Người hướng nội cũng cần hướng ngoại: Hướng nội không phải ung thư, rèn luyện có kỉ luật chắc chắn sẽ không còn ngại đám đông

16/08/2019 13:16 PM | Sống

“Sinh ra là một kẻ hướng nội, tôi luôn cảm thấy bản thân bị cho ra rìa trong đám đông. Sau vài phút giữa buổi tiệc, mặt tôi nóng ran và đầu óc tôi chỉ muốn thúc giục tôi trở về nhà. Giá như mà lúc đó, tôi có thể tàng hình”.

Đó là lời chia sẻ chân thành của một nam sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa. Anh ta luôn cố gắng tránh né các buổi tiệc của lớp và công ty, nơi anh ta đang thực tập. Anh ta luôn viện cớ mình là kẻ hướng nội để ngụy biện cho việc mình không giỏi nói trước đám đông, không có tố chất của một nhà lãnh đạo hay ngại tiếp xúc với người lạ. Tự dán nhãn "hướng nội" cho chính mình cũng đồng nghĩa với việc anh ta mãi mãi không thể thoát ra khỏi vùng an toàn. Và liệu cuộc sống hôm nay, có bao nhiêu "anh ta" trong 7 tỷ dân này?

Những doanh nhân thành công và nổi tiếng như Bill Gates, Marissa Mayer, Mark Zuckerberg hay Warren Buffett đều là những người hướng nội. Vậy, bằng cách nào mà họ thành đạt và có tầm ảnh hưởng toàn cầu đến vậy? Chỉ đơn giản, họ ý thức được rằng họ là người hướng nội và chủ động tìm ý tưởng để giải quyết những điểm yếu và phát huy điểm mạnh của tính cách hướng nội.

Dưới đây là 4 phương pháp mà những người thành công đã làm để trở thành một người hướng nội thành công xuất chúng.

Xác định mức độ hướng nội của bạn

Mỗi chúng ta đều sở hữu một phần tính cách hướng nội, chỉ có điều tỷ lệ ấy lớn hay nhỏ mà thôi. Nếu tỷ lệ hướng nội và hướng ngoại cân bằng, người ta gọi đó là ambivert. Nếu tỷ lệ hướng ngoại là 40%, hướng nội 60%, điều đó có nghĩa rằng bạn là người hướng nội có xu hướng hướng ngoại, tuy nhiên nếu rèn luyện, bạn sẽ nhanh chóng đạt đến cảnh giới cân bằng, tức là ambivert. Còn nếu, tỷ lệ hướng nội của bạn lớn hơn 70%, nghĩa là bạn sắp chạm đến ngưỡng hướng nội gần như hoàn toàn và có thể tận hưởng hàng giờ cô đơn mà vẫn hạnh phúc.

Bill Gates tự nhận xét rằng ông ta là người hướng nội, vậy mà ông ta giờ đây là top 3 tỷ phú giàu nhất thế giới, với khối tài sản ròng hơn 100 tỷ USD. Gates chia sẻ rằng ông đã cân bằng phong cách làm việc của mình bằng cách thuê những người hướng ngoại và khai thác những kỹ năng của họ.

Marissa Mayer, cựu CEO của Yahoo mắc chứng ngại ngùng và thường khao khát mình có thể rời khỏi một sự kiện trong vòng 15 phút sau khi đến. Nhưng, nhờ phương pháp nhìn vào đồng hồ và tự nhủ "Tôi không thể rời đi cho đến giờ X", Mayer đã chiến thắng bản thân mình. Điều đó có nghĩa rằng, hướng nội không phải bệnh mãn tính, cũng không phải bệnh ung thư, người hướng nội chỉ cần rèn luyện đều đặn có kỷ luật, họ sẽ dần quen với trải nghiệm mà trước đây họ cho rằng, chỉ người hướng ngoại mới có thể.

Người hướng nội cũng cần hướng ngoại: Hướng nội không phải ung thư, rèn luyện có kỉ luật chắc chắn sẽ không còn ngại đám đông - Ảnh 1.

Thay đổi môi trường, nơi có những người hướng ngoại

Việc thay đổi môi trường khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện Mạnh Mẫu Tam Thiên 3 lần chuyển nhà dạy con, tức là Mạnh Tử. Hay, từ hồi còn nhỏ, mỗi chúng ta đều đã được học câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", để ám chỉ rằng con người dễ bị ảnh hưởng (tiêu cực và cả tích cực) bởi môi trường xung quanh.

Theo bài học này, những người cực kỳ hướng nội cần chuyển môi trường đến nơi có nhiều người hướng ngoại hoặc người hướng nội có xu hướng hướng ngoại để sinh sống và làm việc. Cá tính hướng ngoại của những người xung quanh sẽ là động lực để bạn ra ngoài và tận hưởng nhịp sống đám đông. Chẳng hạn, vào một buổi tối tuyệt vời, hãy mạnh dạn đồng ý lời hẹn đi nhậu hoặc giải trí tại quán bar. Tỷ phú Richard Branson từng nói: "Kệ nó, làm tới đi". Người hướng nội cũng cần đinh ninh trong đầu mình rằng: "Liều ăn nhiều".

Ngừng dán nhãn bản thân là người hướng nội

Người ta bước vào siêu thị, thấy gói Omo và Comfort, họ biết ngay công dụng của chúng và không thể dùng Comfort để giặt đồ hay Omo cho việc xả vải. Bản thân người hướng nội đôi lúc cũng muốn dán cho họ chiếc nhãn "người hướng nội" lên trán để những cá nhân xung quanh nhận ra "công dụng" lẫn "đặc điểm" của họ để "sử dụng" đúng cách.

Ngụy biện sẽ dẫn đến hành động nhãn mác và đó là tiến trình thật sự nguy hiểm cho bất cứ cá nhân nào, và nếu sự tự dán mác này xảy ra mạnh mẽ, việc lay động họ để họ thay đổi trở nên thách thức và khó khăn hơn rất nhiều. Dán mác mình là người hướng nội, bạn trở nên nhạy cảm hơn, nhát đám đông hơn, và không cho phép bản thân mình thoát ra khỏi những đặc điểm vốn dùng để miêu tả một kẻ hướng nội điển hình.

Tất cả những cá nhân hướng nội thành công như Albert Einstein, Sir Isaac Newton, Rosa Parks đều nhận thức được họ là người hướng nội, nhưng họ không dán cho mình chiếc mác "hướng nội" để tự dày vò bản thân. Họ đều ý thức được rằng, cả hướng nội và hướng ngoại đều không thể tạo ra thành công, chỉ có quá trình nỗ lực và đổi mới mới là chiến lược khôn ngoan trong đời. 

Người hướng nội cũng cần hướng ngoại: Hướng nội không phải ung thư, rèn luyện có kỉ luật chắc chắn sẽ không còn ngại đám đông - Ảnh 2.

Giả vờ cho tới khi trở thành sự thật

Hẳn là bạn đã từng quen rất nhiều người năng động hết mức nhưng bản chất, họ là những người hướng nội. Họ tham gia tiệc tùng nọ kia, quán nhậu, quán bar đều đã trải nghiệm, họ ăn nói sành sỏi, mạch lạc, tự tin vô cùng trước đám đông… Và họ đưa về một câu trả lời khiến bạn hứng thú: luyện tập và giả vờ cho tới khi nó thành sự thật.

Họ vứt cái nhãn dán "hướng nội" ra khỏi cơ thể và lý trí của họ, họ vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Họ bắt đầu từ những thứ mà người ta nghĩ tiêu cực về người hướng nội: nhút nhát, tự ti, ngại đám đông, sợ tiếng ồn… rồi đặt bản thân họ vào trong tất cả mọi tình huống đó cho tới khi nào họ cảm thấy ổn. Họ đưa ra một kết luận: hãy cẩn trọng môi trường mà bạn dành thời gian tối đa bởi vì bạn sẽ không thể nhận ra sức ảnh hưởng của nó như thế nào cho đến khi bạn thấy mình bị thay đổi dần vì nó.

Trang Huyền

Cùng chuyên mục
XEM