Nghịch lý về phòng chống đại dịch Covid-19 giữa Đông và Tây Âu
Dù có điều kiện y tế tốt hơn hẳn các nước Đông Âu, nhiều nước Tây Âu lại đang gánh chịu những tổn thất nặng nề hơn rất nhiều vì Covid-19.
Tây Âu “vỡ trận” vì chủ quan
Việc so sánh số liệu liên quan đến dịch bệnh Covid-19 giữa các quốc gia là hết sức khó khăn và phức tạp bởi có quá nhiều yếu tố có thể tác động đến quá trình này. Tuy nhiên, sự tương phản quá lớn về tổn thất do dịch Covid-19 gây ra giữa các nước Đông và Tây Âu khiến việc so sánh này khó có thể bị bỏ qua.
Một người đàn ông Séc đeo khẩu trang đi trên đường phố Praha. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại Séc ngay từ khi có dịch Covid-19. Ảnh: AFP |
Điều này xuất phát từ thực tế là các quốc gia Trung và Đông Âu có tỷ lệ mắc và tử vong vì Covid-19 thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia Tây Âu. Cụ thể, Slovakia có 1.413 ca mắc và 25 ca tử vong vì Covid-19 trong khi nước láng giềng Áo - vốn được coi là kiểm soát thành công đại dịch này trong số nhiều quốc gia Tây Âu - có số ca mắc cao gấp 10 lần và số ca tử vong cao gấp 20 lần trong khi dân số chỉ bằng một nửa Slovakia.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự khác biệt nói trên như năng lực xét nghiệm trong cộng đồng, tuổi thọ trung bình, mật độ dân số và số lượng các chuyến bay thẳng từ các quốc gia tới Trung Quốc và ngược lại… Hơn thế nữa, cách thức kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Đông và Tây Âu cũng rất khác nhau và điều này ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực tế.
Đơn cử việc đeo khẩu trang giờ mới bắt đầu phổ biến tại các quốc gia Tây Âu đã được nhiều quốc gia Đông Âu như Séc và Slovakia thực hiện từ trước đó rất lâu. Ngoài ra, các quốc gia Đông Âu cũng được xem là sớm nhìn ra “kết cục tang thương” tại Italy nên đã sớm siết chặt lệnh phong toả hơn so với các nước Tây Âu vốn chỉ làm điều này vào giữa tháng 3 khi tình hình đã rất khó kiểm soát.
Hơn thế nữa, các nước Đông Âu nhận thức rất rõ về những hạn chế trong hệ thống y tế của mình nên đã sớm đưa ra những quyết sách phòng chống Covid-19 rất quyết liệt. Trong khi đó, các nước Tây Âu tin rằng, họ vẫn còn “rất nhiều lựa chọn khác”.
“Chính phủ Anh và Thuỵ Điển đều cho rằng, họ có thể đề ra những chính sách hiệu quả giúp ngăn ngừa và phòng chống dịch Covid-19 mà không gây tác động nhiều đến hệ thống y tế quốc gia, nhưng thực tế không phải vậy”, ông Ben Stanley, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học SWPS ở Warsaw, Ba Lan, chia sẻ.
Người dân các nước Đông Âu cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Chính phủ của họ trong đại dịch Covid-19 hơn các nước Tây Âu. Đã không có các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong toả tại các nước Đông Âu như từng diễn ra tại một số quốc gia Tây Âu và Mỹ.
Hy Lạp, quốc gia sớm đề ra các lệnh phong toả nghiêm ngặt để đối phó với Covid-19 và ngăn ngừa hệ thống y tế vốn đã bị tổn thương nặng nề vì các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để cứu vãn nền kinh tế đã đạt được những kết quả rất tích cực khi số ca mắc Covid-19 được ghi nhận là 2.620 ca, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia Tây Âu.
“Giống như nhiều quốc gia Trung và Đông Âu, Hy Lạp có một hệ thống y tế rất mong manh”, ông George Pagoulatos, chuyên gia kinh tế chính trị tại Quỹ Hellenic về Chính sách châu Âu và Đối ngoại nhận định: “Điều này khiến Chính phủ Hy Lạp phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp sớm hơn rất nhiều so với Chính phủ các nước Tây Âu vốn rất tự tin vào hệ thống y tế của họ”.
Sự chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 đã khiến Italy trả giá đắt trong giai đoạn đầu đại dịch. Ảnh: AP |
Sự thay đổi căn bản về nhận thức
Sự tích cực và chủ động từ Chính phủ Hy Lạp đã giúp nước này phần nào lấy lại vị thế trên trường quốc tế sau nhiều năm dài xuất hiện trên nhiều tít báo không mấy tích cực về cuộc khủng hoảng nợ công tại đây. Mới đây nhất, cả Hy Lạp và Séc đều đã được đưa vào danh sách 7 quốc gia ứng phó thành công với dịch Covid-19 mà Thủ tướng Áo Sebastian Kurz mời tham dự một hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm.
Dù vậy, một số quốc gia Trung và Đông Âu cho rằng, những nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ. Theo các chuyên gia tại Trung và Đông Âu điều này xuất phát từ “thái độ kẻ cả” của các nước Tây Âu sau một thời gian dài “bảo trợ về kinh tế” cho các nước Đông Âu.
Ông Branko Milanović, chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Serbia, nhận định: “Điều này xuất phát từ hơn 30 năm các nước Tây Âu luôn coi mình ở vị thế có thể “dạy dỗ” các nước Đông Âu. Bất kỳ khi nào Tây Âu nhắc đến Đông Âu, đó thường là những điều gì đó không mấy tốt đẹp kiểu như: “Hãy xem này, chúng tôi rất tuyệt còn các cậu thật tệ hại”. Nhưng rồi Covid-19 bùng phát và “những kẻ đi dạy dỗ” lại đang kiểm soát dịch bệnh tệ hơn nhiều so với “những người được dạy dỗ”.
Cùng chung quan điểm với ông Milanović, bà Veronica Anghel, chuyên gia khoa học chính trị người Romania hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng, các quốc gia Đông Âu “xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn về nỗ lực phòng chống Covid-19”.
“Nhiều quốc gia đã triển khai kịp thời các biện pháp phong toả chặt chẽ. Đây là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của họ. Hungary, Romania và Bulgaria khi đó dường như đã rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, bất kỳ trường hợp mắc Covid-19 mới nào cũng có thể khiến hệ thống y tế của họ sụp đổ”, bà Anghel nhận định.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo về khả năng xảy ra “làn sóng dịch bệnh” thứ 2 trong khu vực. Chính vì thế, nhiều quốc gia dù đã tạm thời nới lỏng lệnh phong toả nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới nhằm ngăn chặn hoặc ít nhất là cách ly người nước ngoài vào Đông Âu./.