Người kinh doanh học được gì từ tư duy của một tên "đạo chích"?

13/06/2017 11:06 AM | Sống

Trộm cắp đương nhiên là việc phi pháp, bị cả xã hội lên án. Bài viết này không cổ vũ cho cái xấu, mà chỉ nêu một góc nhìn về mặt tư duy, mà một người làm kinh doanh có thể học hỏi được từ những tên đạo chích này.

Tại sao tên trộm đã đi ăn trộm thường không trở về tay không, gần như tỷ lệ thành công lên tới 100%?

Tại sao tên trộm vẫn có thể đánh cắp thứ mà người ta bảo vệ rất nghiêm ngặt?

Tại sao tên trộm lại có thể ăn trộm lúc ban ngày khi mà đông người nhất?

Tại sao chỗ nào cũng treo bảng đề phòng kẻ cắp mà vẫn bị mất trộm như thường?

Đơn giản là vì một tên trộm thường lên kế hoạch phân tích kỹ càng, có khả năng ứng biến nhanh, và luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống xấu nhất xảy ra, như việc bị bắt chẳng hạn. Dưới đây là tư duy một người làm kinh doanh có thể học hỏi từ những tên trộm trên xe buýt:

1.Nghiên cứu thị trường

Kẻ trộm không bao giờ ngồi một chỗ chờ đợi con mồi tự mò đến, mà hắn sẽ tiến hành "nghiên cứu thị trường". Một tên chuyên trộm trên xe buýt, hắn sẽ quan tâm đến tình hình giao thông hơn chúng ta, bởi hắn ta cần biết được lịch trình các chuyến xe buýt, xe nào đông khách, bến nào đông người chờ xe, đường nào hay tắc đường... chỉ những chỗ đó mới có đông người thuận tiện cho việc ăn trộm của chúng.

2. Phân tích khách hàng

Kẻ trộm có thể ăn trộm được vào lúc ban ngày do ban ngày người đông, dễ hành động, và ban ngày mọi người có cảm giác an toàn hơn nên lơ là cảnh giác hơn. Còn buổi tối cảm giác an toàn thấp nên mọi người thường sẽ đề cao cảnh giác hơn.

3. Xác định đúng mục tiêu

Kẻ trộm cũng tiến hành sàng lọc đối tượng để ra tay, bởi ăn trộm một món đồ trị giá 200 đồng với ăn trộm một món đồ trị giá 2000 đồng, rõ ràng lợi nhuận hắn kiếm được sẽ khác nhau. Vì thế, hắn sẽ tiến hành sàng lọc đối tượng, ai có tiền, ai có đồ đắt tiền, ai lơ là cảnh giác, hắn đều thông qua sự sàng lọc lựa chọn nhất định.

4. Tạo ra bầu không khí mới

Nếu như mọi người lên xe lần lượt có trật tự thì tên trộm sẽ không có cơ hội để ra tay. Cho nên hắn ngay khi vừa nhìn thấy xe buýt đến, hắn sẽ chạy đầu tiên, thấy hắn chạy người khác cũng bắt chước chạy vì sợ bị cướp mất chỗ, thế nhưng hắn sẽ chạy không quá nhanh mà chỗ nào đông thì hắn chạy vào, cố chen vào đến khi xe buýt chật cứng.

5. Tạo sự xung đột

Kẻ trộm sẽ tạo cảnh chen lấn một ai đó đến khi người ta bực mình quát hắn "chen lấn gì kỳ vậy", sau đó hắn cũng giả vờ quát lại vài câu để mọi con mắt đổ về phía hai người, bởi con người ai cũng tò mò chuyện của người khác.

Nhưng vì là lên xe buýt nên mọi người chỉ nhìn qua một cái lại tiếp tục lên xe. Lúc này, tên trộm đã thành công rồi, đồ hắn ăn trộm không phải của người hắn cãi nhau cùng mà là của mục tiêu cạnh hắn ta, và mục tiêu này trong lúc hắn cãi nhau đã quay đầu nhìn hai người cãi nhau rồi tiếp tục lên xe buýt mà không biết được rằng mình đã bị trộm đồ.

6. Rút lui an toàn

Khi xe buýt chạy đi là lúc người mất đồ phát hiện mình bị mất đồ, lúc này thứ nhất là anh ta sẽ nghĩ ngay đến người vừa nãy cãi nhau là kẻ trộm, thứ hai là anh ta ngay lập tức sẽ đi tìm hắn trên xe buýt. Và mọi người trên xe cũng nhận ra người vừa nãy chính là một tên ăn cắp và cùng nhau tìm hắn trên xe, nhưng họ sẽ phát hiện ra là hắn không hề lên xe. Người mất đồ sẽ lập tức yêu cầu dừng xe để đuổi theo kẻ cắp, thế nhưng từ lúc bị ăn cắp đến lúc phát hiện ra chỉ chưa đầy 2 phút tên trộm đã không thấy đâu.

Từ trên ta thấy, một tên trộm thường vận dụng thuần thục các kỹ năng liên quan đến kinh doanh như: nghiên cứu thị trường, phân khúc thị trường, sáng tạo, gây xung đột một cách hoàn hảo nhằm nâng cao tỷ lệ thành công.

Nếu như bạn đang làm nghiệp vụ, kinh doanh, sales… bạn có thể học hỏi tư duy của những tên trộm này. Một khi đã tìm hiểu rõ tất cả các yếu tố về thị trường, về khách hàng, tôi tin rằng thành công cũng sẽ đến với bạn.

Hằng Phương

Cùng chuyên mục
XEM