Ngôi làng giàu nhất Trung Quốc phất lên nhờ thép giờ cũng "chết" vì thép: Người dân ai cũng đi BMW, ở biệt thự nhưng nay chìm trong nợ
Từng là ngôi làng thuần nông nghèo khó, làng Hoa Tây (thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô) đã trở thành nơi sinh sống của những người giàu có với số dư tài khoản ít nhất 250 nghìn đô.
Từ ngôi làng nghèo thành nơi người dân ai cũng sống trong biệt thự
Hoa Tây là một làng thuần nông nghèo ở Trung Quốc. Ngôi làng có tổng diện tích khoảng 96 ha, thuộc thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô ở phía đông Trung Quốc. Hoa Tây cách thành phố Thượng Hải khoảng 2 giờ lái xe về phía Tây Bắc và được thành lập bởi ông Wu Renbao vào năm 1951.
Khi mới đảm nhận vị trí trưởng thôn, cuộc sống của ông Wu cùng hầu hết người dân trong làng đều khó khăn. Do đó, ông quyết tâm cùng Hoa Tây làm giàu, đổi mới mọi hoạt động kinh tế. Ông đặt ra quy định mọi người dân không được cờ bạc, karaoke hay đầu cơ vì lợi ích cá nhân. Mỗi sáng, trước khi làm việc, mọi người phải tập trung để nghe thông tin và chỉ dẫn của lãnh đạo.
Làng Hoa Tây hoạt động như một tập đoàn và người dân chính là những cổ đông. Họ tái đầu tư một phần số tiền nhận được cho cộng đồng và doanh nghiệp đang hoạt động tại làng. Lợi nhuận đầu tư họ nhận được từ phần đóng góp này thậm chí còn lớn hơn lương của họ.
Sự phát triển của Hoa Tây là kết quả từ những nỗ lực lớn của ông Wu Renbao. Hoa Tây đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thần tốc. Vào những năm đầu thế kỷ 21, Tập đoàn Hoa Tây tại đây đã sở hữu tới 100 công ty kinh doanh ở rất nhiều lĩnh vực từ sắt thép, kim loại màu, thuốc lá cho đến bất động sản.
Sau khi ông Wu nghỉ hưu vào năm 2003, con trai ông Wu Xie’en nhận được sự tín nhiệm của người dân để kế vị và các chính sách lãnh đạo tiếp tục được duy trì.
Số liệu được công bố năm 2004 cho thấy thu nhập trung bình của người dân tại đây lên đến 122.600 NDT. Con số này cao gấp 42 lần mức trung bình của một nông dân và cao hơn 13 lần so với mức lương bình quân của người đi làm tại thành thị Trung Quốc ở thời điểm đó. Khoảng 1/3 thu nhập của dân làng Hoa Tây đến từ ngành sắt thép. Để giàu có như vậy, họ phải làm việc 7 ngày/tuần ở các khu công nghiệp.
Hoa Tây giàu có đến mức đã chi 3 tỷ NDT để xây một tòa nhà chọc trời 72 tầng, thậm chí còn cao hơn tháp Eiffel và tháp trung tâm London. Ngôi làng này còn thể hiện sự thịnh vượng với khách sạn 5 sao có tên Long Wish, với 826 phòng trong đó 16 phòng Tổng thống và 1 phòng Tổng thống “vàng”, được xây dựng ở trung tâm làng. Khuôn viên khách sạn còn có bức tượng trâu vàng đúc trị giá 43,5 triệu USD. Với những công trình, kiến trúc độc đáo, Hoa Tây cũng thu hút được rất nhiều khách du lịch.
Theo số liệu địa phương cung cấp, làng Hoa Tây khi đó có hơn 800 chiếc ô tô cùng một loạt xe tham quan sử dụng nhiên liệu xanh. Thậm chí, họ còn có thể dùng máy bay trực thăng… để di chuyển như taxi. Dòng xe phổ biến nhất ở ngôi làng này và có thể tìm thấy dễ dàng là BMW màu trắng. Dân làng và khách du lịch được sử dụng miễn phí. Thậm chí, họ còn lên kế hoạch mua 20 chiếc máy bay và huấn luyện đội phi công khoảng 100 người.
Người dân trong làng sống sung túc nhờ cổ tức và ở trong biệt thự miễn phí. Hơn nữa, họ còn được sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí và có tài khoảng ngân hàng với số dư ít nhất 250.000 USD. Tuy nhiên, nếu chuyển đi nơi khác sinh sống, số tiền này sẽ bị tịch thu.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, vị trưởng thôn mới cũng mong muốn Hoa Tây sớm trở thành một thành phố.
"Làng đại gia" nay chìm trong nợ
Tuy nhiên, sau năm 2008, ngành kinh doanh thép của Hoa Tây bắt đầu sa sút và rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Năm 2013, một số nguồn tin cho biết các doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng này đang làm ăn thua lỗ, các cổ đông buộc phải… tự thuê lại phòng khách sạn ở Long Wish để “thúc đẩy nhu cầu trong làng”. Chỉ trong 5 năm, Tập đoàn Hoa Tây đã nợ khoảng 40 tỷ NDT, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ đầu tiên từ 390 triệu NDT đến 435 triệu NDT vào năm 2020.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ngày càng căng thẳng ở làng Hoa Tây, nhiều người ngày càng nghi ngại về cách thức vận hành của ngôi làng. Sau khi ông Wu Renbao qua đời vào năm 2013, ông Wu Xie’en đã đảm nhận vị trí bí thư đảng bộ Làng Hoa Tây và CEO của Tập đoàn Hoa Tây.
Rõ ràng rằng, Hoa Tây đã nỗ lực rất nhiều để chuyển mình. Sau khi ông Wu Xie’en lãnh đạo, Tập đoàn Hoa Tây đã tìm kiếm những cơ hội mới trong ngành tài chính, tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, giao dịch hợp đồng tương lai và mua cổ phiếu từ nhiều công ty niêm yết qua các nền tảng khác nhau. Sun Xiyao – con trai của Wu Xie’en, cũng mở rộng hoạt động sang ngành internet như game online, e-sport và đọc sách trên thiết bị di động.
Dẫu vậy, dựa trên đánh giá về hiệu quả kinh doanh, quá trình chuyển đổi đó của Hoa Tây lại không thành công. Các khoản đầu tư và những ngành mới nổi không thể bù đắp cho những tổn thất phát sinh trong các ngành truyền thống mà còn làm chi phí hoạt động tăng cao.
Khi rơi vào khó khăn, tỷ lệ cổ tức mà người dân trong làng nhận được giảm từ 30% xuống 0,5% và thậm chí họ còn được trả cổ tức bằng thẻ giảm giám khi sử dụng dịch vụ của khách sạn Long Wish. Do đó, người dân đã xếp hàng dài trước Tập đoàn Hoa Tây để đòi lại tiền gốc.
Tổng giá trị nợ thực tế của làng Hoa Tây có thể lên đến 30 nghìn tỷ NDT, nếu tính cả nợ từ các công ty thuộc địa phương này – những thực thể mà họ sử dụng để huy động vốn.
Cho đến nay, việc Tập đoàn Hoa Tây có thể tồn tại bao lâu nữa là một dấu hỏi lớn. Theo Think China, mô hình hoạt động lỗi thời là nguyên nhân chính dẫn đến thách thức phát triển trong tương lai của doanh nghiệp từng rất lớn mạnh này.
Tổng hợp