Nghỉ việc tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ sau 1 năm gắn bó, Huyền Chip chia sẻ 4 bí kíp sinh tồn nơi công sở dành cho sinh viên mới ra trường
4 bài học mà Huyền Chip chia sẻ đều là những gì cô đã tự mình trải qua, học hỏi và đúc rút sau thời gian được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp như NVIDIA.
Huyền Chip là một gương mặt quen thuộc đối với người trẻ Việt. Cô được biết đến là tác giả cuốn sách đình đám "Xách ba lô lên và đi" - được quảng bá là "cô gái đi 25 nước với 700 đôla" - từng là quả bom truyền thông vào năm 2013.
Năm 2014, cô bất ngờ thông báo mình sẽ sang Mỹ du học. Năm 2018, Huyền Chip cùng lúc nhận bằng đại học và thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp, cô đã được nhận vào làm tại NVIDIA - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động.
Tuy nhiên, mới đây, trên trang Facebook cá nhân của mình, Huyền Chip đã thông báo mình sẽ chia tay nơi làm việc lý tưởng này sau 1 năm gắn bó. Và cô cũng không quên chia sẻ lại những bài họ quý mình tiếp thu được trong thời gian làm việc tại đây:
1. Đồng nghiệp
Trước khi đi làm, tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng mình có thể tiếp tục đem cuộc sống thường ngày của mình từ đại học vào thế giới thực - tức là bạn bè của tôi vẫn sẽ chỉ sống cách tôi 5 phút đi bộ và sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào tôi cần.
Nhưng thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều. Một vài người bạn thân nhất của tôi chuyển đến nơi ở mới, một số khác ở lại nhưng vì công việc, "cơm áo gạo tiền" nên chúng tôi cũng chẳng mấy khi gặp nhau.
Những lúc chán nản nhất, đồng nghiệp tại nơi làm việc là những người đã bước vào cuộc đời tôi và lấp đầy khoảng trống.
Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ tới điều này. Chẳng phải cuộc sống cá nhân vốn không nên liên quan đến công việc hay sao? Còn tôi - một sinh viên mới ra trường - lại may mắn tìm thấy 2 thứ quan trọng từ những người đồng nghiệp: tình bạn và sự hỗ trợ.
1.1. Những người bạn
Khi mới đi làm, tôi quan sát thấy đồng nghiệp của mình hầu hết đã kết hôn và có con, vì thế họ cũng chẳng có thời gian để quan tâm mấy nỗi hoang mang của một đứa vừa ra trường như tôi. Tuy nhiên, sau đó, tôi tìm thấy một nhóm những người bạn cùng chung nỗi hoang mang với mình và chúng tôi đã ăn trưa hàng ngày cùng với nhau. Cuối tuần, chúng tôi cùng nhau chơi game, ăn BBQ và tổ chức tiệc đại gia.
Vài người trong số đó thực sự trở thành bạn của tôi thay vì chỉ đơn thuần là đồng nghiệp. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì cuộc sống hay công việc nhưng có thêm bạn bè để tin tưởng, tâm sự khiến cuộc sống của tôi trở nên khác biệt.
1.2. Những người hỗ trợ
Một đồng nghiệp đi trước đã vô cùng nhiệt tình quan tâm và hướng dẫn cho tôi từ cách viết báo cáo, chỉ bảo văn hoá công sở cho đến việc nhỏ như là chọn giày chống nước nào để đi. Tôi ước mình chủ động nhiều hơn khi học hỏi từ anh ấy.
Nhưng tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người không có người hướng dẫn khi lần đầu tiên đi làm đầu tiên. Không phải họ không muốn, mà bởi họ chưa bao giờ mở miệng hỏi. Khi mới đi làm, bạn nên chọn một đồng nghiệp cũ để chơi cùng nếu bạn thấy họ hoà đồng và hi vọng họ có thể trở thành người hướng dẫn bạn sau này. Nếu họ từ chối lời đề nghị, bạn có thể thử với một người khác. Hầu hết mọi người đều sẵn lòng nhận lời mời vì đó là một sự hãnh diện đối với những tiền bối. Mỗi tháng một lần, bạn trò chuyện cùng họ về việc bạn đang làm cũng như hiểu công việc họ làm và mời họ đánh giá về quá trình tiến bộ của bạn. Sếp của bạn cũng có thể là cố vấn nhưng tốt hơn hết, họ nên đưa ra những ý kiến khách quan.
Tôi đã tiếp thu được bài học này từ những chuyến đi đầu thập kỉ: "Du lịch không quan trọng bạn đi đâu mà là bạn đi cùng ai". Và đến cuối thập kỉ này, tôi lại một lần nữa học được rằng: "Làm ở đâu không quan trọng. Làm gì không quan trọng. Làm được bao nhiêu tiền không quan trọng. Quan trọng là bạn làm việc cùng ai".
Bài học rút ra:
- Tìm được một nhóm đồng nghiệp có những người cùng trải qua những tình huống sống, giai đoạn sống với bạn.
- Mời một đồng nghiệp trở thành cố vấn cho bạn.
2. Sự tiến bộ
Ở trường, chúng ta biết cách đo lường sự tiến bộ qua từng năm học và chuyển sang năm kế tiếp. Nếu bạn trượt một môn thi, bạn sẽ nhìn lại xem mình cần ưu tiên những gì để cải thiện. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã từng giữ một nỗi sợ rằng mình sẽ tiếp tục đưa ra những lựa chọn tồi tệ cho cuộc sống và không biết giải quyết thế nào cho đến khi nó quá muộn.
Để tránh trường hợp xấu xảy ra, tôi cần 3 thứ:
- Những mục tiêu rõ ràng
- Một phương pháp đánh giá xem mình có đạt được những mục tiêu đó hay không
- Một hệ thống cảnh báo sớm mỗi khi tôi đi chệch hướng
Mục tiêu của tôi tập trung vào 3 điều chính:
- Trở thành một kĩ sư giỏi hơn
- Trở thành một người viết tốt hơn
- Tối đa hoá lựa chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai
Trong công việc, tôi dùng cấu trúc bên trong và vòng phản hồi thông tin của NVIDIA là thước đo đánh giá sự tiến bộ. Quản lý của tôi rất tận tình chỉ dẫn tôi cần cải thiaanj những gì và đã cố gắng như thế nào. Nếu sếp của bạn không làm vậy, bạn nên nói chuyện 1:1 với họ về những định hướng nghề nghiệp trong và ngoài công ty, về thời gian để một người với nền tảng như bạn có thể tiến bộ hơn.
Tôi cũng đã hỏi người quản lý của mình những lỗ hổng trong kỹ năng và kiến thức công việc mà anh ấy nghĩ tôi nên tập trung vào. Hầu hết mọi người sẽ luôn tử tế nói với bạn rằng bạn đang làm một công việc tuyệt vời, vì vậy bạn cần đặt những câu hỏi theo cách khuyến khích họ trả lời trung thực. Điều đó khá quan trọng. Khi bạn nhận được câu trả lời rồi, hãy chấp nhận nó với một thái độ biết ơn, ngay cả khi đó là điều mà bạn không muốn nghe.
Tôi hay tâm sự chuyện của mình với Paul Warren, một trong những người bạn thân nhất của tôi. Tháng 6 năm ngoái, tôi đã kể với anh ấy những gì mình làm và anh ấy nói với tôi: "Cô bạn, tôi đã biết bạn 5 năm rồi và chưa bao giờ tôi thấy bạn kém năng suất như thế này". Một số người có thể thấy điều này khó nghe, nhưng tôi lại cảm thấy những lời của cậu ấy thật dễ chịu. Nhờ đó, tôi đã xem xét lại cách mình đã dùng thời gian, đánh giá lại các việc ưu tiên của mình và cải thiện các thói quen xấu.
Nhận ra những cuộc trò chuyện như vậy rất hữu ích với cả hai chúng tôi, Paul và tôi quyết định sau mỗi hai tuần, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để đảm bảo rằng chúng tôi đang làm những gì chúng tôi nói sẽ làm. Chúng tôi muốn giúp nhau sống tốt hơn, không chỉ riêng mỗi làm việc tốt hơn, vì vậy chúng tôi kể về mọi thứ từ công việc đến các mối quan hệ. Thật yên tâm khi có một người để bạn đặt tin tưởng, luôn theo dõi sự tiến bộ của bạn trong cuộc sống để đảm bảo bạn đã đi đúng hướng. Tôi rất vui vì có Paul luôn đồng hành.
Bài học rút ra:
- Xác định mục tiêu rõ ràng.
- Nói chuyện trực tiếp với sếp của bạn để biết định hướng công việc trong tương lai của bạn.
- Có một người bạn đồng hành để cùng nhau tiến bộ.
3. Xây dựng thói quen
Khi còn đi học, tôi ghét thời gian biểu của mình vì tuần nào cũng giống tuần nào. Học kì nào cũng chỉ xoay quanh thi cử và deadline. Tôi luôn ngóng đợi ngày ra trường để có thể ngủ nướng bất cứ lúc nào.
Là một kĩ sư phần mềm của một tập đoàn công nghệ lớn, tôi được tự do sắp xếp lịch trình trong ngày của mình. Hầu hết các công ty ở đây đều không quan tâm bạn làm việc ở đâu và khi nào, miễn là bạn hoàn thành công việc. Khi mới đi làm, tôi đã tận dụng điều này triệt để: muốn ngủ nướng, tôi sẽ ngủ thêm và làm việc bù giờ vào cuối ngày; ngại thay đồ, tôi sẽ chọn ở nhà làm việc.
Tôi thích điều đó nhưng tôi nhận ra mình chẳng làm xong được việc gì. Càng có nhiều thời gian, tôi càng mất nhiều thời gian để đắn đo, phân vân. Tôi mất nhiều giờ để lên kế hoạch. Khi nào cảm thấy buồn chán, tôi lại vô tư chuyển sang việc khác khi chưa hoàn thành việc cũ. Thời gian ngủ của tôi cũng bất thường, tôi cảm thấy khó ngủ và luôn mệt mỏi.
Sau đó, tôi quyết định làm một điều mà chưa bao giờ nghĩ tới: thói quen hàng ngày. Mỗi ngày, tôi đi làm, trở về nhà và ngủ vào những khung giờ giống nhau. Việc lên các kế hoạch cũng dễ hơn. Giấc ngủ được cải thiện. Bản thân tôi tự thấy mình sống quy củ và làm việc năng suất hơn. Tôi thậm chí còn dành được 40 phút mỗi ngày trên đường trở về nhà để đọc sách. Không kiểm tra email, không lướt mạng xã hội, không kiểm tra code. Đó là điều quý giá nhất trong vũ trụ nhỏ của riêng tôi.
Khi tôi tâm sự với bạn bè về việc thay đổi thói quen sống hằng ngày, tôi cũng nhận ra rằng bạn bè mình đánh giá cao tầm quan trọng của thói quen trong cuộc sống của họ. Có người bạn nói với tôi rằng anh ấy chọn sống xa nơi làm việc để duy trì thói quen bắt xe bus mỗi ngày. Người bạn khác nói rằng xây dựng thói quen giúp anh ấy cảm thấy an yên - điển hình 9h sáng mỗi ngày là thời điểm anh ấy uống một cốc latte. Thói quen giúp chúng ta dễ dàng hoàn thành các nhiệm vụ trong ngày, dành năng lượng tinh thần cho những thứ quan trọng hơn.
Bài học rút ra:
- Đi ngủ cùng một khung giờ mỗi ngày.
- Dành thời gian cho điều bạn thích làm để có động lực mỗi ngày.
- Đừng quên tập thể dục.
4. Giá trị bản thân
Thời gian gần đây, tôi đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời với một người bạn tôi gặp trong bữa tối tập thể. Khi tôi kể lại với bạn thân, cô ấy đã hỏi rằng: "Anh ấy làm nghề gì vậy?". Tôi không biết vì tôi không hỏi.
Tôi chỉ cảm thấy hơi phiền nếu điều đầu tiên chúng ta gặp ai đó là luôn yêu cầu nhau nói về công việc hay nơi làm việc. Trong vòng 2 phút gặp gỡ, chúng ta sẽ biết được toàn bộ tiểu sử sự nghiệp của đối phương: họ đang làm việc ở đâu, họ đã làm gì trước đó, họ học trường nào.
Tôi thấy điều này làm giảm giá trị bản thân của mỗi người. Chúng ta cảm thấy mình lười-dần-đều khi không muốn làm quen với bất cứ ai vì tự cho phép mình hình thành khuôn mẫu về họ thông qua công việc.
Trên hết, nếu chúng ta tiếp tục giới thiệu bản thân bằng công việc, chúng ta sẽ để công việc định nghĩa mình. Và, nếu công việc không đạt thành tựu hoặc đang thất nghiệp, chúng ta lại cảm thấy như không có gì.
Nếu không nói về công việc thì chúng ta nói gì khi gặp nhau? Về nhiều thứ khác.
Tôi muốn biết người đối diện của tôi đang nghĩ gì, họ đang gặp vấn đề gì, điều gì họ thấy đang bị đánh giá thấp, loại công nghệ/sách/phim/nhạc làm thay đổi quan điểm của họ... Mục tiêu của tôi khi gặp gỡ ai đó là để tìm hiểu những điều họ biết còn tôi thì chưa.
Tôi cũng sử dụng cơ hội này để có được góc nhìn mới về những gì tôi đang nghĩ. Nếu đang suy nghĩ về các buổi phỏng vấn liên quan đến lĩnh vực học máy, tôi sẽ hỏi họ về kinh nghiệm tuyển dụng với tư cách là một ứng viên và một người phỏng vấn. Nếu liên quan tới việc viết lách chủ đề kỹ thuật, tôi sẽ hỏi họ về quá trình viết và những ví dụ đáng học tập.
Tất nhiên, việc mở lời bắt đầu một cuộc trò chuyện thú vị không dễ dàng, vì thế bạn cần hỏi đúng để thu hút họ. Đó là một kỹ năng mà tôi vẫn đang học hỏi và luyện tập. Đôi khi, tôi thất bại khi trò chuyện và mọi người nghĩ tôi là một kẻ lập dị. Nhưng những lần thành công đều cho tôi một khoảng thời gian tuyệt vời, học hỏi những được điều mới, thậm chí có được một người bạn mới.
Tôi muốn nhắc nhở thêm rằng sự nghiệp của bạn không chỉ là mỗi công việc của bạn. Nhiều cơ hội tôi nhận được lại đến từ những lĩnh vực ngoài công việc của mình - họ biết tôi từ các dự án nhỏ, các công ty mời tôi đến nói chuyện về một chủ đề mà tôi đã viết. Tôi tách biệt rõ ràng giữa công việc với những gì tôi làm cho bản thân mình, tôi tận dụng thời gian ngoài công việc để làm những gì mình quan tâm. Khi bạn có một sự nghiệp ngoài công việc, bạn sẽ có nhiều đòn bẩy hơn trong công việc, giúp bạn linh hoạt hơn trong công việc.
Bài học rút ra:
- Hiểu đối phương thông qua giá trị con người, không phải qua công việc. Kết bạn chứ không chỉ thêm bạn xã giao.
- Dù lương hậu hĩnh đến đâu, bạn vẫn nên "bán rẻ" thời gian của mình so với giá trị thực. Hãy dành thời gian riêng cho chính mình.
- Làm dự án bên ngoài.
- Xây dựng sự nghiệp bên ngoài công việc chính.