Người trồng phật thủ bội thu
Những người trồng trái cây hình bàn tay Phật ở Hà Nội phấn khởi vào vụ Tết với tâm thế bán hàng được mùa, được giá.
Thời điểm cận Tết, trong những vườn xanh mướt mắt nằm ven sông Hồng thuộc hai xã liền kề Trung Châu và Thọ An (thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội), các hộ dân đang tất bật thu hoạch những trái phật thủ phục vụ thị trường Tết. Người này hái quả, tốp kia đóng gói sản phẩm rồi vận chuyển lên bờ cho những thương lái từ khắp các tỉnh thành cả nước.
Khu vườn phật thủ rộng 3.600m2 của hộ ông Nguyễn Văn Thường, những ngày này đông vui hơn hẳn. Để đảm bảo tiến độ, ông thuê hơn chục nhân công với giá 400 nghìn đồng/ngày công. Ông Thường cho biết, năm nay 280 gốc phật thủ của gia đình ông ra trái đều, đẹp mã, dự kiến thu hoạch được 2 nghìn trái.
Người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức) hối hả thu hoạch, đóng gói những trái phật thủ
Ông Thường cho hay, giá một trái phật thủ có giá dao động từ 80 nghìn đến 150 nghìn đồng/quả, cao hơn so với mọi năm. Có những quả đặc biệt đẹp (to, nhiều múi, giống bàn tay Phật) có thể bán được từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Cạnh vườn ông Thường là hộ ông Nguyễn Văn Hiện, người sở hữu khu vườn phật thủ rộng gần 3 mẫu. Ông Hiện cho biết, đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua khiến đầu ra của phật thủ vô cùng khó khăn. Có lúc, gia đình ông phải sấy khô, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc bán với giá chỉ từ 2-10 nghìn đồng/kg. Cuối năm, vườn của ông cho ra những trái đẹp mã, thương lái khắp nơi đến thu mua.
Trái phật thủ thường chỉ dùng để trưng lên mâm ngũ quả trong ngày lễ Tết (một số ít người đem ngâm rượu hoặc ăn trầu). Vì vậy, hình thức là yếu tố quan trọng quyết định giá bán. Chỉ cần hơi giập là phải bỏ. Ưu điểm của phật thủ là tươi rất lâu, có quả tươi đến 6 tháng trong điều kiện bình thường. Vì vậy, ngay từ nhiều tháng trước, vợ ông Hiện đã mang ra chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) bán cho khách thập phương.
Để có những quả phật thủ đẹp mã phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chăm sóc. Đây là loại cây kỵ thời tiết lạnh giá hanh khô; ưa ấm áp. Những ngày nhiệt độ giảm sâu, hanh khô, người dân phải tưới nước quanh gốc đảm bảo độ ẩm thích hợp. Ngoài ra, cây dễ thối gốc, lá và quả của cây phật thủ thu hút nhiều côn trùng đến phá hại. Việc thu hoạch, bảo quản của phật thủ cũng được tiến hành kỹ lưỡng. “Chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều thùng xốp, giấy báo, bông mềm lót dưới để đóng gói sản phẩm. Công đoạn này rất cần tỉ mẩn nhằm đảm bảo khi tới tay khách hàng, quả vẫn nguyên vẹn, không bị giập nát”, anh Hiện chia sẻ.
Những nông dân chuyên và giỏi nghề trồng phật thủ ở Hà Nội đa phần gốc ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. Ông Thường cho biết, người dân Đắc Sở gần đây phải xuôi ngược đi tìm đất để trồng phật thủ ở dọc sông Đáy, sông Hồng như tại các xã Hiệp Thuận, Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ); Sài Sơn, Yên Sơn (Quốc Oai); Trung Châu, Thọ An (Đan Phượng) này.