Người hùng về nước

14/08/2016 09:15 AM | Sống

Theo lịch trình, chuyến bay của hãng hàng không Korean Air chở 4 thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 21h30 ngày 14/8.

Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) sẽ tổ chức lễ chúc mừng và đón Hoàng Xuân Vinh long trọng tại sân bay Nội Bài.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cùng đoàn cán bộ ngành thể thao cũng có mặt tại sân bay để chào đón “Người hùng” của thể thao Việt Nam.

1. Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic từ 1952 ở Helsinki (Phần Lan). Và năm 1980, chúng ta đánh dấu sự trở lại đấu trường Olympic sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng phải 16 năm sau tại Atlanta (Mỹ), Việt Nam mới có suất chính thức đầu tiên dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Năm 2000 tại Sydney, Việt Nam có tấm huy chương Olympic đầu tiên do võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân mang về. Nhân sự kiện này, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lúc bấy giờ là ông Juan Antonio Samaranch đã có thư gửi nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chúc mừng Việt Nam gia nhập các quốc gia có huy chương tại Olympic.

Từ đó theo chu kỳ 8 năm, Việt Nam lại có huy chương Thế vận hội. Và lần này nó thực sự là kỳ diệu khi Hoàng Xuân Vinh phá kỷ lục Olympic, giành HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm.

2. Theo thống kê, mỗi kỳ Olympic gần đây, luôn có khoảng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài. Nhưng chỉ có trên dưới 70 quốc gia có huy chương từ HCĐ trở lên. Riêng HCV, chỉ có khoảng 35 đến 45 quốc gia giành được. Thế mới thấy, tấm HCV đầu tiên trong lịch sử của Thể thao Việt Nam ý nghĩa thế nào.

Olympic còn có một nguyên tắc bất thành văn, nếu phá kỷ lục thế giới tại đấu trường Olympic, kỷ lục đó sẽ được thừa nhận. Nhưng phá kỷ lục Olympic tại giải thế giới thì kỷ lục ấy không được thừa nhận. Bắn súng không là ngoại lệ. Và thế mới hiểu sự danh giá của đấu trường Hoàng Xuân Vinh vừa lên đỉnh.

Những gì mà Hoàng Xuân Vinh mang về cho thể thao Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp chúng ta có một thứ hạng đáng mơ ước với nhiều đoàn thể thao khác trên bảng tổng sắp huy chương.

Hơn cả, những gì xạ thủ quân đội vừa làm được tại Rio cũng chứng minh một điều: Trẻ em Việt Nam, thanh niên Việt Nam, VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể canh trạnh được với VĐV của các nước khác ở đấu trường lớn nhất, khó khăn nhất nếu như được đầu tư bài bản. Nó cũng truyền cảm hứng tới cả thế hệ trẻ không chỉ đang theo đuổi nghiệp thể thao mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

3. Hoàng Xuân Vinh từng nuôi mộng trở thành một họa sĩ nhưng may thay cho thể thao nước nhà, anh trượt ngành Mỹ thuật trước khi quyết định theo con đường binh nghiệp của bố.

Từ một sĩ quan công binh có khả năng bắn súng, được phát hiện qua hội thao toàn quân, Xuân Vinh đã về với trường bắn Quân đội và chọn súng ngắn để trở thành một VĐV chuyên nghiệp.

Sự khéo léo của đôi tay từng cầm bút vẽ, đến thể hình, thể lực của một sĩ quan công binh và trên cả là tinh thần, ý chí, kỷ luật của môi trường quân đội đã rèn giũa nên một Hoàng Xuân Vinh bản lĩnh và xuất chúng.

Hôm nay, Xuân Vinh ca khải hoàn trở về. BBC gọi anh là huyền thoại của thể thao Việt Nam, nhiều người Việt Nam gọi anh là “người hùng”… Tất cả đều xứng hết!

Nhưng anh không màng đến chuyện “huyền thoại”, “người hùng”. Sau những cuộc xa nhà triền miên, những ngày dài chỉ biết đến súng đạn và những cuộc đấu căng thẳng đến đứng tim, anh trở về với mong muốn giản dị: ngồi vẽ tranh, đưa gia đình đi du lịch trước khi các con bước vào năm học mới.

Đó là những ước muốn rất đời nhưng từ lâu đã trở nên xa xỉ với anh.

Theo Mục Đồng

Cùng chuyên mục
XEM