Người giàu mua nhà nghỉ dưỡng ven đô: Đã chơi thì chơi tới bến, chứ không nên lửng lơ ở mô hình “farmstay” hay nhà vườn

23/09/2020 15:32 PM | Kinh doanh

Nhà đầu tư giờ đây kỳ vọng ngôi nhà thứ hai ven đô không chỉ mang lại cân bằng cho cuộc sống theo phong cách thời thượng mà còn phải có tính thanh khoản và tạo ra dòng tiền.

An nhàn chưa thấy, ông Cần đã đau đầu khi cân nhắc mua mảnh đất ven Hà Nội để xây nhà nghỉ dưỡng. Mua không khó vì có nhiều mảnh đất đang chào bán, trong đó, ông nhắm một mảnh gần 9.000m2 ở Ba Vì. Ông hình dung về một căn biệt thự phong cách đồng quê Mỹ, có bể bơi nhìn ra đồng lúa, xa xa là núi Ba Vì hùng vĩ. Mê vì mảnh đất có tầm nhìn đẹp nhưng ông đắn đo là sẽ làm gì với mảnh đất này. Nếu xây nhà chỉ để nghỉ ngơi thì mỗi tháng cũng chỉ đôi ba lần, phần lớn thời gian để trống nên lại phải thuê người chăm sóc. Nếu cho thuê homestay thì lại đau đầu kiếm khách, nếu xây to hơn thành khách sạn lại phải tính toán phương án kinh doanh.

Nặng gánh vì nhà vườn

Không riêng gì ông Cần, nhiều người Hà Nội giờ cũng đắn đo với việc mua đất xây nhà vườn. Nhu cầu vẫn rất lớn nhưng kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy mua đất riêng lẻ xây nhà vườn không nhàn như mọi người vẫn tưởng, mà trái lại, có thể là gánh nặng. Ông Cần kể, có người bạn mua vài hecta đất ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, xây một căn biệt thự hoành tráng. Ban đầu, gia đình rất háo hức, thi thoảng cuối tuần lại kéo nhau lên nghỉ. Nhưng dần dà, nghỉ mãi một nơi cũng chán, lại không có người chăm sóc cẩn thận nên biệt thự nhanh xuống cấp, vườn tược để cỏ mọc. Giờ muốn bán lại cũng khó vì không dễ tìm được người có cùng "gu".

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại Ô nhận xét, nhu cầu mua nhà nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội ngày càng tăng, nhưng đã có sự thay đổi. Sau thời kỳ bùng nổ từ những năm 2000, giờ chỉ còn một số ít chủ sở hữu vẫn còn sử dụng nhà vườn ven đô nhưng không thường xuyên, một số cải tạo lại và gia nhập thị trường homestay và một số gần như không được sử dụng. Mô hình mua đất lẻ xây ngôi nhà thứ hai có ưu điểm là giá đất khá rẻ, xây theo phong cách riêng của gia chủ. Tuy nhiên, điểm bất lợi là chủ nhà tốn chi phí duy trì ngôi nhà và khi cần bán thì khó bán do mỗi ngôi nhà là sản phẩm của chính cá nhân chủ nhà và chỉ có thể bán cho người có cùng "gu".

 Người giàu mua nhà nghỉ dưỡng ven đô: Đã chơi thì chơi tới bến, chứ không nên lửng lơ ở mô hình “farmstay” hay nhà vườn  - Ảnh 1.

Theo quan sát của ông Trung, nếu như trước đây ngôi nhà thứ hai ven đô chỉ đơn giản là nơi lui tới dịp cuối tuần và cũng phần nào thể hiện được đẳng cấp của chủ nhà, thì hiện nay, người mua đòi hỏi phải có thêm những dịch vụ tiện ích cao cấp như khu vui chơi, spa, nhà hàng. Bên cạnh đó, ngôi nhà thứ hai còn phải là khoản đầu tư sinh lời từ cho thuê nhưng chủ nhà không phải đau đầu với phương án kinh doanh. Những căn nhà vườn riêng lẻ khó có thể thỏa mãn được những đòi hỏi này nên mặc dù nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai tăng lên, nhất là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nhưng thị trường lại chứng kiến nhiều mảnh đất xây nhà vườn ven đô được chào bán, thay vì hỏi mua.

Còn theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản BHS, ưu điểm của mô hình mua đất tự xây dựng nhà nghỉ dưỡng là tiền mua đất khá rẻ, nhưng tiền đầu tư vào hạ tầng và căn nhà rất lớn. Căn nhà cũng chủ yếu sử dụng như một trang trại và dần dần chủ nhân cũng không lên thường xuyên và cũng không cho thuê được nên trở nên hoang phế và không có giá trị gia tăng. Xu hướng hiện nay là mua nhà trong dự án phong cách nghỉ dưỡng, được quy hoạch bài bản từ hạ tầng, tiện ích, khu vui chơi giải trí tập trung cho đến việc quản lý vận hành cũng chuyên nghiệp nên giữ được giá trị của căn nhà, khả năng cho thuê tốt hơn.

Cuộc cách mạng mới ở ven đô

Còn theo ông Trung, nếu đã mua nhà nghỉ dưỡng ven đô thì người mua "nên chơi tới bến" chứ không nên lửng lơ ở mô hình trang trại, nhà vườn hay lẫn lộn với các khu dân cư. Lý do được ông Trung nêu ra là số tiền bỏ ra mua đất riêng lẻ và xây nhà vườn cũng cao không kém gì so với mua một căn biệt thự trong một khu nghỉ dưỡng. Trong khi đó, nếu mua biệt thự trong khu nghỉ dưỡng, người mua vừa được tận hưởng dịch vụ tiện ích cao cấp, căn biệt thự vừa là đồ trang sức có giá, vừa có doanh thu từ cho thuê mà không phải đau đầu với phương án kinh doanh, và khi kinh doanh tốt thì giá trị sẽ gia tăng. Đây chính là những lợi thế khiến cho biệt thự nghỉ dưỡng biển trở thành vùng trũng hút dòng tiền đầu tư trong mấy năm qua. Trong khi đó, người mua dù muốn cũng không có lựa chọn nào ở ven đô vì không có những dự án tương tự như ven biển.

Gần đây xuất hiện một mô hình mới ở Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Hoà Bình) là những cụm vài chục căn biệt thự được xây dựng với kiến trúc đồng bộ, có thêm không gian công cộng và dịch vụ tiện ích. Trong đó, có những cụm biệt thự như Ba Vì Lodge được thiết kế theo phong cách "nhỏ mà sang", giá bán cả nhà và đất chỉ 1-2 tỷ đồng. Chủ nhà cũng không phải mất thời gian và chi phí duy trì nhà mà thay vào đó, kết hợp với đơn vị quản lý để kinh doanh cho thuê.

 Người giàu mua nhà nghỉ dưỡng ven đô: Đã chơi thì chơi tới bến, chứ không nên lửng lơ ở mô hình “farmstay” hay nhà vườn  - Ảnh 2.

Chuyên nghiệp và bài bản hơn là những dự án khu nghỉ dưỡng được quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình như ở Vĩnh Phúc có dự án Flamingo Đại Lải Resort, nơi mỗi căn biệt thự được chào bán với giá hàng chục tỷ đồng, nhưng vẫn hút khách. Tại tỉnh Hòa Bình cũng manh nha xuất hiện những dự án bất động sản nghỉ dưỡng được quy hoạch bài bản như dự án khu nghỉ dưỡng Parahills ở lòng hồ Hòa Bình với 135 căn biệt thự và hai khối khách sạn được xây dựng trên diện tích 6,7ha.

Đặc biệt, Hòa Bình sẽ xuất hiện những dự án bất động sản nghỉ dưỡng gắn với những thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Trong đó, Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô đã ký kết hợp tác với tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng thế giới là Best Western để phát triển khu nghỉ dưỡng Sakana Resort tại huyện Kỳ Sơn theo tiêu chuẩn thương hiệu Best Western Premier Collection. Sự xuất hiện thêm một thương hiệu khách sạn quốc tế là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội trong thời gian tới, sau khi có sự gia nhập của thương hiệu Melia và Wyndham.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM