Nghịch lý một startup vận chuyển Hàn Quốc giữa mùa dịch Covid-19: Đơn hàng tăng vọt, nhưng càng làm nhiều càng lỗ

05/03/2020 10:16 AM | Kinh doanh

Lịch sử tài chính của startup Coupang của Hàn Quốc cho thấy đơn đặt hàng càng nhiều, họ càng thua lỗ nhiều.

Khi số trường hợp nhiễm virus corona ở Hàn Quốc vượt 5000 vào tuần này, các công nhân đeo khẩu trang tại trung tâm vận chuyển của Coupang đang khử trùng và chất hàng nghìn gói hàng lên các xe tải.

"Trước đây, nhiều xe rời đi với thùng hàng chỉ chứa đầy một nửa nhưng những ngày này có quá nhiều thứ cần chuyển đi nên thậm chí có những hộp bị bỏ lại vì xe tải quá đầy", Jung Im-hong – một lái xe hợp đồng 27 tuổi nói.

Dù là trước dịch bùng phát, Hàn Quốc cũng kỳ vọng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 thế giới trong năm nay chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Hiện tại, khi công ty đang trở thành điểm nóng dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc thì việc chuyển sang mua sắm online trở nên cấp thiết hơn.

Coupang – startup đã nhận được khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD từ Softbank và quỹ Vision Fund đã đạt lượng đơn vận chuyển lên tới 3 triệu đơn mỗi ngày kể từ trung tuần tháng 2 so với mức 2,2 triệu mỗi ngày vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, việc tăng đơn đặt hàng hầu hết là đối với những hàng hóa có biên lợi nhuận thấp như thiết bị gia dụng, đồ ăn tươi. Đây có thể là con dao 2 lưỡi với công ty trong bối cảnh chi phí giao hàng tăng mạnh, khiến công ty này có khả năng rơi vào hố sâu và không thể đạt đến mục tiêu có lãi.

"Tình hình rất khó khăn, có quá nhiều đơn hàng cần vận chuyển", Yoo Min-hyuck – một chuyên gia nhận định.

Với mỗi ca, trung tâm này hiện sử dụng 100 nhân viên bán thời gian – tự sử dụng xe ô tô của họ để xử lý hàng hóa trong khi trước đây, chỉ cần đến một nửa số đó.

Tăng trưởng càng mạnh, thua lỗ càng nhiều

Được thành lập bởi một cựu sinh viên Harvard 41 tuổi là Bom Kim, Coupang đã nổi lên bằng dịch vụ "Rocket Delivery" với hứa hẹn rằng sẽ chuyển hàng trong vòng 24 giờ và có thỏa thuận tốt với những hãng bán lẻ lớn trong nước gồm Shinsegae và Lotte.

Thời điểm nhận khoản đầu tư 2 tỷ USD của Vision Fund vào cuối năm 2018, Coupang được định giá ở mức 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, lịch sử của Coupang cho thấy càng bán được nhiều, họ càng thua lỗ nhiều. mặc dù doanh thu tăng 65% lên mức 4,4 nghìn tỷ won trong năm 2018 nhưng thua lỗ cũng mở rộng tới 72% lên mức 1,1 nghìn tỷ won.

Và những đối thủ lão làng như Shinsegae cũng không ngồi yên, họ sở hữu chuỗi cửa hàng E-Mart lớn nhất của nước và năm ngoái họ đã thiết lập một mảng thương mại điện tử và trung tâm logistic.

Coupang cũng phải cạnh tranh với eBay tại Hàn Quốc và cổng tìm kiếm điện tử Naver vốn hợp tác với nhiều trung tâm thương mại trực tuyến để trở thành đơn vị dẫn đầu tại thị trường thương mại điện tử.

Sự cạnh tranh với những đối thủ có nguồn tài chính mạnh là một trận chiến khó khăn với Coupang, theo Han Tae-il – chuyên gia phân tích.

"Với Coupang để tiếp tục sống, họ cần được rót nhiều vốn hơn".

Công ty từ chối đưa ra bình luận về vấn đề khi nào họ có thể đạt đến điểm hòa vốn hay khi nào cần đến vòng gọi vốn tiếp theo. Khi được hỏi về kế hoạch IPO, người đại diện của công ty nói rằng Coupang không có kế hoạch chắc chắn về việc IPO trong thời điểm này.

Tuy nhiên có một điều rõ ràng là dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng chưa từng có đến thị trường thương mại điện tử tại châu Á – nơi hàng triệu người đang phải làm việc tại nhà để tránh dịch.

"Nó gây ra sự căng thẳng cho thị trường thương mại điện tử cũng như những nhà cung cấp các hàng hóa hàng ngày", theo Jared Conway – chủ tịch hãng nghiên cứu Euromonitor Internatonal.

Nhu cầu đã tăng vọt đặc biệt là tại Daegu – nơi được coi là tâm điểm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. Tại đây người giao hàng thường nhận được những lời nhắn cảm ơn và đôi khi là một món quà từ khách hàng.

Một shipper của Coupang là Jung lau mồ hôi trên trán sau khi bê những thùng nước lên xe tải, anh nói rằng chỉ tập trung vào chuyển đồ cần thiết cho những người bị cách li tại nhà mặc dù vợ anh rất lo lắng vì cả 2 mới có con.

"Khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi rất nhiều bởi họ không thể rời khỏi nhà. Tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn cho họ nếu không có dịch vụ giao hàng trong ngày".

Nghịch lý một startup vận chuyển Hàn Quốc giữa mùa dịch Covid-19: Đơn hàng tăng vọt, nhưng càng làm nhiều càng lỗ - Ảnh 1.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM