‘Ngồi’ trên đống tài sản 1 nghìn tỷ USD, vì sao người dân Afghanistan vẫn sống nghèo khổ với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày?

19/08/2021 13:58 PM | Kinh doanh

Khắp các tỉnh của Afghanistan đều có những mỏ sắt, đồng hay vàng. Nhiều nơi còn có đất hiếm và thậm chí có trữ lượng Lithium thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Những biến động chính trị tại Afghanistan đã tạo nên những cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên theo hãng tin CNN, nhiều chuyên gia hiện nay cũng đặt câu hỏi về số phận nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá 1 nghìn tỷ USD chưa được khai thác tại quốc gia này.

Afghanistan hiện là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới nhưng theo nghiên cứu năm 2016 của quân đội Mỹ, nước này đang có lượng tài nguyên khoáng sản dự trữ trị giá tới gần 1 nghìn tỷ USD và có thể làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế.

‘Ngồi’ trên đống tài sản 1 nghìn tỷ USD, vì sao người dân Afghanistan vẫn sống nghèo khổ với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày? - Ảnh 1.

Khắp các tỉnh của Afghanistan đều có những mỏ sắt, đồng hay vàng nằm rải rác. Nhiều nơi còn có đất hiếm và theo dự đoán, quốc gia này thậm chí có thể có trữ lượng Lithium, nguyên liệu cho pin điện, thuộc hàng lớn nhất thế giới.

"Chắc chắn Afghanistan là một trong những vùng giàu tài nguyên bậc nhất thế giới với nhiều khoáng sản quan trọng để phát triển kinh tế trong thế kỷ 21", Chuyên gia Rod Schoonover của tập đoàn Ecological Futures Group nhấn mạnh.

Dù nhiều khoáng sản nhưng tình hình chính trị bất ổn, thiếu cơ sở hạ tầng và hạn hán quanh năm đã khiến khả năng khai thác tại Afghanistan rất hạn chế. Thậm chí việc Taliban chiếm quyền kiểm soát có lẽ cũng khó thay đổi được điều này. Tuy vậy chuyện gì cũng có thể xảy ra khi cả Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đều quan tâm đến nguồn khoáng sản dồi dào của nước này bất chấp những biến động địa chính trị.

Giàu tài nguyên khoáng sản

Từ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan vào đầu năm nay thì nền kinh tế nước này đã rơi vào hỗn loạn. Số liệu của Vụ khảo cứu nghị viện Mỹ (CRS) cho thấy riêng trong năm 2020, khoảng 90% người dân Afghanistan đã phải sống dưới chuẩn nghèo với thu nhập chưa đến 2 USD/ngày.

Ngân hàng thế giới (Worrld Bank) cũng cảnh báo nền kinh tế Afghanistan hiện đang khá mong manh và phải phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ. Nền kinh tế tư nhân của nước này chẳng thể phát triển do thiếu sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng tràn lan.

Dẫu vậy, việc ngồi trên lượng tài nguyên lớn vẫn khiến Afghanistan trở thành nơi thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc. Việc chính phủ các nước chuyển sự chú ý sang nền kinh tế xanh với công nghệ xe điện hay chính sách giảm khí thải nhà kính đã khiến nhu cầu khoáng sản như Lithium, Bạch kim hay đất hiếm tăng cao.

‘Ngồi’ trên đống tài sản 1 nghìn tỷ USD, vì sao người dân Afghanistan vẫn sống nghèo khổ với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày? - Ảnh 2.

Ước tính khoáng sản dự trữ tại Afghanistan (tỷ USD)

Hiện nay, 3 quốc gia là Trung Quốc, Công và Australia đã chiếm tới 75% sản lượng Lithium, Bạch kim và đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên lượng cung vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu ngày một tăng.

Số liệu của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy bình quân một chiếc xe điện cần lượng nguyên liệu khoáng sản cao gấp 6 lần ô tô truyền thống. Trong khi Lithium, Nickel và Bạch kim được dùng nhiều cho ắc quy thì đường điện của xe hơi cũng cần nhiều đồng, Aluminium. Đất hiếm thì đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành cánh quạt tua bin.

Báo cáo của quân đội Mỹ cho thấy lượng Lithium nằm dưới Afghanistan có thể so sánh với Bolivia, quốc gia được cho là dự trữ Lithium nhiều nhất thế giới hiện nay.

"Nếu Afghanistan có thể hòa bình ổn định trong vòng vài năm để chính phủ tự do khai thác tài nguyên thì quốc gia này có thể trở thành nước giàu nhất trong khu vực trong chưa đầy 10 năm", Chuyên gia Said Mirzard của Hội khảo sát địa chất Mỹ nói trên tạp chí Science năm 2010.

Chặng đường khó khăn

Cựu giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chi nhánh Trung Đông và Trung Á, ông Mosin Khan cho biết phần lớn tài nguyên của Afghanistan vẫn nằm dưới đất. Dù một số khoáng sản như vàng, đồng hay sắt đã được khai thác nhưng các tài nguyên như Lithium hay đất hiếm thì lại cần đầu tư lớn với công nghệ cao, điều vốn khá xa xỉ ở Afghanistan.

Theo ước tính của IEA, bình quân một mỏ khoáng sản đất hiếm cần 16 năm để thăm dò và xây dựng đi vào khai thác.

‘Ngồi’ trên đống tài sản 1 nghìn tỷ USD, vì sao người dân Afghanistan vẫn sống nghèo khổ với thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày? - Ảnh 3.

Một mảnh vàng được khai thác tại mỏ Qara Zaghan- Afghanistan

Hiện nay ngành khai khoáng mới chỉ đóng góp được khoảng 1 tỷ USD cho nền kinh tế Afghanistan mỗi năm và theo ông Khan, khoảng 30-40% trong số này bị thất thoát do tham nhũng hay bị chiếm dụng bởi các lãnh chúa hoặc thủ lĩnh quân sự địa phương.

"Liệu ai muốn đầu tư vào Afghanistan hiện nay khi thậm chí trước đây họ còn chẳng muốn đổ tiền vào. Những nhà đầu tư cá nhân chắc chắn sẽ không muốn mạo hiểm với sự bất ổn như hiện nay", ông Khan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc Phương Tây có khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt cũng là một thách thức với nền kinh tế Afghanistan trong tương lai nếu Taliban lên nắm quyền.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM