“Ngư ông đắc lợi” Đạm Cà Mau: Lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 tăng gấp 10 lần nhờ “cơn sốt phân bón” toàn thế giới
Doanh thu hợp nhất quý I/2022 tăng hơn 2 lần nhưng lợi nhuận tăng đến 10 lần.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – HoSE: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lãi ròng gấp gần 10 lần cùng kỳ, đạt 1.516 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý I tăng trưởng gần 112%, lên 4.074,8 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng lớn nhất của doanh nghiệp 3 tháng đầu năm ở mảng xuất khẩu ure, với doanh số xuất khẩu từ 397 tỷ đồng quý I/21 lên 2.195 tỷ đồng trong quý I/22.
Ngoài ra, thành phẩm Amoniac và thành phẩm NPK cũng đóng góp vào doanh thu 227 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm công ty mẹ ước tính khối lượng sản xuất ure quy đổi và NPK lần lượt đạt 236.650 và 26.400 tấn. Về khối lượng tiêu thụ, ure đạt 186.510 tấn, các sản phẩm từ ure đạt 7.690 tấn, và NPK đạt 12.280 tấn.
Lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 901%, lên 1.517,6 tỷ đồng. Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Minh Trí lý giải về mức tăng trưởng vượt bậc này là do doanh thu bán hàng của công ty mẹ tăng hơn 122%, bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón dẫn đến giá bán mặt hàng này trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân phân bón ure TM trong 3 tháng đầu năm tăng hơn 148%.
Nguồn: dautu.io
Áp lực tăng giá phân bón đã diễn ra từ 2 năm nay do tác động của dịch bệnh, nay lại thêm trầm trọng do tình hình chiến sự Nga - Ukraine.
Những yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới lập đỉnh mới do nguồn cung khan hiếm. Các doanh nghiệp lo ngại sẽ xảy ra sự thiếu hụt một số loại phân bón nhập khẩu trong quý II/2022.
Thực tế trước khi cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine diễn ra, chi phí các loại phân bón hóa học như nitơ, phốt phát, kali vốn cũng đã tăng mạnh trong năm 2021 vì nhiều lý do: đà tăng giá nhanh của khí đốt-nguyên liệu chính để sản xuất phần lớn phân bón nitơ trên toàn cầu; các cơn bão vào cuối mùa Hè ở vùng Vịnh Mexico nước Mỹ khiến các nhà máy phân bón dừng hoạt động; các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Công ty BPC (Belarus) - nhà cung cấp Kali lớn thứ hai thế giới; và việc Trung Quốc, nhà sản xuất phốt phát lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu phân bón vào năm ngoái.
.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây ra cú sốc với thị trường phân bón, bởi Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Theo Liên hợp quốc, Nga là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về phân đạm, số 2 về phân lân và kali.
Đồng minh của họ là Belarus - một nhà sản xuất phân bón lớn khác cũng đang đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nhiều nước đang phát triển như Mông Cổ, Honduras, Cameroon, Ghana, Senegal, Mexico và Guatemala là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào phân bón của Nga, với ít nhất 1/5 lượng hàng nhập khẩu.
Vì vậy tác động từ xung đột Ukraine đẩy giá phân bón tăng lên các mức cao mới. Tại Bắc Mỹ, một chỉ số về giá cả các mặt hàng phân bón cho thấy chúng đã tăng giá gần gấp đôi so với cách đây một năm.
Diễn biến giá Ure thế giới trong 3 năm 2019, 2020 và 2021.
Giá Amoniac khan, một loại phân bón quan trọng được sử dụng để trồng ngô, đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2/2022 là 1.492 USD/tấn. Giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần đó
Việc khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu trong giá vốn quý 1 tăng từ 52% quý 1 năm 2021 lên 67% quý 1 năm 2022.
Tuy nhiên, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của DCM lại trong quý 1 lại giảm mạnh từ 86% xuống còn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy mức độ tăng giá bán đầu ra đang lớn hơn mức độ tăng nguyên vật liệu đầu vào, tạo ra biên lợi nhuận gộp rất tốt cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm.
Tổng hợp theo số liệu tài chính của Doanh nghiệp
Tỷ lệ giá vốn/doanh thu của DCM bắt đầu giảm từ quý 3/2021 và đạt được mức thấp nhất vào quý 1/2022.