Ngoài đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 3 tuyến đường sắt đô thị khác ở Hà Nội hiện ra sao?

02/06/2020 10:58 AM | Xã hội

Ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 3 dự án đường sắt đô thị khác ở Hà Nội đều được kéo dài thời gian hoàn thành hoặc chưa thể tiến hành việc đầu tư do nhiều vướng mắc.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ủy quyền ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tại Hà Nội còn một số dự án đường sắt đô thị đang thi công và đang triển khai thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả các dự án này đều chưa hoàn thành, trong đó:

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) có chiều dài 12,5km, tổng mức đầu tư là 32.910 tỷ đồng.

Dự án được khởi công tháng 9/2010, kế hoạch hoàn thành năm 2018 nhưng dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.

Đối với dự án này đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công (các gói thầu CP01; CP02, CP04 và CP05), hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng đối với vị trí các ga ngầm (S9, S10, S11, S12) và di chuyển các công trình ngầm nổi.

 Ngoài đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 3 tuyến đường sắt đô thị khác ở Hà Nội hiện ra sao? - Ảnh 1.

Các gói thầu trên cao của dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đang được tiến hành.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến việc một số hộ dân và cơ quan lấn vào phạm vi chỉ giới đường đỏ của Dự án tại các vị trí móng cầu thang ga trên cao, làm ảnh hưởng tiến độ thi công gói thầu CP02.

Các ga ngầm, đã thu hồi 24.561m2/24.636m2 (tương đương 99,7%) nhưng vẫn còn vướng mắc tại mặt bằng tại các ga làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công gói thầu CP03.

Bên cạnh đó, gói thầu CP09 đã ký kết hợp đồng vào 18/12/2019, tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể phát lệnh khởi công do Bộ tài chính và DGT chưa ký kết thỏa ước vay bổ sung 20 triệu Euro để tạm ứng cho Nhà thầu.

Đối với dự án này, cơ quan chức năng cũng kiến nghị Hà Nội làm việc với Bộ Tài chính đẩy nhanh công tác ký kết thỏa ước vay áp dụng Nghị định thư bổ sung 20 triệu EUR của DGT.

Đồng thời, Hà Nội cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đối với các vị trí vướng mắc còn lại để dự án triển khai đúng tiến độ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) có chiều dài được phê duyệt 28,7 km và được chia làm 2 giai đoạn là I và IIA.

Dự án giai đoạn I được phê duyệt từ năm 2008, có tổng chiều dài 15,36 km; tổng mức đầu tư là 19.460 tỷ đồng. Theo Quyết định điều chỉnh dự án năm 2017 của Bộ GTVT, giai đoạn I chỉ xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi trên diện tích khoảng 151,8ha; TMĐT điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng.

Dự án giai đoạn IIA được phê duyệt năm 2012 (đoạn tuyến từ tổ hợp Ngọc Hồi đến ga Giáp Bát) có chiều dài 5,649 km, TMĐT là 24.825 tỷ đồng.

Năm 2015, Thủ tướng có văn bản thống nhất phân chia lại thành: Dự án giai đoạn I chỉ còn tổ hợp Ngọc Hồi. Dự án giai đoạn IIA xây dựng đoạn tuyến từ Ngọc Hồi- Hà Nội (bổ sung thêm đoạn tuyến Giáp Bát- Hà Nội của giai đoạn I trước đây sang giai đoạn IIA).

Tiến độ dự án được điều chỉnh, trong đó, dự án giai đoạn I từ 2007 - 2017 điều chỉnh thành 2017 - 2024. Dự án giai đoạn IIA từ 2012- 2020 và đang tiến hành điều chỉnh.

Hiện tại, theo báo cáo, ngoài việc giải ngân 9,3 tỷ đồng đền bù đất công xã Liên Ninh (Thanh Trì) để phục vụ dự án giai đoạn I thì dự án chưa triển khai thi công được gói thầu nào ngoài hiện trường.

Báo cáo do Bộ trưởng Thể ký cũng nêu rõ, dự án này phải chờ chủ trương từ Thủ tướng nên không có cơ sở để triển khai bất kỳ nội dung nào ngoài việc tiếp tục công tác báo cáo về dự án.

Đối với dự án này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng sớm cho phép triển khai dự án giai đoạn I và trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh dự án IIA.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang triển khai thủ tục đầu tư.

Tuyến đường có chiều dài là 11,5km, tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng (trong đó, vốn ODA vay JICA là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng là 3.079 tỷ đồng);

Tuyến đường xây dựng qua các Quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Thời gian thực hiện: 2009-2020 (dự kiến thời gian bảo dưỡng là 5 năm). Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 của dự án, ngày 20/3/2020, Ban đã có văn bản báo cáo về việc tổng hợp ý kiến các cơ quan, giải trình tiếp thu ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Tư pháp về phương án thiết kế, thi công ga.

Hiện Ban đang phối hợp với tư vấn chuẩn bị báo cáo để UBND TP làm việc với Bộ VHTTDL và các Bộ ngành liên quan.

Đối với dự án này, việc chậm triển khai do thời gian thẩm định, thẩm tra dự án điều chỉnh kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay khiến công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư để phê duyệt điều chỉnh dự án gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Việc tổ chức đấu thầu, thi công chưa triển khai được do dự án điều chỉnh chưa được phê duyệt.

Việc lập quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 thời gian tiến hành lấy ý kiến góp ý kéo dài; hồ sơ quy hoạch phải chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở góp ý của các cơ quan liên quan nên thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Đến nay, quy hoạch ga C9 vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ VH,TT&DL làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai tổ chức các cuộc họp với các Bộ, ngành, lấy ý kiến gặp khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ điều chỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng...đều phải tạm dừng do diễn biến phức tạp, dễ lây lan bùng phát của dịch bệnh.

Một vấn đề khác là việc giải phóng mặt bằng đất ở khu vực Depot triển khai chậm do người dân đề nghị tái định cư tại chỗ phường Xuân Đỉnh, chính sách về giá bồi thường đất đai, tài sản quá thấp nên chưa thực hiện được đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản...

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM