Nghiên cứu khoa học cho thấy người giỏi pha trò thường được đánh giá cao hơn người khác
Nghiên cứu cho thấy khi đồng nghiệp cười đùa cùng nhau, năng suất và sự sáng tạo ở nơi làm việc sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu từ trường Kinh doanh Harvard và Wharton gần đây còn phát hiện ra rằng những người có khả năng hài hước được nhiều người xung quanh nhìn nhận là tự tin và tài năng hơn những "kẻ không thích đùa".
Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 166 tình nguyện viên đánh giá những lời nhận xét, tiến cử về một công ty hư cấu. Lời tiến cử đầu tiên mang tính chất nghiêm túc và lời tiến cử thứ hai thường có vẻ hóm hỉnh. Các tình nguyện viên cho rằng người viết lời tiến cử dí dỏm, hài hước có vẻ tự tin hơn và nhiều khả năng sẽ được chọn làm trưởng nhóm cho các hoạt động khác.
Ở một thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu cho các tình nguyện viên đọc một bản mô tả về 5 tình huống phỏng vấn xin việc.
Trong một tình huống, ứng viên trả lời nhân viên tuyển dụng bằng một câu trả lời nghiêm túc. Trong tính huống thứ hai, ứng viên kể một câu chuyện hài phù hợp với môi trường làm việc (tức không quá tục tĩu) và nhà tuyển dụng bật cười. Trong tình huống thứ ba, ứng viên kể một chuyện hài tục tĩu. Hai tình huống cuối cùng, một tình huống là ứng viên kể chuyện phù hợp, một tình huống là kể chuyện tục tĩu nhưng cả hai đều không hài hước lắm.
Đối với mỗi tình huống, các nhà nghiên cứu đều yêu cầu các tình nguyện viên đánh giá mức độ tự tin và năng lực của ứng viên.
Dựa trên cầu trả lời của các tình nguyện viên, các nhà nghiên cứu nhận thấy trong khi một câu chuyện hài tục tĩu giúp người kể có vẻ tự tin, nhưng nó lại khiến họ có vẻ thiếu năng lực hoặc không giỏi bằng những người kể một câu chuyện hài đúng mực.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nếu một câu chuyện cười khiếm nhã được hưởng ứng, thì tiếng người có thể giảm bớt tai tiếng cho người kể. Mặt khác, một câu chuyện cười nhẹ nhàng hiếm khi khiến người khác nghĩ xấu về bạn. Ngay cả khi câu chuyện không hài hước lắm, thì trong mắt các đồng nghiệp bạn cũng có vẻ tự tin hơn vì dù gì bạn cũng đã cố gắng.
Alison Wood Brooks, tác giả của nghiên cứu, giải thích: "Đừng ngại nếu câu chuyện tỏ ra không hấp dẫn. Những câu chuyện cười "thiếu muối" – miễn là phù hợp và không quá tục tĩu – sẽ không ảnh hưởng xấu đến những gì mà người khác nhìn nhận về bạn. Thậm chí chúng còn tăng thêm vẻ tự tin cho hình ảnh của bạn trong mắt những người xung quanh".
Để thành công trong sự nghiệp, bạn phải hiểu về bản chất của con người và biết rõ mình đang nói chuyện với những người như thế nào, và kỹ năng này cũng cần áp dụng khi bạn kể những câu chuyện cười vô thưởng vô phạt. Hãy nhớ: Những lời đùa cợt với bạn thân có thể sẽ không có tác dụng gì, thậm chí phản cảm với một khách hàng mới.