Người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm được 5,4 nghìn tỷ USD, kinh tế thế giới chờ đợi thời khắc chi tiêu bùng nổ

19/04/2021 20:30 PM | Kinh doanh

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu cho đến nay, người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tích lũy được 5,4 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm. Ngoài ra, họ cũng ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động chi tiêu hồi phục mạnh mẽ khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Theo ước tính của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s, các hộ gia đình trên toàn cầu đã tích lũy được "khoản tiền dư thừa" vào cuối quý I năm nay. Đây là khoản tiền tiết kiệm chênh lệch so với mức chi tiêu trong năm 2019 và tương đương hơn 6% tổng GDP toàn cầu.

Hơn nữa, niềm tin người tiêu dùng toàn cầu đang tăng lên cho thấy rằng họ sẽ sẵn sàng chi tiêu trở lại, ngay khi các cửa hàng, quán bar và nhà hàng mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Trong quý I/2021, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã chạm mức cao nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 2005, với tất cả các khu vực trên thế giới đều tăng lên đáng kể.

Mark Zandi – nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analystics, cho biết: "Sự kết hợp giữa việc nhu cầu vốn bị dồn nén được giải phóng và khoản tiền tiết kiệm lớn sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, sau khi các quốc gia đạt khả năng miễn dịch cộng đồng với mở cửa hoạt động kinh doanh."

Người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm được 5,4 nghìn tỷ USD, kinh tế thế giới chờ đợi thời khắc chi tiêu bùng nổ  - Ảnh 1.

Các hộ gia đình trên thế giới tiết kiệm nhiều hơn kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Moody’s ước tính, nếu người tiêu dùng chi tiêu khoảng 1/3 số tiền tiết kiệm lớn mà họ đang có, sản lượng toàn cầu sẽ tăng hơn 2 điểm phần trăm trong cả năm nay và năm tới.

Dù sản lượng kinh tế toàn cầu năm ngoái sụt giảm ở mức lớn nhất trong lịch sử hiện đại, thu nhập hộ gia đình phần lớn vẫn được bảo toàn nhờ biện pháo kích thích của các chính phủ. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu khi đối mặt với tình trạng bất ổn về vấn đề việc làm, thu nhập và cũng do nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động.

Theo đó, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế phát triển đã đạt mức cao nhất trong thế kỷ này vào năm 2020, số liệu của OECD cho thấy. Hơn nữa, khoản tiền gửi tại các ngân hàng cũng tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia.

Ông Zandi cho biết, khoản tiền tiết kiệm tại các nền kinh tế phát triển đạt mức cao nhất, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu – nơi các biện pháp hạn chế được áp đặt nghiêm ngặt và chi tiêu chính phủ ở mức cao.

Chỉ riêng ở Mỹ, các hộ gia đình đã tích lũy thêm hơn 2 tỷ USD tiền tiết kiệm, theo ước tính của Moody’s. Đây là con số được thống kê trước khi gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden được triển khai. Krishna Guha – nhà kinh tế tại ngân hàng cố vấn đầu tư Evercore ISI, cho biết, những yếu tố này kết hợp với nhau đủ để thúc đẩy "mức tăng kéo dài đối với hoạt động tiêu dùng".

Người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm được 5,4 nghìn tỷ USD, kinh tế thế giới chờ đợi thời khắc chi tiêu bùng nổ  - Ảnh 2.

Tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình (ngoài thu nhập hiện tại) giai đoạn 2000-2019 và trong năm 2020.

Silvia Ardagna – kinh tế gia tại Barclays, dự đoán chi tiêu hộ gia đình tại Mỹ sẽ tăng khá nhanh trong năm nay và Anh sẽ chứng kiến tốc độ thấp hơn. Bà cũng cảnh báo rằng, việc triển vắc-xin chậm hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giải phóng nhu cầu chi tiêu ở khu vực đồng euro trong 2 quý tới.

Trong khi đó, một số quốc gia Trung Đông – nơi chính phủ chi tiêu mạnh tay, cũng có mức tiết kiệm khá cao. Còn ở châu Á, khoản tiền tiết kiệm vượt mức thấp hơn các khu vực khác, do đại dịch đã được kiểm soát và tác động đối với xu hướng chi tiêu của hộ gia đình ít nghiêm trọng hơn. Tại Nam Mỹ và Đông Âu, khoản tiền tiết kiệm thấp hơn do ảnh hưởng lớn của đại dịch và người dân ít nhận được sự trợ giúp của chính phủ hơn.

Dẫu vậy, tác động của đại dịch cho đến nay là không đồng đều và phần lớn khoản tiền tiết kiệm đều được tích lũy bởi các hộ gia đình giàu có ở tất cả các khu vực.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Morning Consult cho thấy sự cải thiện ổn định từ tháng 1 đến tháng 4 ở 15 nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình thu nhập thấp cho biết điều kiện tài chính của họ đã tồi tệ hơn so với 1 năm trước.

Số liệu từ Morning Consult cho thấy, hơn 1/3 số hộ gia đình giàu ở nhiều quốc gia – bao gồm Trung Quốc, Australia, Italy, Nga và Mỹ, cho biết đây là thời điểm tốt để mua sắm, nhưng đây không phải thời gian lý tưởng đối với các hộ nghèo hơn.

Jan Hatzius – nhà kinh tế học tại Goldman Sachs, ước tính rằng 2/3 khoản tiền tiết kiệm vượt mức được 40% nhóm người giàu nhất nắm giữ. Theo ông, điều này có thể kìm hãm quy mô nền kinh tế được thúc đẩy "vì các hộ gia đình thu nhập cao sẽ giữ lại thay vì chi tiêu đối với phần lớn khoản này".

Theo NHTW Anh, gần ¾ số hộ gia đình tại nước này cho biết những gia đình có khoản tiền tiết kiệm tăng lên dự định sẽ giữ trong tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, những người khác dự định sử dụng tiền tiết kiệm để trả nợ, đầu tư hoặc đưa vào tài khoản hưu trí. Thông tin này trùng khớp với kết quả của Conference Board cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng tăng tiết kiệm và đầu tư vào cổ phiếu trong quý I/2021 tăng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM