Người khôn nói ít, kẻ dại lắm lời: Đường đời như ý hay không phải nhờ GIAO TIẾP ĐÚNG

29/01/2022 11:16 AM | Sống

Trong đời mỗi người, ai cũng sẽ có không ít lần rơi vào cảnh khốn đốn, có câu "họa từ miệng mà ra", giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn hóa giải được phần lớn tai họa, mà còn gặt hái được nhiều quả ngọt trong cuộc sống.

Hiếm ai vượt qua được sóng gió cuộc đời, không phải những khó khăn gặp phải trong cuộc sống là không thể vượt qua mà chỉ đơn giản là họ không biết căn nguyên hình thành nên những khó khăn đó, nên cứ mãi lao đao không tìm ra được giải pháp. Vì vậy, nếu muốn thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống, điều quan trọng nhất bạn nên làm là tìm ra nguồn gốc của vấn đề trước.

Đối với người bình thường, cuộc sống của họ vốn không quá tráng lệ hay to lớn, nên phần lớn nguồn gốc của khó khăn đôi khi chỉ là từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt không liên quan. Những điều nhỏ nhặt này hầu như đều đến từ miệng của bạn và cách bạn nói chuyện.

Miệng của bạn chính là vận mệnh của bạn, lời bạn nói ra như thế nào thì cuộc sống của bạn cũng sẽ như thế đấy. Khi bạn liên tu bất tận nói về ý kiến của bản thân, thì cuộc sống của bạn có thể đã dần rơi vào nguy cơ mất kiểm soát, chỉ đến khi nào bạn học được cách giao tiếp đúng, thế giới mới có thể phản hồi lại cho bạn một kết quả tốt đẹp.

Người khôn nói ít, kẻ dại lắm lời: Đường đời như ý hay không phải nhờ GIAO TIẾP ĐÚNG - Ảnh 1.

1. Học cách im lặng

Đối với đa số người trên thế giới này, phương pháp giao tiếp nên học nhất không phải là khoa trương ngôn từ hay giọng điệu, mà bài học đầu tiên đối với họ chính là học cách im lặng. Một người ăn nói huyên thuyên hiếm khi được coi là một phú thương tài năng, trong hầu hết các trường hợp, một người như vậy thường khiến người khác chán ghét hơn.

Đừng nói quá nhiều, hãy để cho lưỡi của bạn nghỉ ngơi một chút và sử dụng đôi tai của bạn để học cách lắng nghe. Có người rất thích huyên thuyên, giống như chỉ cần họ ngưng nói thì sẽ chết vậy, người thông minh là người biết ẩn mình, giống như khoảng trống trong các bức tranh, nếu như vẽ quá dày đặc thì bức tranh này không những không được đánh giá cao, mà còn có thể bị ném vào sọt rác.

Hãy học cách im lặng và ít nói, có vậy thì lời nói của bạn mới có trọng lượng đối với người khác và được họ xem trọng. Nếu bạn muốn học cách ít nói hơn, điều quan trọng nhất là phải nuôi dưỡng thói quen suy nghĩ. Lý do mà bạn luôn nói huyên thuyên không thể kiềm chế không phải là do bạn miệng lưỡi lanh lợi, mà là do bạn không có khả năng chắt lọc những suy nghĩ trong đầu, bạn chỉ biết bày tỏ chứ không biết những gì bạn đang bày tỏ liệu có thể giải thích đúng những gì bạn nghĩ hay không. Trước hết, bạn phải tạo cho mình thói quen suy nghĩ, phân biệt điều gì bạn muốn nói là hữu ích và điều gì là vô nghĩa, sau khi làm được điều này, bạn chắc chắn sẽ kiểm soát được cái miệng của mình.

2. Lời hay ấm lòng người

Chúng ta luôn hy vọng được người khác công nhận, những lời nói cay nghiệt sẽ chỉ khiến người khác bác bỏ bạn mà thôi, chỉ khi nói những điều tốt đẹp, bạn mới có thể tạo cho người khác một cảm giác tử tế, và khi đó bạn mới có thể trở thành một người tử tế trong mắt người khác. Sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống và tư duy lý trí đều được thể hiện qua lời nói của mình. Bạn tài giỏi đến đâu phụ thuộc vào cách bạn nói như thế nào.

Đa số những người mà ta gặp trong đời đều chỉ là bèo nước tương phùng, nhưng cũng có không ít người từ nhóm "bèo nước tương phùng" này có thể sẽ trở thành bạn bè của chúng ta. Có một số người chỉ cần tán gẫu với người khác vài câu thì đã có thể nhận được sự công nhận từ đối phương. Nhưng cũng có một số người chỉ nói một câu thôi cũng khiến người khác phải nhăn mặt nhíu mày, không muốn tiếp cận nửa bước.

Những lời nói tốt đẹp thể hiện nhân phẩm và tính cách của bạn. Thế nên, hãy học cách sử dụng miệng của mình, học cách kiểm soát lời nói, có vậy bạn mới có thể giao tiếp thuận lợi với người khác, không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè của mình.

Người khôn nói ít, kẻ dại lắm lời: Đường đời như ý hay không phải nhờ GIAO TIẾP ĐÚNG - Ảnh 2.

3. Không nói lời ác ý

Khi bạn luôn trịch thượng chỉ trích người khác, cũng chính là lúc bạn tự vạch áo cho người xem lưng, một khi giữ thói quen này lâu dài, bạn sẽ thấy rằng những người xung quanh dần dần đều sẽ rời bỏ bạn.

Ai cũng có khuyết điểm, đó là điều đương nhiên, nhưng những người thông minh sẽ không bao giờ chỉ trích người khác trừ phi đó là một lời góp ý chân thành nhằm giúp người đó phát triển, bởi vì họ biết một chân lý rằng, những người bình thường luôn thích được khen ngợi và vô cùng kiêng kỵ việc bị chỉ trích. Trên thế giới này, có rất nhiều người bình thường, vì vậy chúng ta phải hiểu được điểm yếu của bản chất con người, như vậy mới có thể tránh được các bãi mìn trong giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.

Xoi mói người khác là một hành vi ngu ngốc, không ai có thể chịu đựng được sự soi mói quá kỹ càng từ người khác, và bạn cũng thế thôi. Vì vậy, khi bạn có thể tránh được các bãi mìn mà hầu hết mọi người đang dẫm phải mỗi ngày, cuộc sống của bạn tự nhiên sẽ có một diện mạo mới.

Trần Anh

Cùng chuyên mục
XEM