Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng 'dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu': Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần

31/07/2022 09:44 AM | Xã hội

Ngỡ tưởng được bước sang một kỷ nguyên hiện đại mới, những lao động nghèo tại ngôi làng Gedamar lại đang phải loay hoay với khoản nợ đằng đẵng không hồi kết.

Nghịch lý cuộc cách mạng 'dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu'
Nghịch lý cuộc cách mạng 'dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu'

Ngay khi tấm pin năng lượng mặt trời được đặt lên mái của ngôi nhà gạch bùn tại Tanzania, anh Akida Saidi và vợ cảm thấy vô cùng thích thú. Họ nghĩ gia đình mình đã bớt khổ và chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên hiện đại mới.

Ở một nơi mà hầu hết người dân đều dùng cầu tiêu thay vì nhà vệ sinh và cày cuốc trên những cánh đồng ngô nứt nẻ, điện là một thứ gì đó quá xa vời đến từ thế kỷ 21. Chỉ cần chạm nhẹ vào công tắc, họ có thể thắp sáng cả căn bếp mà không còn lo đến cảnh cháy dầu hoả. Điện thoại cũng được sạc đầy ngay tại nhà thay vì phải cất công đi bộ lên thị trấn nhờ vả.

Hành trình được tiếp cận năng lượng mặt trời của vợ chồng anh Saidi bắt đầu từ năm 2015, khi một đoàn xe chở các nhân viên bán hàng của công ty Zola Electric tiến vào ngôi làng Gedamar. Hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla là một trong những cái tên đứng đằng sau hậu thuẫn Zola.

Zola Electric sau đó đã cung cấp cho Saidi và rất nhiều những gia đình khác một sáng kiến mới: vừa có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, lại vừa có thể tiết kiệm. Cụ thể, chỉ với một khoản trả trước nho nhỏ và phí đóng hàng tháng vô cùng hợp lý, người dân đã có thể được lắp đặt 3 bóng đèn, 1 cổng sạc điện thoại và 1 bảng điều khiển năng lượng mặt trời. Các nhân viên bán hàng hứa hẹn rằng trong 2 năm, combo này sẽ là của họ, còn đường điện thì được truyền miễn phí suốt đời.

Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu: Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần - Ảnh 1.

Anh Akida Saidi và vợ bên ngôi nhà gạch

“Từ khi có tấm pin năng lượng mặt trời, chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống mình sẽ thay đổi và trở nên hiện đại hơn, hệt như người dân ở những thành phố lớn”, vợ anh Saidi, chị Mwasiti Waziri nói, đồng thời cũng ái ngại rằng hàng xóm thường xuyên phàn nàn vì ánh sáng phản chiếu trên tấm pin gây chói mắt.

PAY-AS-YOU-GO

Kể từ khi thanh toán pay-as-you-go (paygo, tức dùng đến đâu trả tiền đến đó) bằng năng lượng mặt trời ra đời, đây được cho là sáng kiến hữu ích, giúp hàng trăm triệu người dân tại Châu Phi, Châu Á và Mỹ La-tinh được tiếp cận điện. Ban đầu, mô hình tín dụng vi mô được áp dụng, hệt như những gì nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus từng phổ biến vào những năm 1980. Tuy nhiên, sau đó, thay vì cung cấp các khoản vay nhỏ cho những lao động nghèo cần điện, paygo giúp họ chủ động hơn với từng hóa đơn của mình.

Giải pháp này đã trở thành “con cưng” của các ngân hàng phát triển và giới đầu tư, ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố sáng kiến Quyền lực Châu Phi trong chuyến công du hồi năm 2013, đồng thời kêu gọi các khu vực công và tư nhân cùng hợp tác để điện khí hóa 20 triệu ngôi nhà.

Ý tưởng này được hầu hết các chính phủ ủng hộ vì nó chuyển một phần chi phí cơ sở hạ tầng sang cho người tiêu dùng. Hơn nữa, vào thời điểm thế giới đang thức tỉnh trước những mối đe dọa của biến đổi khí hậu, paygo càng nhận được nhiều sự công nhận.

Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu: Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần - Ảnh 2.

Công ty Zola Electric được Tesla hậu thuẫn

Ngay sau đó, một thế hệ các công ty mới như D.light, Mobisol và Zola đã cam kết cung cấp điện cho những ngôi nhà trước đây không được tiếp cận mạng lưới năng lượng tái tạo với giá cả vô cùng phải chăng. Các cơ quan nhân đạo và Liên hợp quốc cùng vào cuộc, song song với rất nhiều các “ứng cử viên” nặng ký của Thung lũng Silicon, bao gồm người sáng lập EBay Pierre Omidyar và Elon Musk của Tesla. 

Theo Bloomberg NEF, ước tính khoảng 300 triệu USD đã được rót vào các công ty khởi nghiệp paygo năng lượng mặt trời vào năm 2020, tăng từ 19 triệu USD hồi năm 2013. Ngoài ra, hơn 8 triệu combo năng lượng mặt trời paygo đã được bán từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2021, theo Gogla, một tập đoàn thương mại công nghiệp năng lượng mặt trời không nối lưới. Ngày nay, khoảng 25 đến 30 triệu gia đình đã có thể sử dụng năng lượng thông qua hệ thống paygo.

NGHỊCH LÝ

Tuy nhiên, tại những nơi như làng Gedamar, thực tế lại không được như vậy.

Sự phát triển quá nhanh khiến paygo phải đối mặt với những thách thức khi các công ty cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể bằng cách cung cấp các khoản vay cho một số cộng đồng nghèo nhất trên thế giới. Do bản thân paygo là một sáng kiến mang tỷ suất lợi nhuận thấp, trong khi giới đầu tư và người cho vay thương mại lại mong muốn thu về lợi nhuận nhanh chóng, các công ty khởi nghiệp năng lượng theo đó phải chịu áp lực lớn vô cùng để đạt tốc độ phát triển. Các sản phẩm trở nên không đáng tin cậy, quảng cáo sai lệch và và thậm chí không có sự thẩm định. Theo Daniel Waldron, một chuyên gia về năng lượng mặt trời, hệ luỵ của tình trạng này là “một cái bẫy tín dụng”.

Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu: Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần - Ảnh 3.

Tấm pin mặt trời bên ngoài một căn nhà dành cho người tị nạn

Theo Bloomberg, đây bị coi là nghịch lý của cuộc cách mạng kinh tế thị trường năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời hiện là dạng năng lượng mới rẻ nhất trên thế giới, song chi phí hiện vẫn quá cao đối với những hộ gia đình cần nó nhất. Paygo có thể tạo ra sự khác biệt cho các chủ nhà trung lưu và doanh nghiệp nhỏ không muốn phụ thuộc vào lưới điện chung tại châu Phi, song lại không thành công trong việc giúp người nghèo tiếp cận điện trên quy mô lớn.

Theo Bloomberg Green, tại một số khu vực, các khoản vay vẫn chưa được thanh toán, trong khi người nợ liên tục gặp khó khăn. Do đại dịch, 43% khách hàng sử dụng dịch vụ paygo phải cắt giảm một số sinh hoạt phí để có thể duy trì dịch vụ. Một số đối thủ cạnh tranh của Zola và D.light thậm chí còn theo đuổi những đối tượng khách hàng dễ bị tổn thương nhất: dân tị nạn tại Rwanda hay Uganda.

Hai năm sau khi gia đình anh Saidi và chị Waziri được lắp tấm pin mặt trời, một đợt hạn hán khốc liệt đã khiến thu nhập của cặp vợ chồng này cạn kiệt và không đủ khả năng thanh toán 5,17 USD hàng tháng. Tấm pin năng lượng mặt trời cũng đã dừng hoạt động.

Sau một vài đêm phải sống trong bóng tối, họ được phép trả góp, đằng đẵng trong vòng 7 năm. Số tiền phải thanh toán giờ đã nhân lên gấp 10 lần giá hệ thống trước đó.

"Kiểu thanh toán không hồi kết này là gì vậy?" Waziri than vãn. “Họ đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của chúng tôi. Khi nào thì bi kịch này kết thúc?”.

Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu: Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần - Ảnh 4.

Chị Nyakong Yuot, 24 tuổi, một trong những người từng được trải nghiệm dịch vụ paygo

DÂN TỊ NẠN 

Khi mặt trời lặn, đa số 76.000 người tại Khu tị nạn Kiryandongo của Uganda không ra khỏi nhà nữa. Mỗi trại, rộng khoảng 24 mét vuông, được dựng lên vào năm 1990 như một nơi trú chân cho những người di cư từ nước láng giềng Nam Sudan. Ngày nay, hầu hết mọi người vẫn phải lấy nước từ giếng khoan, đường xá không được trải nhựa và tỷ lệ tội phạm luôn duy trì ở mức cao. Khoảng 80% là phụ nữ và trẻ em. Chỉ 15% có việc làm, theo thống kê của Liên hợp quốc.

Vào năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã rót vốn cho 3 công ty paygo nhằm cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà cho người dân tại trại. Dù khi đó, một số khu nhà ở dành cho người tị nạn ở châu Phi và các khu vực khác đang dựa vào lưới điện năng lượng mặt trời tập trung do hợp tác xã điều hành, chương trình thử nghiệm ở Kiryandongo vẫn được coi là nỗ lực quan trọng để điện khí hóa các ngôi nhà riêng lẻ.

Dù đã đạt được một số thành công nhất định, song các công ty paygo cho biết dân tị nạn thường không có khả năng chi trả các hóa đơn điện, thậm chí còn công khai chỉ trích chính sách do các nhóm hỗ trợ dân tị nạn thực hiện.

Vào năm 2019, BrightLife, Fenix International và SolarNow đã mở thêm các đại lý bán hàng và quảng cáo paygo tại Kiryandongo và một trại khác ở Uganda. Tuy nhiên, do thu nhập khá thấp và thất thường, nhiều người dân tị nạn không có kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính, theo Mugwanya, người điều hành chương trình thí điểm của BrightLife.

“Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn ở đây, đó là chuột sẽ nhai đứt dây điện”, Mugwanya nói.

Nghịch lý ở nơi có cuộc cách mạng dùng điện bao nhiêu trả bấy nhiêu: Dân nghèo trả góp 7 năm, tiền đội giá lên gấp 10 lần - Ảnh 5.

Một thiết bị cung cấp điện mặt trời

Bloomberg lấy câu chuyện của chị Nyakong Yuot làm ví dụ. Yuot, 24 tuổi, vô cùng hào hứng trước cơ hội được dùng ánh sáng mặt trời để thắp sáng ngôi nhà nhỏ, nơi cô cùng 4 đứa con và 10 người khác nữa đang sinh sống. Cô đăng ký với Fenix vào năm 2020, trả tiền cho 2 bóng đèn và 1 bộ sạc điện thoại. Yuot cho biết, khi đó phía đại lý không hề đưa ra bất kỳ bản hợp đồng thanh toán nào, trong khi những nhân viên tư vấn chỉ chăm chăm thu khoản phí 8,44 USD thay vì tập trung giải thích cặn kẽ cho cô.

Sau đó, nhờ có điện, các con cô có thể học vào ban đêm, Yuot có thể sạc điện thoại mà không cần đi bộ lên thị trấn, và may mắn nhất, ánh sáng khiến các tên trộm không còn manh động như trước

Tuy nhiên, khoản phí hơn 8 USD hàng tháng chiếm tới hơn 3/4 tiền lương của Yuot. Fenix sau đó quyết định cắt điện. Đại diện công ty cho biết họ không còn tìm thấy khách hàng có tên Nyakong Yuot trong cơ sở dữ liệu của mình nữa và rằng chỉ ưu tiên những khách hàng có đủ khả năng mua sản phẩm.

Tính đến năm 2020, chỉ có khoảng một nửa số những người tị nạn có thể hoàn tất các khoản thanh toán với paygo, theo một báo cáo của USAID. BrightLife sau đó đã thu hồi 190 trong số 1.095 hệ thống năng lượng mặt trời đã lắp đặt xung quanh trại tị nạn và quyết định chuyển sang bán hàng bằng tiền mặt. Fenix thì ngừng cung cấp hoàn toàn các dịch vụ với lý do tỷ lệ vỡ nợ cao và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, theo đại diện USAID, chương trình thử nghiệm vẫn tạo ra 4.000 kết nối điện mới cùng 285 việc làm, bất chấp những khó khăn về tài chính.

Về phần Yuot, cô cho biết các con của cô giờ đây không còn có thể học vào buổi tối nữa, còn cô lại tiếp tục đau đầu với nạn trộm cắp.

“Tôi làm tất cả những gì cần thiết vào đầu ngày và đi ngủ trước khi trời tối,” cô nói. "Trong trường hợp cần ánh sáng, tôi sẽ sử dụng đèn pin từ chiếc điện thoại của mình."

Theo: Bloomberg

Huệ Anh

Từ khóa:  điện
Cùng chuyên mục
XEM