Người phụ nữ 47 năm ở vậy, nuôi con cho đồng đội hy sinh: Con ốm, bán cả nhà chạy chữa
Bỏ qua hạnh phúc cá nhân, bất chấp mọi điều tiếng thị phi của người đời, người phụ nữ ấy đã dành hết tuổi xuân, hết cả một đời người để chăm lo cho đứa con của đồng đội đã hy sinh.
Tình chị em nơi xà lim lạnh lẽo
Theo báo Quân đội nhân dân, bà Lê Thị Thanh (Sáu Thanh hay còn gọi là Tám Thương) sinh năm 1942 ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 16 tuổi, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến. Đầu năm 1974, trên đường công tác từ Cà Mau lên Cần Thơ, bà bị địch chặn bắt rồi đưa vào Khám lớn Cần Thơ.
Trong tù, bà Thanh đặc biệt thân thiết với nữ chiến sĩ thuộc Ban Binh vận Khu 9 Lê Kim Tiến. Bà Tiến bị địch bắt giam vì chuyển tài liệu mật cho cơ sở cách mạng, bị kết án 8 năm tù khổ sai. Lúc vào trại giam, bà có thai gần 3 tháng.
Bà Thanh kể về những lần bà Tiến bị tra tấn dã man với VTV24: "Nó đánh em, em đưa cái lưng em chịu, sợ nó đá vô bụng rồi nhỡ sau này con em có tật có nguyền. Cái chết của mình tới nơi mà em không bao giờ lo sợ, chỉ lo cho đứa con trong bụng".
Ở trong xà lim với hoàn cảnh cực kì ngặt nghèo, bà Tiến vừa bị tra tấn, vừa "ốm nghén", thèm ăn đủ thứ nhưng trong tù có gì ăn. Những lúc ra ngoài lao động, bà Tiến cứ quơ đủ thứ cây, cỏ để nhai khiến chị em đồng đội rơi nước mắt.
Bà Thanh quệt nước mắt kể với báo QĐND: "Tiến sinh con, trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn, đứa bé bị suy dinh dưỡng nặng. Tiến cũng rất yếu, sinh con nhưng cũng không thoát khỏi đòn roi của giặc, bị đánh đập dã man, mỗi lần ho ra cả vốc máu; đi tiểu, tiêu đều bị xuất huyết nặng".
Thấy tình trạng sức khỏe của bà Tiến quá xấu, địch quyết định thả bà về vì biết chắc chắn bà sẽ chết. Quả thực, ra tù được hơn một tuần thì bà Tiến mất vì băng huyết, đó là ngày 17/4/1975. Bà Kim Tiến cũng để lại một bức thư cho bà Thanh với nội dung:
"Chị Tám Thương, em không còn sống nổi nữa. Em viết thơ này để lại cho chị, em giao đứa con của em cho chị. Nhưng chị à, con khôn thì mẹ vui lòng, con dại thì mẹ đau lòng. Nhưng chị hứa với em một điều, dù có chuyện gì chị cũng đừng bỏ con" (VTV24 trích dẫn).
Bà Thanh còn cho báo QĐND hay: "Tiến khéo tay lắm, nó nhờ người lính gác tốt bụng mua chỉ về tự đan mũ cho con, rồi còn chuẩn bị cả khăn mặt, xoong khuấy bột cho em bé nữa".
Bà Sáu Thanh cùng con nuôi Việt Tiến về thăm lại Khám lớn Cần Thơ. Ảnh chụp màn hình VTV24
Giữ nguyên vẹn lời hứa
Liệt sĩ Lê Kim Tiến hy sinh ngày 17/4/1975, còn chồng là liệt sĩ Lê Quốc Việt cũng hy sinh trước ngày 30/4/1975 nên đứa bé trở nên mồ côi, không nơi nương tựa. Không nỡ để con đồng đội bơ vơ, cộng với lời hứa năm nào với người đồng đội, bà Thanh quyết định mang đứa bé về nuôi, bắt đầu hành trình làm mẹ.
Đứa bé được sinh ra trong tù năm ấy được đặt tên là Việt Tiến, ghép tên cha mẹ lại với nhau.
Kể từ khi nuôi Việt Tiến, bà Thanh đi đâu cũng mang con theo nên bị người đời dị nghị rằng không chồng mà có con.
Bà tâm sự với VTV24: "Trên đời này có người mẹ nào đem con đi giao cho người ta để đổi lấy hạnh phúc không? Cũng đâu có cái bia mộ nào ghi là chết mà không chồng đâu. Rồi thôi, ở luôn nuôi nó chứ cũng gian nan tiếng ra tiếng vào nhưng vàng thật không sợ lửa".
Sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo của Khám lớn Cần Thơ nên Việt Tiến bị suy sinh dưỡng, thân hình tong teo, bé xíu. Nhiều người khuyên bà Thanh nên từ bỏ việc nuôi Việt Tiến nhưng nghĩ đến người đồng đội năm xưa, bà lại quyết tâm nuôi dạy cô bé nên người.
"Hồi nhỏ Việt Tiến đau ốm liên miên, tôi thì bận công tác nông hội, thường xuyên đưa bà con đi các vùng kinh tế mới hết tỉnh này tới tỉnh khác nên gửi nó dọc đường là chuyện bình thường. Ít thì vài ngày, lâu thì vài tháng, hầu như đến tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long tôi cũng gửi. Tôi nghỉ hưu năm 1997, từ đó có thời gian dành cho Tiến nhiều hơn. Tôi vốn không khá giả gì nhưng luôn cố gắng không để Tiến phải tủi phận vì thua kém bạn bè. Việt Tiến nó thương tôi, luôn quấn quýt bên mẹ, ít khi đòi hỏi, đua đòi", bà Thanh nói với báo QĐND.
Thế mà bà Thanh cũng vượt qua hết khó khăn, nuôi Việt Tiến tới hết THPT thì cô bé được vào làm trong ngành bưu điện vì là con em liệt sĩ của ngành.
Đến năm 2010 thì Việt Tiến lập gia đình với một người đàn ông nghèo, nhưng hiền lành, chất phác. Bà Thanh tổ chức cho con đám cưới linh đình, nhận hết hàng xóm láng giềng làm bà con bên ngoại vì sợ con tủi thân với nhà chồng.
Bà Sáu Thanh cùng Việt Tiến sống nương tựa vào nhau. Ảnh chụp màn hình VTV24
Bán nhà để chạy chữa cho con
Việt Tiến lấy chồng, có công việc ổn định, những tưởng bà Thanh có thể an tâm dưỡng già sau nhiều năm thực hiện lời hứa với người đồng đội năm xưa thì tin sét đánh lại tới với 2 mẹ con: năm 2012, bác sĩ phát hiện Việt Tiến bị bệnh tim bẩm sinh, càng ngày càng nặng.
Từ sau khi phát hiện bệnh tim, Tiến liên tiếp mất thai, có lần còn rơi vào nguy kịch. Tiến phải bỏ công việc nhà nước, nằm viện liên tục từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ rồi tới các BV ở TP.HCM tiếp tục điều trị. Viện phí quá lớn, tất cả mất hơn 200 triệu đồng nên bà Thanh phải bán nhà chữa bệnh cho con.
"Nhà cửa bán hết, tài sản bán hết, tôi có đôi bông là tôi cũng lột ra bán để cứu con, người sống hơn đống vàng, trong đất nước mình hòa bình là có máu xương của cha mẹ nó" - bà Thanh nói với VTV 24.
Trả lời PV truyền hình về những gì mẹ Thanh đã làm cho mình, chị Việt Tiến không cầm được nước mắt: "Từ lúc tôi 14 tuổi là tôi biết hết được mọi thứ thì tôi thấy mẹ Thanh là một người quá tuyệt vời. Mẹ dám hy sinh cả một cuộc đời, cả một tuổi thanh xuân. Tôi mang ơn mẹ cả một cuộc đời, bốn mươi mấy năm mẹ gồng gánh nuôi tôi. Không có người phụ nữ nào không muốn cho mình hạnh phúc cả, trong khi mẹ vừa giỏi, vừa có tài".
Số phận đã gắn kết cuộc đời bà Thanh và Việt Tiến vào nhau để làm nên câu chuyện đẹp về tình đồng đội, đồng chí về tình người và tình mẫu tử thiêng liêng. Thế nhưng, bà Thanh vẫn trăn trở nỗi buồn khi con gái bị bệnh: “Nhìn con gái thế này, tôi có cảm giác mình vẫn chưa thực hiện tốt lời hứa với chị Kim Tiến”.
Tổng hợp