, gặp phải rắc rối, bạn luôn có thói quen trốn tránh, tìm đủ mọi cách để ngụy biện cho bản thân thay vì trực tiếp đối mặt với vấn đề hay dũng cảm đảm nhận trách nhiệm.

Con người một khi có thói quen này sẽ trở nên mù quáng, hẹp hòi, bướng bỉnh, cực đoan, khó phát triển. Đồng thời, các mối quan hệ giữa họ và các cá nhân khác thường không tốt.

Những người thực sự giỏi hiếm khi tìm lý do để bào chữa cho mình, họ thường sẵn sàng suy nghĩ về cách để trở nên tốt hơn. Đây là một sự khác biệt rất lớn giữa người ưu tú và người tầm thường.

5. Không tự tin, luôn tìm cách hạn chế bản thân

Lý do tại sao một số người không thành công thường là vì họ không tự tin vào bản thân, nghĩ rằng đời mình đã được mặc định sẵn là nghèo như vậy rồi, cố mấy cũng bằng thừa nên dần dần, vì không chịu nỗ lực nên cuộc đời người đó cũng đúng như dự đoán. Họ luôn đưa ra lí do hạn chế chính mình,  sớm kết luận về cuộc sống của bản thân và ngầm chứng minh rằng nó đúng bằng cách không nỗ lực, lười biếng. Đồng thời, họ sẽ trở nên do dự vì tâm lý này, trở nên tự ti và hèn nhát, sợ bị từ chối. Thực tế, tiềm năng của một người rất lớn, chỉ là bạn chưa khám phá hết mà thôi.

Trong nhiều trường hợp, không phải bạn không làm được mà là bạn đã tự cho rằng mình không làm được, không thúc đẩy bản thân và cho mình một cơ hội để thử.

Tôi xin được chia sẻ câu chuyện của chính mình. Trước khi đi làm, tôi nghĩ rằng mình chẳng làm được gì ra hồn đâu nhưng sau khi làm, tôi thấy rằng công việc được giao không khó đến thế và tôi cũng không phải là người yếu đuối và không chịu được áp lực. Tôi tin rằng dù xuất phát điểm của bạn là gì, chỉ cần bạn không tự trách bản thân, không từ bỏ bản thân, nỗ lực hơn nữa và dám hành động, bạn nhất định sẽ tốt hơn hiện tại, và tốt hơn rất nhiều.

Người ưu tú tìm cách, người tầm thường tìm lí do: 6 thói quen định hình người thất bại, càng tránh xa càng tiến nhanh - Ảnh 3.

6. Kiểm soát cảm xúc kém và EQ thấp

Cuối cùng, tôi muốn nói về việc kiểm soát cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, một người có năng lực tốt, lý lịch tốt, mọi điều kiện đều có thể chấp nhận được, nhưng luôn khó bứt phá, có một lý do tương đối lớn đó là EQ tương đối thấp.

Những người có EQ thấp thường không thể giao tiếp tốt. Thường có hai lý do khiến một người không thể giao tiếp tốt: một là họ không biết cách ăn nói, đó là sự thiếu hiểu biết; hai là họ mất kiểm soát cảm xúc của mình và nói những điều vô nghĩa, đó là không biết suy nghĩ.

Tôi không khuyên bạn nên học quá nhiều về các kỹ năng làm thế nào để đối phó với người khác, nhưng tôi hi vọng bạn sẽ tập trung vào sự phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát cảm xúc cũng cần được củng cố, điều này quyết định liệu nỗ lực của bạn có thể được đền đáp tích cực hay không. Đừng để những cảm xúc tồi tệ và EQ thấp làm hỏng nỗ lực của bạn, điều này là không đáng có.

Cho dù bạn đã trải qua một ngày làm việc vui vẻ hay mệt mỏi, hãy sống hết mình và tận hưởng hạnh phúc quanh mình, đừng dây vào những điểm này, thành công sẽ tự tìm đến bạn.

Tịnh Kỳ

Cùng chuyên mục
XEM