Đắm chìm trong những cuốn sách self-help, bạn có tốt lên không hay chỉ tự huyễn hoặc và vẫn giậm chân thất bại?

09/08/2019 09:16 AM | Sống

Tự cải thiện không phải là cách tiếp cận với những câu chuyện thành công quá đỗi xa vời, tự gắn mình vào những lời khuyên đầy tính lý thuyết trong khi hoàn cảnh của bản thân và những câu chuyện đó hoàn toàn khác xa nhau. Đôi khi việc quá “đắm chìm” vào những cuốn sách self-help lại trở thành một “đòn phản tác dụng” cực kỳ nguy hiểm mà bạn không thể lường trước được.

Nếu có một viên thuốc có thể tăng cường trí não một cách kỳ diệu, liệu bạn có quyết định sử dụng nó hay không? Một cuộc phỏng vấn với bốn sinh viên Oxford đã được diễn ra và một trong bốn người đã lựa chọn là có. Một cuộc khảo sát vào năm 2015, có một phần tư số sinh viên thừa nhận mình đã dùng modafinil, một loại thuốc tăng cường trí thông minh của người Hồi giáo giúp cải thiện khả năng tư duy một cách kỳ diệu. Liệu đây có phải là một điều đáng quan ngại?

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường bị ám ảnh quá mức bởi việc tối ưu hóa mọi vấn đề trong cuộc sống, từ việc ăn, ngủ, học tập, luyện tập thể thao cho tới việc xây dựng các mối quan hệ... Chính vì thế nên khi nhu cầu của con người ngày càng tăng thì những loại hình đáp ứng cũng tăng nhiều hơn, đó là lý do vì sao những cuốn sách self-help ngày càng chiếm lĩnh thị phần người đọc hơn bao giờ hết.

Thế nhưng tại một thời điểm nào đó, ta phải tự hỏi liệu việc nhận quá nhiều lời khuyên để tự cải thiện bản thân đôi khi có làm bạn cảm thấy tổn thương hay không? Ai cũng muốn bản thân mình thật hoàn hảo, muốn năng suất làm việc thật vượt trội, muốn mọi mối quan hệ xung quanh mình phát triển theo ý muốn nhưng nếu cứ mãi đắm chìm trong những lời khuyên từ các cuốn sách self-help đôi khi lại vô tình gây hại và tổn thương cho tinh thần của bạn không hề ít.

Đắm chìm trong những cuốn sách self-help, bạn có tốt lên không hay chỉ tự huyễn hoặc và vẫn giậm chân thất bại? - Ảnh 1.

Khi những lời khuyên tự cải thiện bản thân làm tổn thương ta

Văn học tự cải thiện có xu hướng mang đến một cái nhìn bị "biến dạng" về thực tế. Nó luôn đưa ra những sự so sánh về hiệu suất của nhiều người với nhau mà không hề đề cập đến việc thực tế là hoàn cảnh, giới hạn, kinh nghiệm hay xuất phát điểm của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Thứ mà những cuốn sách self-help luôn đề cập và tập trung đến chỉ là làm thế nào để phát triển bản thân tốt nhất, tăng cường hiệu suất làm việc tốt nhất mà thôi.

Ví dụ như có một số cuốn sách viết về phương pháp đọc nhanh hơn 300% chỉ trong vòng 20 phút, thậm chí những người mắc chứng khó đọc thì cũng có thể đạt tốc độ đọc 3.000 từ mỗi phút. Điều này sẽ khiến độc giả tin rằng mình cũng có thể đọc nhanh như vậy nếu tuân theo những nguyên tắc trên. Nhưng thực tế đây là điều khó ai có thể đạt được.

Khi chúng ta cảm thấy rằng những phương pháp mà các cuốn sách đưa ra trông có vẻ thật đơn giản nhưng lại không thể đáp ứng được, không thực hiện theo được và làm không có hiệu quả thì ắt hẳn sẽ tự cảm thấy bản thân mình thật vô dụng và bắt đầu tự nghi ngờ khả năng của chính mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng năng lực và hoàn cảnh của mỗi người không có ai là giống nhau. Nhiều khảo sát cho thấy rằng những người hay mua sách self-help thường sẽ tiếp tục mua những cuốn sách khác sau khoảng 18 tháng, tức là khi phương thức mà những cuốn sách này mang lại không khả quan thì họ sẽ tiếp tục tìm kiếm một phương pháp khác.

Dành quá nhiều thời gian để học hỏi những cách thức cải thiện bản thân cũng là một trong những nguyên nhân có khả năng phá hoại năng suất của bạn, bởi việc cứ liên tục tập trung vào đó sẽ khiến chúng ta có ít thời gian hơn để tiếp cận và thực hiện công việc thực tế của mình.

Đắm chìm trong những cuốn sách self-help, bạn có tốt lên không hay chỉ tự huyễn hoặc và vẫn giậm chân thất bại? - Ảnh 2.

Cách tiếp cận tốt hơn để cải thiện bản thân

Để bắt đầu việc cải thiện bản thân sao cho tốt nhất, trước tiên hãy ngừng việc so sánh mình với người khác. Trên đời này sẽ luôn có người đọc nhanh hơn, có người luyện tập thể thao chăm chỉ hơn, ăn uống lành mạnh hơn hoặc làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bằng việc cứ tự so sánh bản thân mình với người khác, bạn sẽ luôn cảm thấy mình vô dụng, không hề tiến bộ mặc dù đã nỗ lực thật nhiều.

Chính vì thế, hãy tập trung vào con đường riêng của mình, dù cho đôi lúc con đường bạn lựa chọn sẽ có cả sai lầm lẫn thành công. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng bạn phải bỏ tất cả những cuốn sách self-help của mình. Việc đọc sách và học hỏi không có gì là xấu, nhưng thay vì ép buộc bản thân phát triển theo những phương thức mà sách đề ra thì hãy lấy những câu chuyện của người khác làm nguồn cảm hứng và học hỏi kinh nghiệm cho mình, và quan trọng nhất là phải biết tự tôn trọng bản thân bằng cách ngừng so sánh và nghi ngờ năng lực của chính mình.

Ngoài ra, điều cần thiết thứ hai là phải sống thực tế đối với mục tiêu của bạn. Không có sự thay đổi nào dẫn tới thành công chỉ sau một đêm mà không có cố gắng và kiên trì. Không có một cuốn sách nào là vô dụng, mọi cuốn sách self-help đều mang lại một nguồn cảm hứng quý giá để tạo ra sự thay đổi tích cực cho mỗi người. Nhưng hãy tiếp nhận các lời khuyên trong sách thật thận trọng. Hãy tập trung vào con đường của mình và tin tưởng vào bản thân, bạn sẽ bớt "khổ sở" với việc luôn cảm thấy bản thân mình bị tụt lùi so với xã hội.

Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM