Nghiên cứu đường sắt mới Hải Phòng-Lào Cai

07/04/2018 08:58 AM | Bất động sản

Đây là tuyến đường sắt kết nối với đường sắt Trung Quốc, từ đó nối qua các nước châu Á, châu Âu.

Bộ GTVT vừa họp bàn về quy hoạch đầu kỳ tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai (tuyến Đông-Tây).

Chiều dài tuyến hơn 391 km

Theo đó, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ tồn tại song song cả tuyến đường sắt cũ với khổ 1.000 mm và mới với khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ tàu khách đạt 160 km/giờ, tàu hàng 90 km/giờ. Khi đi vào hoạt động, tuyến mới đảm nhận vận chuyển hàng hóa và toàn bộ hành khách của tuyến. Còn tuyến hiện có tiếp tục đảm nhận một phần vận tải hàng hóa.

Theo quy hoạch, tuyến mới bắt đầu từ ga Lào Cai hiện hữu, theo hướng Đông qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng, tổng chiều dài tuyến 391,59 km. Trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 6,29 km, khu đầu mối Hà Nội có chiều dài 30 km.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là tuyến quan trọng bậc nhất về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam. Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có đường sắt đi qua mà còn kết nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc. Đồng thời giải phóng được lượng hàng hóa khu vực đầu mối ở phía Bắc đồng bằng Bắc bộ nói chung, khu vực cảng Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh đó, thu hút được hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi Trung Á, châu Âu và ngược lại.

Kết nối châu Á , châu Âu

Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng lưu ý cần xác định vấn đề kết nối đường sắt mới với đường sắt cũ, cảng biển, cảng nội địa, các đầu mối hàng hóa ra sao… “Đặc biệt, ba đầu mối quan trọng là kết nối khổ đường với đường sắt Trung Quốc ở Lào Cai, khu vực đầu mối Hà Nội và khu vực cảng biển Hải Phòng. Có vậy mới đảm bảo được hiệu quả của tuyến đường” - Thứ trưởng Đông nói.

Được biết tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường sắt có vai trò kết nối với đường sắt Trung Quốc, từ đó kết nối với đường sắt các nước châu Á, châu Âu khác. Tuy nhiên, năng lực tuyến đường hiện nay còn hạn chế vì đường sắt ở Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và chỉ duy trì đường sắt khổ hẹp 1.000 mm, đường lồng (gồm cả khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm) tại một số tuyến ngắn, nhà ga khu vực biên giới giáp Lào Cai.

Trong khi đó, đường sắt hiện hữu từ Lào Cai đi Hải Phòng vẫn là đường khổ 1.000 mm. Nên đường sắt Việt Nam đi đến các ga từ ga Sơn Yêu đến ga Thập Lý Thôn của đường sắt Trung Quốc không phải sang toa chuyển tải. Nhưng nếu muốn đi sâu vào nội địa Trung Quốc thì phải chuyển tải từ toa xe khổ 1.000 mm sang toa xe khổ 1.435 mm tại ga Hà Khẩu Bắc. Ngược lại, hàng liên vận từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng phải sang toa. Chính lý do này làm đội giá thành vận tải, khó thu hút khách hàng.

10 triệu nhân dân tệ nghiên cứu tuyến đường sắt

Dự án nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc cho Việt Nam vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường sắt này. Viện Nghiên cứu khảo sát và thiết kế đường sắt số 5, Trung Quốc là đơn vị tư vấn được giao lập quy hoạch tuyến đường sắt này; bao gồm cả việc nghiên cứu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam), xác định điểm nối ray đường sắt mới giữa Việt Nam - Trung Quốc và kết nối đường sắt khu đầu mối Hà Nội, cảng Hải Phòng.

_____________________________

Theo dự báo, hàng hóa vận tải trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ tiếp tục gia tăng, có thể đạt 101,6 triệu tấn vào năm 2018 và 131,5 triệu tấn vào năm 2020.

Theo Phú Phong

Từ khóa:  đường sắt
Cùng chuyên mục
XEM