Dù là nhân viên hay công ty có vị trí làng nhàng tầm trung, muốn vươn lên đứng đầu đều cần linh hoạt như anh bán sách sau

16/02/2017 08:58 AM | Kinh doanh

Làm kinh doanh, ai cũng biết "vị trí tốt" có một vai trò rất quan trọng, nhưng bạn không thể có "vị trí tốt" ngay từ đầu và không phải bất cứ vị trí tốt nào bạn cũng có thể mua được.

Có một cách thông minh là thông qua tìm hiểu thị trường thật kĩ càng, tìm được vị trí phù hợp nhất với mình, dần dần chiếm lĩnh được vị trí tốt với chi phí ít nhất, đó chính là bí quyết mang lại thành công. Chỉ khi đi sâu tìm hiểu thị trường và nắm được đặc điểm của nó thì chúng ta mới có thể thành công.

Điều này không chỉ có thể áp dụng trong kinh doanh mà có thể dùng trong mối quan hệ xã hội hàng ngày. Bài học từ nhà kinh doanh sách tên Lí sau trích từ cuốn sách Bí mật thành công của ông chủ nhỏ sẽ giúp bạn hình dung dễ hơn.

Công ty sách của Lí ngoài làm công việc biên tập còn kiêm cả phát hành sách, giống như một nhà xuất bản nhỏ. Viết và biên tập sách chỉ là công việc tiền kì, lợi nhuận thực sự của công ty chủ yếu dựa vào khâu cuối cùng là bán sách.

Công ty của Lí thuộc loại trung cao cấp, tuy không thể so sánh với các công ty ra đời đã lâu, dày dạn kinh nghiệm và có nhiều ấn phẩm nổi bật nhưng cũng khá hơn nhiều công ty khác, tóm lại là đứng trong top 50-200 công ty sách trong cả nước.

Những đầu sách mà công ty Lí phát hành ra thị trường muốn bán chạy thì cần phải được trưng bày ở vị trí tốt. Một vị trí tốt trên giá sách có thể khiến độc giả phát hiện ra cuốn sách một cách dễ dàng hơn, từ đó khả năng mua sách cũng cao hơn.

Các đầu sách loại một - tức sách được độc giả quan tâm thì không cần nỗ lực giới thiệu vẫn được các hiệu sách tự động bày vào vị trí tốt, còn những cuốn sách loại ba - sách không hay, cho dù công ty sách có cố gắng xếp nó vào vị trí tốt thì số lượng bán ra cũng không cao, tóm lại là tự sinh tự diệt. Có điều công ty của Lí chuyên xuất bản loại sách mà nếu nỗ lực đưa vào vị trí tốt, chẳng mấy chốc sẽ trở thành sách loại một, còn nếu không thì cũng chịu chung số phận với những cuốn sách loại ba.

Dù là nhân viên hay công ty có vị trí làng nhàng tầm trung muốn vươn lên đứng đầu đều cần linh hoạt như anh bán sách sau - Ảnh 1.

Một cuốn sách nếu có tiềm lực này thì rất có khả năng sẽ đạt vị trí best-seller (sách bán chạy nhất) trên toàn quốc, tuy nhiên, nguy cơ cũng rất lớn, theo tính toán của Lí, nếu tuân thủ quy định này thì số lượng sách bán ra phải đạt 100 nghìn cuốn mới có lợi nhuận. Hiện nay, một đầu sách mới chỉ in 5 nghìn cuốn một lượt, để đạt được con số 100 nghìn cuốn quả thực là một kì tích.

Công ty Lí chủ yếu bán loại sách khoa học thường thức, loại sách này hữu dụng nhưng khó có khả năng trở thành sách best-seller, nhưng vẫn phải cố gắng tìm được những vị trí tốt trên giá sách.

Không mua được vị trí vàng, không có hoạt động thúc đẩy tiêu thụ tại các cửa hàng bàn lẻ thì lợi nhuận sẽ giảm đi hơn một nửa. Theo quan sát, vị trí vàng tại một cửa hàng sách là vị trí lối đi lại gần cửa và bàn thu ngân bởi đây là nơi khách hàng bắt buộc phải đi qua. Sách bày ở những vị trí này rất hút khách và đã bị các nhà sách lớn tranh giành hết, muốn chen chân vào rất khó, phải chờ đến khi nhà sách nào đó tự rút lui thì Lí mới có cơ hội.

Ở những vị trí bình thường khác, nhân viên hiệu sách sẽ sắp xếp sách dựa theo nội dung hay dở hoặc đặc điểm. Bên cạnh đó, sách được bày ở phía trên sẽ đúng tầm mắt của người nhìn hơn, nếu bày phía dưới thì độc giả sẽ phải cúi xuống mới thấy được, điều này cũng do nhân viên hiệu sách quyết định. Còn nữa, chỉ bày một cuốn sách trên giá cũng khác với việc bày một lúc năm sáu cuốn, càng bày nhiều thì người đọc càng dễ bị thu hút, còn nếu chỉ bày một cuốn thì người đọc rất dễ bỏ qua. Việc này cũng do nhân viên hiệu sách quyết định.

Lí đã nghĩ ra được một cách và lập tức mở cuộc họp với phòng kinh doanh. Anh giao cho mỗi nhân viên kinh doanh một tuần phải đến hiệu sách ít nhất hai lần để thống kê và tìm hiểu vị trí bày bán sách của công ty mình cùng những sách tương tự của các công ty khác.

Lí cũng dặn dò nhân viên tốt nhất nên đi vào buổi chiều, tích cực nói chuyện với những người bán hàng, nếu có thể làm bạn với họ thì càng tốt. Nên hẹn các nhân viên bán sách đi ăn tối sau khi họ tan làm, việc này không cần quá nghiêm túc, trịnh trọng như đàm phán chuyện kinh doanh, mà tốt hơn là giống một bữa ăn thân mật giữa những người bạn. Ban đầu cần khéo léo tìm hiểu tình hình bán sách của công ty ở các hiệu sách, xin được lời khuyên của nhân viên bán hàng. Mỗi tháng, công ty sẽ cho nhân viên kinh doanh 400 tệ tiền tiếp khách.

Tất nhiên là các nhân viên kinh doanh không phản đối đề xuất này, bởi tạo mối quan hệ tốt với các hiệu sách là điều đương nhiên. Tiền thưởng của nhân viên trong công ty đều tính theo lợi nhuận bán hàng, bây giờ mỗi người được thêm 400 tệ, tất nhiên là một chuyện đáng mừng.

Liệu cho nhân viên 400 tệ có lãng phí tiền bạc? Theo phân tích của Lí, nếu muốn có vị trí tốt thì phải trả phí, mà phí đó là cố định, bất luận anh có bán được sách hay không thì vẫn phải trả. Nếu so sánh tiền phí đó với lợi nhuận bán được sách khi có vị trí tốt thì sẽ bị hụt đi 5 nghìn tệ một tháng. Bây giờ công ty Lí có 300 đầu sách, chỉ riêng 10 đầu sách được bày ở vị trí tốt thôi thì tiền phí hàng tháng đã là 50 nghìn tệ rồi, trong khi việc bán hàng không chỉ ở một hiệu sách. Nên số tiền mà nếu mua vị trí tốt phải trả hàng tháng là rất lớn.

Lợi nhuận hiện tại của công ty Lí đã chẳng được bao nhiêu, nếu còn làm theo cách đó thì chỉ còn cách uống nước lã cầm hơi. Chỉ những nhà xuất bản lớn mới đủ sức khuếch trương danh tiếng của mình theo cách đó.

Trong khi mỗi hiệu sách có khoảng 200 - 300 vị trí khá tốt mà không cần phải trả phí, số lượng bán ở 2 - 3 vị trí này cũng bằng với số lượng bán ra ở một vị trí tốt. Các vị trí bày sách đều do nhân viên bán hàng ở hiệu sách quyết định, chỉ cần tạo quan hệ tốt với họ thì có thể nắm chắc khoảng 20 - 30 vị trí bày bán kiểu này.

Ở một hiệu sách, một đầu sách có thể bán được 10 quyển trong một tháng, sau khi bày ngang thì có thể bán được 60 quyển một tháng. Nếu có thể kiếm được 30 vị trí như thế thì một tháng sẽ bán được 1.500 quyển, nếu giá mỗi cuốn là 30 tệ, tỷ lệ lợi nhuận là 20% thì lợi nhuận từ một hiệu sách trong một tháng sẽ là 9 nghìn tệ.

Quan trọng hơn là nếu lượng bán hàng ở các hiệu sách này tăng lên thì sách của công ty Lí cũng có khả năng được đưa vào danh sách bán chạy và như thế, số lượng bán ra trên toàn quốc cũng tăng lên. Xem ra số tiền trả thêm cho nhân viên chẳng phải đã sinh lợi rồi sao, đồng thời, sách của Lí cũng sẽ thoát khỏi vị trí phía dưới giá sách để có một vị trí tốt hơn, như vậy thì hơn 300 đầu sách đều sẽ bán được nhiều hơn.

Vậy làm sao để những nhân viên bán sách sẽ kết thân với nhân viên của Lí? Thực ra các nhân viên cửa hàng sách cũng đều hoan nghênh người từ các nhà xuất bản. Nhà sách ra nhiều sách hay hơn, đương nhiên họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó việc mời họ một bữa cơm chân tình sau một ngày bận rộn cũng không ai nỡ chối từ.

Sau một thời gian tiếp xúc, sách của công ty Lí chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân viên bán hàng, khi đó, họ sẽ thử bày sách của chúng ta ở một vị trí tốt hơn. Nếu hiệu quả tiêu thụ tốt, họ sẽ đưa càng nhiều sách của anh lên vị trí tốt hơn.

Ba tháng sau, số lượng sách được bày lên vị trí khá tốt của Lí ngày càng nhiều, số lượng bán ra cũng tăng ngày càng cao. Nhân viên công ty anh và người bán sách trở thành bạn bè, họ không chỉ tìm vị trí tốt cho những cuốn sách của anh mà còn đưa ra rất nhiều gợi ý hay. Sách của công ty Lí ngày càng chất lượng hơn, các chủ đề cũng gần gũi với nhu cầu thị trường hơn.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM