Người hướng nội đừng sợ LÀM SẾP: Trở thành kẻ-xấu-có đạo-đức để biến công sở thành lãnh địa thành công của riêng mình

29/05/2019 11:20 AM | Sống

Bạn có từng phát ốm vì những lời khuyên bảo phải thay đổi tính cách hướng nội của mình? Vậy thì hãy lên tiếng để bắt tất cả im lặng trước bạn!

Khi trở thành sếp, áp lực công việc buộc bạn phải liên tục hoài nghi về những quyết định và chính bản thân mình. Bài học cho bạn là đừng để bản thân bị đánh bại bởi những sai sót nhỏ nhặt và hạ thấp những ưu điểm của bản thân. Hãy tin rằng, làm sếp hướng nội không khó như bạn nghĩ và đôi khi làm một kẻ-xấu-có đạo-đức nơi công sở sẽ giúp mọi việc trở nên thuận lợi hơn.

1. Ngừng xin lỗi

Là một người hướng nội, nghĩa là bạn mang theo sự bất an trong máu. Rất nhiều người hướng nội giải quyết vấn đề này bằng cách nói lời xin lỗi mọi lúc mọi nơi, vì họ lo lắng bản thân mình đã và đang gây ra một lỗi lầm nào đó mà bản thân không thể kiểm soát được, nên cứ hạ mình trước cho chắc!

Nhưng để trở thành sếp, bạn cần mạnh mẽ hơn thế để không cảm thấy thêm tệ hại về bản thân khi ngồi lại một mình và nhớ lại một ngày vừa trôi qua với tràn ngập hối tiếc. Hãy trở thành ông chủ của chính mình trước, bằng khả năng kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống. Đặc biệt đừng bao giờ xin lỗi về những gì thuộc về bản chất như nhu cầu, ý kiến và sở thích của bạn!

2. Sống theo cách riêng

Bạn có biết rằng, một trong những điều hối tiếc nhất khi chết của con người chính là sống một đời theo cách của người khác. Chúng ta sinh ra và chết đi trong cô độc, đó là sự thật. Và giờ phút cuối cùng của cuộc đời cũng sẽ là lúc bạn muốn là chính mình mà thôi.

Vậy thì dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, hãy bỏ qua những lời khuyên bảo rằng bạn phải thay đổi để phù hợp với số đông. Bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc nổi với cuộc sống kiểu vậy. Những người thành công chẳng bao giờ ngại đi đến thành công bằng cách của riêng mình. Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong bản thân, đi theo nó và tận hưởng hành trình bạn đi dù khó khăn đến đâu.

Người hướng nội đừng sợ LÀM SẾP: Trở thành kẻ-xấu-có đạo-đức để biến công sở thành lãnh địa thành công của riêng mình - Ảnh 1.

3. Khiến mọi người ghét bạn

Khiến mọi người ghét bạn là bước nâng cấp của việc không cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Căm ghét cũng là một dạng cảm xúc và nó có sức tạo động lực không kém sự yêu mến hay nể sợ. Để trở thành sếp, bạn phải kết nối mọi cảm xúc với mọi nhân sự, kể cả những người không mấy ưa bạn.

Vì sao ư? Vì một kẻ được tất cả mọi người yêu quý sẽ chẳng bao giờ được nghe sự thật. Và cũng sẽ chẳng bao giờ có được cảm giác ham muốn chiến thắng trước những lời xúc phạm hay khinh thường.

4. Lắng nghe bản thân

Khi một người hướng nội trở thành sếp, nghĩa là bạn phải tận dụng khả năng quan sát thần sầu của mình và biến nó thành một thứ la bàn nội tâm giúp bạn luôn đi đúng hướng. Sự cô độc chính là thứ giúp bạn được yên tĩnh và lắng nghe trực giác một cách tốt nhất.

Đừng bao giờ quên rằng ưu điểm lớn nhất của những người hướng nội là thường dành thời gian để suy ngẫm về mọi thứ. Chính vì thế, mọi tình huống dù là bất ngờ đến mấy cũng có thể đã từng xảy ra trong vô thức của họ rồi. Đây là một thứ năng lực bẩm sinh khiến những người sếp hướng nội luôn có phong thái bình tĩnh và điềm đạm trước mọi vấn đề.

5. Chấp nhận rủi ro

Trở thành sếp và trở thành kẻ xấu là một mệnh đề khiến nhiều người hướng nội chùn chân. Liệu chúng ta có sẵn sàng đưa đầu ra trước thị phi hay giành giật chỉ để thành công. hầu hết người hướng nội sẽ nói không, nhưng tin tôi đi, tham vọng của bạn sẽ nói có.

Người hướng nội đừng sợ LÀM SẾP: Trở thành kẻ-xấu-có đạo-đức để biến công sở thành lãnh địa thành công của riêng mình - Ảnh 2.

Vì có thứ còn quan trọng hơn tính cách của bạn, đó là bản chất. Nếu bạn sinh ra để trở nên quyền lực và thành công, đừng lùi bước bởi tính cách hay nỗi sợ. Khai quật, đào bới những bí mật tính cách sâu thẳm trong mình, dù là đen tối nhất sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống. Nếu bạn đã dám đối mặt với những thứ xấu xa nhất trong mình, thì sợ gì kẻ khác gây sự chứ?

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM