Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty

17/01/2022 13:50 PM | Xã hội

Những thợ trang điểm tử thi thường vào nghề vì một cái duyên bí ẩn nào đó. Nghề của họ có những “góc khuất” rùng rợn mà khi nói ra, người nghe không khỏi ớn lạnh.

Tâm tư người phương Đông quan niệm rằng chết không phải là dừng lại, mà là bắt đầu cho hành trình mới. Vì vậy, người quá cố cần được tẩy uế, thay quần áo mới và trang điểm đẹp đẽ trước khi tạm biệt người thân để “lên đường”.

Trang điểm cho người quá cố, vì thế là một công việc đầy tính nhân văn, song cũng đáng sợ. Những người làm nghề này thường có xuất phát điểm là từ nhân viên trang điểm hoặc làm những việc liên quan tới lĩnh vực này như khám nghiệm tử thi, khâm liệm tại nhà xác. Họ coi đó là cái nghiệp, là vận mệnh của mình hơn là một kế sinh nhai.

“Bước vào phòng lạnh lấy xác như xuống âm phủ”

Nguyễn Ngọc Tùng, nhân viên đội khâm liệm tại nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội) đã quen với không khí nhà xác từ nhỏ, vì thi thoảng được theo chân bố - một tiền bối - lên cơ quan làm việc. Anh vừa khâm liệm, vừa trang điểm cho người đã khuất.

Không gian làm việc của Tùng là nơi u ám nhất nhà tang lễ: Khu vực nhà lạnh.

Những ngày đầu vào nghề, cảm giác bước vào phòng lạnh lấy xác như xuống âm phủ, không gian u uất, lạnh lẽo, chỉ thấy xác người nằm bất động khiến cơ thể mình rung lên, rùng mình”, Tùng từng tâm sự thế với báo chí.

Nhưng thi thể trong nhà tang lễ đã được xử lý khá “sạch” rồi, đáng sợ hơn cả là những thi thể bên ngoài, phải trực tiếp đi lấy. Lần ám ảnh nhất của Tùng là một người độc thân, mất lâu ngày nhưng không ai hay. Khi Tùng đến, thi thể đã phân hủy, bốc mùi kinh khủng. Tùng bỏ ăn, mất ngủ mấy ngày, hễ nhắc đến là hình hài ấy vẫn thấp thoáng trong đầu.

Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty - Ảnh 1.

Tùng trong phòng lạnh, chuẩn bị công việc trang điểm và khâm liệm.

Những người mất vì bệnh truyền nhiễm, tai nạn giao thông cũng để lại nhiều ám ảnh. Nạn nhân của những vụ tai nạn thường không lành lặn, người thân mà nhìn chắc đau lòng vô hạn. Trước khi trang điểm, Tùng và các đồng nghiệp phải khâu vá các mảnh thịt rách, lấy bông gòn đệm vào những phần bị móp méo, biến dạng… sao cho ra dung nhan đẹp nhất có thể.  

Còn lúc trang điểm, thần kinh phải thật vững thì mới điều khiển được đôi tay vì lúc này, họ tiếp xúc cực kỳ gần nhất mặt xác chết. Phải làm thật nhanh vì để lâu bên ngoài, thi thể sẽ bốc mùi. Nhưng nhanh thì cũng phải cả tiếng đồng hồ...

Tùng đã kết hôn và được vợ thấu hiểu, ủng hộ hết lòng. Âu đó cũng là một may mắn, vì nhiều đồng nghiệp của Tùng, hoặc ế dài ế dạc, hoặc không dám lộ ra với người nhà. Nghề cô độc khủng khiếp này, vì thế càng cô độc hơn.

“Trang điểm xong, tôi thấy như họ đang cười với mình” 

Anh Nguyễn Hoàng Nhật (TPHCM) vốn là một tài xế lái xe cấp cứu. Anh cũng được nhiều bạn bè trêu đùa gọi là “gã khùng” vì dịch vụ mai táng và trang điểm, anh dành riêng cho người nghèo và hoàn toàn miễn phí. 

Mọi sự bắt đầu từ một chuyến chở thi thể về quê, anh là lái xe cứu thương theo điều động của trung tâm. Giá chuyến đi là 2,2 triệu, nhưng người nhà về đến nơi phải chạy vòng quanh xóm vừa vay vừa xin tiền, gom từng đồng lẻ 10 ngàn, 20 ngàn mới đủ đưa. Anh Nhật khoát tay, tặng lại họ và sau đó nghĩ mãi về những người nghèo như thế.

Anh “xin” vợ bán nhà, mua thêm 1 xe, rồi gom tiền mua thêm 2 xe nữa, tổng cộng là 3 xe cứu thương để làm dịch vụ vận chuyển miễn phí. Rồi sau lại kiêm thêm dịch vụ mai táng và trang điểm, duy trì nhờ tình cảm của bạn bè và tiền lương của bản thân.

Từ nào tới giờ đâu có động vào vấn đề trang điểm, nhưng phát tâm làm, mình phải đi hỏi, mỗi người chỉ cho một ít. Đồ trang điểm cũng xin của mấy chị trong cơ quan. Giờ rảnh là lên YouTube học cách trang điểm cho người sống rồi áp dụng vào. Nghề dạy nghề thôi, chứ làm gì có tiền đi học. 

Mới đầu mấy chị cơ quan nghe hỏi xin đồ trang điểm, thấy mình coi clip còn giỡn là mày “trổ bóng” rồi à, sau biết mình làm việc thiện thì nhiệt tình chỉ giúp”- anh Nhật nói.

Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty - Ảnh 2.

Anh Nhật bên đồ nghề đi xin được từ những người thân quen.

Lâu dần, anh luyện ngón tay dẻo và có miếng lót tay để mồ hôi không dính má người ta. Tùy theo người mất hồng hào, tái hay thâm tím đen, nam hay nữ mà anh chọn cách trang điểm, thường thì đủ công đoạn từ đánh sáng, kẻ chân mày, lấy cọ tô viền môi, đánh son lên… sao cho nhìn như người đang ngủ. 

Những chuyện ký bí anh gặp cũng không ít. “Có lần mình làm cho chú kia, người cứng đờ, không thể gỡ ra thay đồ hay làm gì được. Nếu mà cố ghì sẽ rách da thịt. Mình đứng thành tâm khấn, nói như nói với người thân, kêu chú như vầy con làm không đẹp được, không tươm tất đâu,  giờ phải mềm ra nha. Ai ngờ mấy phút sau, người ông mềm thật, cả nhóm làm rất dễ dàng.

Cũng có những người quen, bán vé số hay trà đá ở gần cơ quan, biết mình làm miễn phí còn “hẹn” mai mốt họ mất, nhờ mình giúp họ đoạn đường cuối. Mỗi lần trang điểm xong, mình cảm thấy như thấy được nụ cười nở trên môi họ, như thể họ mãn nguyện khi được mình phục vụ vậy”. 

Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty - Ảnh 3.

Nhà anh Nhật thường có vài chiếc hòm dự phòng cho người nghèo.

Vợ anh Nhật cũng yêu thương và ủng hộ chồng. Nhà thuê của họ có khi để vài chiếc hòm do các trại hòm tặng. Hai vợ chồng cũng đã làm giấy hiến xác cho y học sau khi họ qua đời.

"Có thôi thúc bí ẩn nào đó dẫn vào nghề"

Chị Đinh Thị Phương Loan, nhân viên Lạc Hồng Viên Hòa Bình có lẽ là người phụ nữ hiếm hoi làm nghề trang điểm tử thi. Trước đó, chị làm trang điểm cho sự kiện, đám cưới.

Nhưng lời trăn trở của một người bạn thân có chị gái mất sớm, muốn tìm người trang điểm cho chị thật đẹp trước khi khâm liệm mà không ưng ý đã thay đổi cuộc đời Loan. Không hiểu sao, câu nói ấy cứ váng vất trong đầu chị cả tháng trời, làm chị không ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng trăn trở. 

Một thời gian sau, chị quyết định từ bỏ việc trang điểm cho người sống mà chuyển sang các khách hàng là tử thi. Chị tự nhận mình là thần kinh thép, vì ngay từ lần đầu làm việc, trong chị đã không có nỗi sợ hãi nào. Trái lại, có cái gì đó thanh thản, hoan hỉ như thể đó là sứ mệnh của mình. 

Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty - Ảnh 4.

Phương Loan là một trong những người nữ hiếm hoi làm nghề trang điểm tử thi.

Khi vào việc, Loan luôn để mặt trần, “chào hỏi” khách hàng, sau đó mới đeo găng tay, đeo khẩu trang và vào việc. Chị chải chuốt tóc, trang điểm, đánh môi, sơn móng cho người đã khuất… từng công đoạn tỉ mỉ vì "gia đình nào cũng muốn người thân trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn... sao cho giống như khi đang ngủ. Tôi cố làm cho họ thật đẹp, để giấc ngủ ngàn thu phải là giấc ngủ đẹp nhất, bình an nhất.”. 

Sau khi công việc xong, chị cất đồ vào cốp, tháo khẩu trang, găng tay rồi cúi lạy chào họ lần nữa.

Trang điểm hàng trăm tử thi, mỗi người một chuyện, nhưng ca mà Loan vẫn nhớ mãi là một cô bé 15 tuổi. Từ khi tiếp nhận điện thoại và thông tin cô bé, Loan đã buồn, cảm giác như chính người thân mình ra đi. Tuổi trăng tròn đáng lẽ đang bay nhảy thì nằm đó lạnh lẽo. Trang điểm xong về, Loan buồn mênh mang mấy ngày mới dứt. 

Người làm nghề rùng rợn nhất thế gian: Mỗi lần vào phòng lấy xác, cảm giác như xuống âm ty - Ảnh 5.

Chị coi đó như sứ mệnh của mình, thanh thản mỗi khi xong việc.

Chị không để tâm sự kỳ thị của người khác, vì xác định làm nghề này sẽ phải trải qua áp lực, chỉ cần người nhà hiểu mình là được rồi. Trang điểm tử thi không đơn giản là công việc nữa mà có gì đó đồng cảm, rung động từ bên trong. Với chị, sự hài lòng và biết ơn từ thân nhân người đã khuất là khoản hậu tạ quan trọng nhất. 

Loan hiện là single mom. Chị chưa nghĩ đến chuyện tương lai, nhưng khẳng định nếu ai e dè, ngần ngại về nghề nghiệp của mình, Loan sẽ không đến với người đó, vì không thấu hiểu thì không thể yêu thương.

Chị cũng đang đào tạo được vài “đệ tử”, toàn là phụ nữ, người trẻ nhất mới 22 tuổi. Đó toàn là những người có tinh thần thép, nên Loan không quá vất vả khi thuyết phục họ theo nghề.

***

Điều dễ thấy nhất ở những chuyên gia làm nghề trang điểm tử thi, đó là họ có sự từng trải và trầm lắng rất rõ. Bước qua nhiều trải nghiệm, dường như họ thấm thía rằng con người bươn chải mưu sinh vất vả vì đồng tiền, nhưng đến cuối cùng, lúc nằm xuống, tiền cũng chẳng còn ý nghĩa. 

Vì thế, những nhân viên nhà tang lễ như Tùng, Loan, tiền thù lao chỉ lấy theo mức quy định; còn anh Nhật “giao du” với người chết nhiều hơn người sống, thậm chí chẳng còn màng đến tiền.

(Nguồn tham khảo: Nhân Chứng TV, Challenge me)

Theo Bích Chi

Cùng chuyên mục
XEM