Người giàu chỉ biết sống hưởng thụ, điện thoại, đồng hồ, siêu xe đổi suốt ngày? Sai rồi, họ có thể là nhóm người biết dự toán nhất!
Đôi khi, thông qua các bộ phim truyền hình, chúng ta có ấn tượng rằng những người giàu có luôn sống trong những ngôi nhà sang trọng, lái những chiếc xe hơi đắt đỏ, vi vu du thuyền, tận hưởng đồ ăn cao cấp và sống xa hoa hết mức.
Đó đều là những điều dường như không thể đạt được và xa vời cuộc sống của những người bình thường. Do đó, không ít người cho rằng, người giàu chỉ biết sống hưởng thụ, tiêu xài tùy ý.
Tuy nhiên, hai tác giả Thomas J. Stanley và William D. Danko, người đã viết cuốn sách "The Millionaire Next Door" (Triệu phú nhà bên), đã chỉ ra những điều hoàn toàn ngược lại. Rất nhiều người giàu thực sự ở Mỹ không thích phô trương sự giàu có của họ. Thậm chí, bạn còn không thể nhận ra họ giàu tới mức nào nếu chỉ nhìn từ vẻ bề ngoài và những gì họ thể hiện ra.
Những người giàu thực sự không ủng hộ lối sống xa hoa, chỉ biết lãng phí tiền của. Khi họ mua những vật phẩm xa xỉ như đồng hồ, xe sang, biệt thự… đó là vì họ biết rõ rằng, những tài sản này sẽ không mất đi giá trị của mình theo thời gian. Thậm chí, một số còn tăng giá nhanh chóng và trở thành một vụ đầu tư “ăn tiền” cho chủ sở hữu.
Cùng một sự việc, nếu nhìn từ những vài khía cạnh khác nhau sẽ đem tới những ý nghĩa khác nhau. Khi đã thay đổi góc độ, bạn sẽ nhận ra, người giàu có thể là nhóm người biết dự toán nhất.
Họ không chỉ “dự toán” trong chi tiêu, tích lũy tài sản mà còn “dự toán” từ trong phong cách sống của mình”: Có kế hoạch, có kỷ luật tự giác, ý thức làm việc chăm chỉ, luôn đầu tư vào bản thân và tích lũy vận khí.
Người giàu thực sự biết cách dự toán cho tài chính và cuộc sống của mình. Ảnh: Todayline
Kế hoạch “dự toán” cuộc đời của họ có thể nhìn thấy từ 5 điểm chung sau đây:
1. Sống đơn giản hơn số tiền mà bản thân kiếm được
Hai tác giả Thomas J. Stanley và William D. Danko đã nghiên cứu những triệu phú xung quanh và nhận ra rằng, hầu hết họ không chi tiêu quá nhiều như mọi người vẫn nghĩ.
Theo thống kê, khoảng 2/3 các triệu phú được hỏi chỉ giữ cho chi tiêu ở mức gia đình. Phần lớn họ có thể chi trả khoảng $235 cho đồng hồ và thêm $200 cho giầy dép.
Họ cũng sở hữu một lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của mình, hạn chế tốn kém quá nhiều chi phí chữa bệnh. Điều này vừa giúp cho cuộc sống trở nên tối giản hơn, vừa có thể dành ra một khoản tiền rảnh rỗi để đầu tư và sinh lời.
2. Có cách thích hợp để phân bổ thời gian, sức lực và tiền bạc
Stanley và Danko nhận ra rằng người giàu không dành quá nhiều thời gian và sức lực để cân nhắc từng khoản chi tiêu của mình. Thay vào đó, họ sẵn sàng tìm tới các cố vấn tài chính chuyên nghiệp, trả tiền để nhận được những kế hoạch tài chính thích hợp nhất.
Nói một cách khác, rất ít người giàu dành ra hàng giờ đồng hồ tìm hiểu, so sánh giá trị của một sản phẩm nào đó trên thị trường, cân nhắc mua bên A sẽ tiết kiệm thêm vài trăm nghìn so với giá của bên B.
Điều quan trọng với họ là vạch ra một ngưỡng chi tiêu thích hợp cho bản thân, biết rõ mình cần có kế hoạch tiết kiệm như thế nào. Sau đó, họ sẽ kiểm tra nhu cầu tiêu dùng của mình có thích hợp với các kế hoạch và hạn mức đó hay không.
Việc này giúp họ phân bổ thời gian và sức lực hiệu quả, có thể tập trung làm chuyện khác một cách nhanh chóng.
3. Độc lập tài chính không gắn liền với sự hào nhoáng
Hai tác giả Stanley và Danko nhận định, những người có ý nghĩ sai lệch về sự giàu có luôn cho rằng nó phải gắn liền với quần áo đắt tiền, có trang sức, có xe và hồ bơi trong nhà.
Thực tế, hiếm có người nào có thể trở nên giàu có tự thân nếu liên tục được gia đình chu cấp tiền bạc, chưa bao giờ phải rơi vào cảnh túng thiếu. Đôi khi, một vòng xoáy tài chính đầy căng thẳng mới là nhân tố thúc đẩy chúng ta hướng tới cuộc sống sung túc hơn.
4. Thành thạo trong công việc
Trong cuốn “Triệu phú nhà bên” của mình, tác giả cho rằng, người giàu thường trở nên giàu có và sung túc nhờ họ làm việc một cách chăm chỉ và hiệu quả. Nhờ vậy, họ được hưởng mức thu nhập cao hơn người khác.
Làm việc không nhất thiết phải là làm kinh doanh, mà đơn giản đó có thể là bất cứ ngành nghề nào có tiềm năng và cơ hội để phát triển. Ví dụ như công việc tư vấn viên trong ngành bất động sản, ngành luật hay tài chính…
Làm việc hiệu quả để tạo ra những giá trị lớn cho thu nhập. Ảnh: Twitter
5. Chọn đúng định hướng cho bản thân và nhắm đúng nhu cầu của xã hội
Theo như những gì mà Stanley và Danko nghiên cứu được, một bộ phận đông đảo trong xã hội thường cân nhắc, nâng lên đặt xuống với giá cả của mỗi vật dụng thường ngày. Nhưng chính những người đó lại sẵn lòng chi trả bất cứ giá nào cho các dịch vụ hàng đầu.
Vì thế, yếu tố quan trọng để hướng tới sự giàu có không chỉ là làm việc chăm chỉ, mà càng cần lựa chọn đúng định hướng nghề nghiệp. Đó không chỉ là công việc thích hợp cho bản thân, mà còn phải nhắm đúng nhu cầu của xã hội.
Có như vậy, không cần mù quáng lao vào đầu tư hay kinh doanh, bạn vẫn có thể kiếm ra tiền và hướng tới cuộc sống sung túc, dư dả.
Điều quan trọng là biết cách quản lý tài chính: Theo đuổi sự tự do tài chính, không hưởng thụ vật chất và không chi tiêu nhiều hơn mức bạn có thể chi trả.
Nếu có thể bắt đầu học cách “dự toán” của người giàu, bạn có thể không trở nên giàu có như họ, nhưng bạn sẽ có kế hoạch và ngân sách tài chính khỏe mạnh hơn. Từng bước kiểm soát chi tiêu của mình và từng bước tiến tới cuộc sống mà bạn mong muốn.
*Theo businessweekly