Người Nhật đang phân loại rác nhanh và cực kỳ khoa học như thế nào?

12/06/2017 08:59 AM | Sống

Những dây chuyền xử lý rác công nghệ cao đã giúp đảm bảo cho rác được tái chế hiệu quả và sạch sẽ nhất để đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Nếu có người nước ngoài nào đó từng đến Cục xuất nhập cảnh Nhật nằm gần khu vực Shinagawa dọc vịnh Tokyo, hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ thấy một ống khói lớn bên cạnh cây cầu Konan Ohashi.

Không nhiều người nhận ra rằng Cục xuất nhập cảnh Nhật nằm ngay bên cạnh một nhà máy xử lý rác. Nhà máy xử lý rác này giữ vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo môi trường cho thủ đô Tokyo bởi rất nhiều lượng rác thải hàng ngày được chuyển đến đây để tái chế hoặc tiêu hủy.

Theo báo Japan Times, mỗi tuần, hàng nghìn thùng rác nhựa được thu gom trên khắp các hang cùng ngõ hẻm của quận Minato, Tokyo để mang về nhà máy này. Quận Minato là một quận rất trung tâm của thủ đô Tokyo, nơi tập trung rất nhiều đại sứ quán nước ngoài cũng như trụ sở của hàng loạt doanh nghiệp lớn của Nhật như Sony, Mitsubishi, Honda…

Trước đó, tại các khu văn phòng, siêu thị, nhà ga và rất nhiều địa điểm khác trên khắp Tokyo, các chai nhựa có thể tái sinh, vỏ lon và nhiều sản phẩm nhựa khác được phân loại theo đúng quy định và để vào loại túi theo yêu cầu.

Ví như tại quận Minato, chai thủy tinh được cho vào thùng màu vàng, vỏ lon và vỏ thiếc được cho vào thùng màu xanh. Nhóm nhân viên vệ sinh thu gom những loại rác trên cùng với giấy báo, tạp chí, thùng các tông, chai nhựa tái chế.

Người Nhật đang phân loại rác nhanh và cực kỳ khoa học như thế nào? - Ảnh 1.

Chai thủy tinh được cho lên băng chuyền - Ảnh: Japan Times

Tất cả các loại rác này ngoại trừ giấy được chuyển đến nhà máy xử lý rác Minato. Nhà máy chính thức được đưa vào hoạt động từ năm 1999 để xử lý nhanh và hiệu quả nhất rác thải các loại, sản phẩm của lối sống hiện đại.

Bên trong nhà máy, những thùng chai thủy tinh được chuyển lên băng chuyền. Sau đó máy tự giỡ thùng ra, chuyển toàn bộ chai lên một băng chuyền khác. Trên băng chuyền này, các công nhân của nhà máy sẽ dùng tay để loại bỏ tất cả những thứ bám vào chai. Rồi chai lại được cho lên băng chuyền, máy cảm ứng sẽ tự rung lắc để điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa các chai trở nên phù hợp.

Hệ thống cảm biến ánh sáng và phân loại sau đó tự động rà soát và chia các loại chai thủy tinh vào ba nhóm màu khác nhau bao gồm nhóm chai màu trong, nhóm chai màu nâu và nhóm còn lại bao gồm tất cả các chai màu khác. Ba loại nhóm chai này sau đó được chuyển xuống tầng một rồi máy sẽ nghiền tất cả chúng ra.

Dây chuyền như thế có thể xử lý khoảng 1 tấn chai tức khoảng 4.000 chai thủy tinh trong một tiếng đồng hồ. Sản phẩm sau khi nghiền ra được chuyển đến các công ty tái chế để sản xuất ra các sản phẩm mới.

Người Nhật đang phân loại rác nhanh và cực kỳ khoa học như thế nào? - Ảnh 2.

Sản phẩm được sản xuất từ chai thủy tinh tái chế được trưng bày - Ảnh: Japan Times

Đối với các vỏ lon và vỏ thiếc, người ta đưa chúng vào một máy phân loại. Máy sử dụng nam châm để phân loại vỏ làm từ thép và vỏ làm từ nhôm. Máy có thể xử lý khoảng 1.400 chiếc vỏ một lúc.

Sau đó, các sản phẩm vỏ đã được phân loại được chuyển đến một máy xoắn chuyên dụng. Tiếp đến, xe tải của các nhà máy tái chế sẽ đến nhận sản phẩm để tái sản xuất thành vỏ lon, phụ tùng ô tô hay các công cụ được sử dụng trong ngành xây dựng.

PET hoặc PETE dùng để chỉ các chai nhựa làm từ polyethylene terephtalate - loại nhựa rất phổ biến được sử dụng cho hầu hết các loại chai nhựa hiện nay. Tất cả các chai nhựa đã được gỡ bỏ nắp chai, gỡ sạch toàn bộ nhãn mác, được sục rửa sạch được chuyển đến máy nghiền ép. Máy có khả năng nghiền ép khoảng nửa tấn chai trong một tiếng.

Sau khi nghiền ép, máy sẽ cho ra những khối nặng khoảng 17 kilogram, mỗi chiều dài khoảng 40cm, tương đương với trọng lượng của khoảng 300 chai 1,5 lít. Công đoạn này kết thúc, các khối nhựa nghiền ép được chuyển đi để sản xuất các chai nhựa mới, sản phẩm nhựa hoặc đồ dùng văn phòng.

Cho đến nay, những khối rác sau xử lý có kích cỡ lớn nhất chính là các sản phẩm nhựa bao gồm bao gói thực phẩm, khay cơm hộp, chai dầu gội đầu hay bát đựng mì…Khi tất cả nhóm rác trên được đưa lên băng chuyền, hệ thống quạt cực lớn sẽ thổi bay tất cả các bao gói thực phẩm. Bao gói thực phẩm sau đó được chuyển đến cho công nhân phân loại bằng tay.

Nhóm rác còn lại trên băng chuyền được đưa đến máy nghiền ép, máy nghiền thực hiện chức năng của mình và cho ra những khối vuông kích cỡ mỗi chiều khoảng 1 mét nhưng trọng lượng lên đến 280kg. Dây chuyền này có thể xử lý khoảng 2 tấn nhựa mỗi giờ. Sản phẩm sau khi hoàn tất sẽ được chuyển đến các công ty để sản xuất ra các sản phẩm nhựa mới.

Quản lý tại nhà máy, ông Akihiro Naito, cho biết để cho các công đoạn xử lý rác được thực hiện nhanh nhất có thể, ông luôn mong rằng người tiêu dùng sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác để tốc độ xử lý được nhanh và hiệu quả nhất.

Thủ đô Tokyo của Nhật hiện có 23 quận, nhưng rất ít quận có nhà máy xử lý rác hiện đại như nhà máy của quận Minato được nói đến trong bài này. Phần lớn các quận khác chuyển việc xử lý rác cho các công ty tư nhân với công nghệ kém hiện đại hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cách xử lý rác tại mỗi quận cũng khác nhau. Ví như quận Minato xử lý tất cả các bao bì, hộp nhựa nhưng quận Setagaya lại không làm vậy.

Các số liệu thống kê cho thấy quận Minato hiện đang tái chế được khoảng 29,8% lượng rác và quận đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ tái chế 42% tổng lượng rác.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM