Người làm agency nói về drama Cô Gái Có Râu: "Không nhãn hàng nào muốn hợp tác với influencer có khả năng khiến sản phẩm của họ bị vạ lây như vậy!"
Làm người có sức ảnh hưởng, dù là ở nền tảng nào đi chăng nữa cũng đều có những quy luật bất thành văn, nhất là khi làm việc với các nhãn hàng, agency và câu chuyện còn liên quan đến tiền bạc.
Không cần xem TikTok 180 phút mỗi ngày thì hẳn bạn cũng đã biết drama hot nhất 2 ngày nay chính là lùm xùm đấu tố giữa diễn viên Long Chun với một TikToker có tên Cô Gái Có Râu. Dù mới xuất hiện gần đây nhưng Cô Gái Có Râu được khá nhiều người biết đến qua những video "bóc phốt", bóng gió nhắc đến những nhân vật nổi tiếng như Bùi Anh Tuấn, Minh Hằng, Quốc Trường... Một trong những nhân vật "nằm không dính đạn" chính là diễn viên Long Chun. Cụ thể, Cô Gái Có Râu đã cho lên sóng một video nhằm tố Long Chun nói dối về mức thu nhập 1 tỉ/ tháng của mình. Đỉnh điểm của câu chuyện là khi TikToker này công khai nội dung email trao đổi công việc kèm theo báo giá của Long Chun.
Dù đã lên tiếng xin lỗi về hành động thiếu suy nghĩ của mình, đồng thời thừa nhận cố tình làm nội dung như thế để câu like, câu view nhưng câu chuyện này vẫn đang được quan tâm.
Đây không phải lần đầu TikTok Việt Nam có những màn cãi nhau qua lại, nhưng việc một influencer (dù là mới nổi) đăng tải những thông tin liên quan đến công việc và giá booking của một influencer khác thì rõ ràng là vô tiền khoáng hậu. Trong giới agency nói chung cũng như lĩnh vực booking KOL/ influencer nói riêng, có thể nói đây là một hành động cấm kị và cực kì thiếu chuyên nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, anh D.N - hiện đang làm Influencer Manager của một agency quốc tế có trụ sở ở Sài Gòn chia sẻ: "Làm người có sức ảnh hưởng, dù là ở nền tảng nào đi chăng nữa cũng đều có những quy luật bất thành văn, nhất là khi làm việc với các nhãn hàng, agency và câu chuyện còn liên quan đến tiền tươi thóc thật. Mình không rõ bạn ấy công khai báo giá của người khác với mục đích gì, nhưng ở vị trí của một người đứng giữa nhãn hàng & người có sức ảnh hưởng, trực tiếp vận hành các job, mình tin là không chỉ mình mà tất cả những ai làm trong ngành đều muốn tránh xa và không có nhu cầu làm việc với bạn ấy!"
Để quyết định hợp tác với một người có sức ảnh hưởng, các agency và nhãn hàng có thể đọc lại hàng trăm bài báo từ tận 4-5 năm trước, dò la, nghe ngóng đủ nguồn tin từ người trong giới. Chỉ một thông tin nào đó nhen nhóm mùi "xui rủi" là phần trăm chắc chắn trong việc kí kết giảm một chút và các team bắt đầu đi tìm những cái tên back-up, phòng trường hợp xấu nhất.
D.N - Influencer Manager
Từ góc độ của một người với 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo - marketing và làm việc với hàng trăm người có sức ảnh hưởng, trong đó có nhiều ngôi sao A+, anh D.N cũng nói rõ hơn về những cung cách làm việc dễ khiến các KOL rơi vào "blacklist" của người trong ngành nhất.
1. Hay đăng tải và bình luận linh tinh, không suy nghĩ, thường xuyên để tay và miệng "đi chơi xa"
Có rất nhiều KOL làm việc theo kiểu mới hôm qua xác nhận sẽ làm job cho nhãn hàng nước giải khát A và chuẩn bị lên bài thì đến hôm sau lại hồn nhiên khoe story đang uống nước giải khát của nhãn B. Hợp đồng có thể không độc quyền nhưng vẫn phần nào thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Trong những trường hợp thế này, agency hoặc nhãn hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu huỷ job nếu cảm thấy ảnh hưởng đến thương hiệu.
Ngoài ra một kiểu sử dụng MXH bừa bãi khác của KOL đó là... mâm nào cũng có mặt. Chửi nhau, bóc phốt, drama đấu tố, cà khịa - đâu đâu cũng phải góp vui một chút. Với những người có sức ảnh hưởng vừa & nhỏ, chỉ cần khoảng 2-3 lần liên tiếp có lùm xùm tiêu cực hoặc cư xử, phát ngôn vô ý tứ trên mạng xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhãn hàng là các agency sẽ tìm cách ngừng làm việc ngay.
2. Thất hứa, trễ hẹn, giờ giấc linh tinh
Ai cũng có những tình huống phát sinh không mong muốn, nhưng người ta chỉ có thể thông cảm cho bạn 1-2 lần đầu chứ không ai đủ kiên nhẫn để thoả hiệp với cách làm việc này mãi mãi. Không ít KOL/ influencer hứa trả lời job này job kia trong ngày nhưng đến tận cả tuần sau mới rục rịch "trồi" lên, lúc này job đã xong và tiền đã đổ vào túi của người khác mất rồi! Nghiêm trọng hơn là những case đã nhận cọc và xác nhận job nhưng đến ngày trả bài/ đăng bài thì biến mất tăm, từ KOL đến quản lí đều "ò e ò e í ò e".
3. Đòi hỏi về chuyện thanh toán một cách không chính đáng
Khi vận hành job, các agency thường đề xuất sẽ thanh toán 100% chi phí sau khi KOL/ influencer hoàn thành công việc và nghiệm thu xong. Tuy nhiên trong một số trường hợp job có quy mô lớn mà hai bên sẽ thoả thuận để trả theo từng đợt, phổ biến nhất là 50-50 hoặc 30-30-40. Chi phí này được các KOL dùng để đầu tư trang phục, máy móc thiết bị hoặc thuê nhân sự hỗ trợ.
Ai cũng hiểu rằng khi job chưa xong, khi camp (campaign - chiến dịch) chưa hoàn thành thì không bao giờ có chuyện influencer được thanh toán 100% chi phí. Chưa kể từ phía agency, nếu KOL muốn được trả 100% chi phí trước khi lên bài thì sẽ vô tình gây hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm cuối. Rất nhiều tình huống có thể xảy ra như video sau khi lên YouTube bị đánh bản quyền và xoá mất, bài đăng lên fanpage nhưng không đạt chất lượng như agency/ nhãn hàng mong muốn, đến lúc này muốn liên hệ KOL để tìm cách khắc phục thường khó hơn đi hái sao trời...
4. KOL đặt cái tôi quá cao, có thái độ cư xử "trịch thượng"
Sai lầm của nhiều influencer là đặt mình ở vị trí "bề trên" và xem agency như người chạy việc mà quên mất rằng đó mới chính là người có khả năng chi phối ngân sách, quyết định KOL. Phong cách làm việc khác gây ác mộng không kém đó là những KOL mà agency gửi brief (bảng mô tả ngắn công việc) thì hoạnh hoẹ không chịu làm, thậm chí nặng nhẹ ngược lại. Hoặc ý có mối quan hệ trước đó với nhãn hàng rồi coi thường agency, coi thường quy trình.
Cá biệt hơn, còn có những người có sức ảnh hưởng làm việc theo kiểu... không cần khách hàng luôn! Một sản phẩm khi xuất hiện trên platform của influencer chắc chắn đã có sự trao đổi và thoả thuận rõ ràng giữa các bên. Tuy nhiên không ít trường hợp các KOL được đưa 5 ý nhưng chỉ nói 1 ý, thậm chí chia sẻ hời hợt, qua loa trong khi chi phí thì vẫn muốn nhận đủ. Mẫu câu chung khi bị đặt câu hỏi ngược lại là "anh làm nghề này lâu rồi anh biết", "không phải cái gì khách hàng muốn là cũng được đâu". Một nửa thì vẫn muốn có job, muốn có tiền nhưng những yêu cầu cơ bản nhất lẫn sự tôn trọng dành cho nhãn hàng lại hoàn toàn không có.
Tạm kết
Nói về tất cả những lùm xùm đang diễn ra, anh D.N kết lại: "Lĩnh vực này trông thì có vẻ rộng lớn nhưng mình tin là 80% mọi người đều biết nhau. Chỉ cần có cách làm việc hoặc thái độ cư xử không phù hợp, thiếu tôn trọng người khác là 1-2 tuần sau cả giới đều biết.
Những content "bóc phốt" người trong nghề có thể rất hot trên mạng xã hội nhưng sự thật là từ góc nhìn của nhãn hàng và agency, không ai muốn dính dáng đến những KOL này vì sớm muộn gì sản phẩm của họ cũng bị "vạ lây". Thực tế cho thấy không một ai muốn bỏ tiền ra để rồi nơm nớp lo sợ không biết khi nào sản phẩm của mình vô tình bị ném đá, tẩy chay, đánh giá 1 sao chỉ vì sai lầm trong việc "chọn mặt gửi vàng".
Nếu mục đích của bạn chỉ là để câu view, câu like và thoả mãn sở thích gossip của bản thân thì ok, nhưng nếu muốn kiếm được tiền, muốn phát triển, muốn đạt được những thứ to lớn hơn với cách làm việc và xây dựng nội dung như trên thì e rằng hơi khó!"