Ngoài quỹ "đất vàng", còn một lý do quan trọng khiến bầu Hiển hứng thú với Vinafor
Đó chính là việc Vinafor hiện đang sở hữu 30% cổ phần tại hãng xe máy lớn thứ 2 Việt Nam - Công ty TNHH YAMAHA MOTOR Việt Nam.
Sở GDCK Hà Nội vừa công bố thông tin đấu giá Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor. Theo đó, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất khi đăng ký mua thành công 140 triệu cổ phần Vinafor, chiếm 40% vốn điều lệ công ty.
Không khó để nhận thấy, hầu hết các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mà Bầu Hiển nhắm tới đều có một sức hấp dẫn chung là quỹ đất vàng. Chẳng hạn như Bệnh viện Giao thông Vận Tải, Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco, cả kể Vinafor cũng vậy.
Với vị thế đứng đầu ngành lâm nghiệp, Vinafor đang quản lý và sử dụng các khu đất trải dài trên 12 tỉnh thành phố với tổng diện tích 92,383 ha. Trong đó, có khá nhiều khu đất “vàng” tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định….
Sau cổ phần hóa, VinaFor sẽ giữ lại 43,4 ha đất nông nghiệp và 425.097 m2 đất phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, đất vàng không phải là sự "quyến rũ" duy nhất của Vinafor đối với Bầu Hiển mà còn bởi những khoản cổ tức hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đến từ các công ty con, liên kết.
Đặc biệt, Công ty TNHH YAMAHA MOTOR Việt Nam là khoản đầu tư mang về lợi nhuận khủng hàng năm cho Vinafor.
Được thành lập vào năm 1999 bởi liên doanh Vinafor, Yamaha Motor Nhật Bản và Hong Leong Malaysia, vốn điều lệ của Yamaha Motor Việt Nam đạt 539 tỷ đồng. Trong đó, Vinafor góp 30% vốn, tương đương 162 tỷ đồng, Yamaha Motor Nhật Bản góp 46% vốn, Hong Leong Malaysia góp 24%.
Tuy là kẻ đến sau nhưng Yamaha đã chiếm được vị trí tương đối vững chắc trong thị trường xe máy Việt Nam, chỉ đứng sau Honda.
Trong những năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của Yamaha có xu hướng giảm hoặc chỉ sang ngang, không ghi nhận sự tăng trưởng đột phá. Song với bối cảnh thị trường xe máy Việt Nam bão hòa, kết quả kinh doanh của Yamaha vẫn được đánh giá là giữ phong độ so với các đối thủ khác trên thị trường.
Doanh thu, lợi nhuận cao, mức chi trả cổ tức của Yamaha Motor cũng cao ngất ngưởng. Trong giai đoạn 2012-2014, con gà đẻ trứng vàng này đều chi trả cổ tức trên 77%. Cao nhất là năm 2014, với 90,94%. Tương ứng số tiền mà Vinafor nhận về khoảng 147 tỷ đồng, chiếm 85% tổng số tiền cổ tức mà Vinafor nhận được trong năm.
Như vậy, có thể nói, công ty liên doanh giữa VinaFor và Tập đoàn Yamaha Motor chính là con gà đẻ trứng vàng cho Vinafor.
Hẳn nhiên trước khi quyết định chi 1.414 tỷ đồng mua lại 40% Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam, Bầu Hiển cũng đã có những tính toán về con gà đẻ trứng vàng này của Vinafor.
Một số doanh nghiệp do VinaFor nắm giữ trả cổ tức khá nhưng không phải tất cả đều hoạt động tốt đồng đều.
Hiện VinaFor đang có 19 công ty con với sở hữu trên 51%; 18 công ty liên kết và 11 công ty liên doanh.