Nghịch lý tại Nhật Bản: Tiên phong sản xuất robot nhưng tụt hậu trong giao dịch ngân hàng trực tuyến
Các ngân hàng Nhật Bản phải mất hơn 1 thế kỷ để ngừng sử dụng các công nghệ cũ kỹ. Trong các dịch vụ mở tài khoản hay rút tiền, người dân Nhật Bản không cần tới con dấu Hanko nữa.
Các công ty cho vay bắt đầu cho phép ngân hàng chuyển tiền hoặc thanh toán qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thay vì các phương pháp thủ công sử dụng mực, giấy như trước đây. Đối với giới trẻ tại Nhật Bản, sự thay đổi này quá muộn màng.
Tomoyuki Shiraishi, một công nhân xây dựng cho biết anh phải mang theo hanko và làm các thủ tục giấy tờ chỉ để rút tiền.
Sau khi “chậm chân” trong cuộc cách mạng fintech, các ngân hàng Nhật Bản đang nỗ lực “chạy đua” bằng cách cắt giảm giấy tờ, gia tăng hiệu suất và tuyển dụng các thế hệ trẻ.
Con dấu Hanko. Ảnh: Hanko Square.
Điển hình là Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) – công ty tài chính lớn nhất Nhật Bản. Công ty này bắt đầu thực hiện mở tài khoản mà không cần hanko hay sổ tiết kiệm, đồng thời, thay thế các giao dịch viên bằng hệ thống máy tính bảng và các bốt video.
Mục tiêu của MUFG là hỗ trợ khách hàng thích nghi với các nền tảng kỹ thuật số, từ đó, thực hiện nhiều giao dịch hơn thông qua các thiết bị điện tử cá nhân. 100 trên 500 chi nhánh tại Nhật Bản của MUFG sẽ chuyển đổi sang hình thức mới vào năm 2024. MUFG cũng có kế hoạch cắt giảm 1/2 chi nhánh.
Năm 2018, Resona Holdings bắt đầu cho phép khách hàng mở tài khoản mà không cần hanko tại 600 chi nhánh.
Thủ tướng Shinzo Abe đã soạn thảo một dự luật nhằm cung cấp thêm các dịch vụ chính phủ trực tuyến. Trước đó, MUFG mất tới 2 năm để thuyết phục 450 chính quyền địa phương thực hiện các khoản thanh toán thuế bằng hình thức trực tuyến.
Trong các lĩnh vực công khác, hanko vẫn được sử dụng nhiều.