Nghiên cứu: Dùng ứng dụng hẹn hò càng nhiều, càng cảm thấy cô đơn hơn
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Quan hệ xã hội và Cá nhân (Journal of Social and Personal Relationships) cho thấy những người thường xuyên truy cập vào các ứng dụng hẹn hò sẽ có xu hướng rơi vào trạng thái cô đơn nhiều hơn trước khi sử dụng các ứng dụng này.
Nghiên cứu được tiến hành trên 269 sinh viên đang theo học tại tại Đại học Bang Ohio, Mỹ đã từng sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò. Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, các sinh viên được hỏi về cảm giác cô đơn và sự lo lắng xã hội mà họ đang phải trải qua. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu còn đo lường mức độ "buộc phải sử dụng" các ứng dụng dạng này của sinh viên thông qua những câu hỏi về mức độ đồng tình của người trả lời với các nhận định có dạng như "Tôi không thể ngừng hoặc giảm tần suất sử dụng các ứng dụng hẹn hò".
Những sinh viên trả lời rằng họ đã từng bỏ học, bỏ việc để dành thời gian tìm "bạn đời" trên những ứng dụng này cho biết sau khi sử dụng các ứng dụng trên, họ còn cảm thấy cô đơn và lo lắng hơn trước. Kết quả nghiên cứu này trùng khớp với một nghiên cứu khác đã được công bố hồi đầu tháng 7, trong đó chứng minh tác động của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đối với tình trạng trầm cảm của các thiếu niên tuổi teen.
Bên cạnh đó, một số người trả lời khảo sát cho biết họ cảm thấy tự tin hơn khi tìm bạn đời trên các ứng dụng hẹn hò hơn là ở ngoài đời thực, do đó họ dành bất cứ khoảng thời gian rảnh nào có thể để "lướt" các app này để tìm "nửa kia" thích hợp. Katy Coduto, học viên cao học tại Đại học Bang Ohio và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm giác lo lắng xã hội của những người dùng ứng dụng hẹn hò đến từ sự từ chối xã hội mà họ gặp phải. Nói cách khác, việc thường xuyên "lướt" ứng dụng nhưng lại không tìm được "nửa kia" thích hợp là một cảm giác vô cùng "đau đớn".
Vậy câu hỏi đặt ra là phương thức "lướt" nhanh qua hàng loạt những mẩu tin ngắn về những người khác giới trên các ứng dụng hẹn hò có phải là cách tốt nhất để tìm "bạn đời" hay không? Tin tốt là một số công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò trực tuyến đang tìm những phương pháp khác để thay thế mô hình này, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc "gợi ý" những "ứng cử viên tiềm năng" nhằm giúp người dùng sớm tìm được "nửa phù hợp" với mình hơn. Trong khi đó, nghề "mai mối" tình yêu cũng đang có dấu hiệu phổ biến trở lại. "Tôi tin rằng các ứng dụng hẹn hò nói chung sẽ còn mất một thời gian dài nữa mới có thể từ bỏ giao diện "lướt" truyền thống, bởi đây là một trong những phương thức có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dùng," Coduto cho hay. "Tuy nhiên, việc loại bỏ giao diện này và khuyến khích người dùng tìm hiểu sâu hơn về "hồ sơ" của từng "ứng viên" sẽ giúp cho họ bớt "nghiện" các app này hơn."
Và có lẽ, nên có những tác động về mặt pháp lý để "buộc" các nhà cung cấp dịch vụ loại bỏ phương thức "lướt" để giảm "sức gây nghiện" của những ứng dụng dạng này. Trên thực tế, điều đó đã đang diễn ra. Tuần trước, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Josh Hawley đã đề xuất một dự thảo luật nhằm giảm "sức gây nghiện" của các dịch vụ mạng xã hội, nhằm giảm thiểu thời gian mà người dân "tiêu tốn" vào các ứng dụng dạng này. Coduto cho biết hiện tại, một số ứng dụng hẹn hò đã có tính năng hạn chế số lần "lướt" mỗi ngày đối với người dùng, tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu có một quy định hay sự ràng buộc pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Và câu hỏi cuối cùng được đặt ra là, liệu tôi có nên "tránh xa" các ứng dụng hẹn hò hay không? Trên thực tế, các ứng dụng hẹn hò tỏ ra khá hữu ích trong việc kết nối những người không có cơ hội gặp mặt nhau ngoài đời thực, do các rào cản địa lý hoặc một vài yếu tố khác. Dù vậy, Coduto vẫn khuyên mọi người nên cảnh giác với khoảng thời gian mà họ bỏ ra mỗi ngày để sử dụng các app hẹn hò, nhằm tránh nảy sinh những "ảo tưởng" và kì vọng phi thực tế. Xét cho cùng, những ứng dụng này được vận hành bởi các công ty kinh doanh. "Sau tất cả, những ứng dụng này đều đến từ những công ty công nghệ lớn, và chúng tồn tại chỉ để kiếm lời mà thôi," Coduto kết luận.