Nghi ngờ, bối rối, khủng hoảng: Tham vọng vũ trụ ảo tỷ USD của Mark Zuckerberg liệu sẽ đi đến đâu?

10/10/2022 11:13 AM | Kinh doanh

Sóng ngầm đang trỗi dậy trong nội bộ Meta khi Mark Zuckerberg tốn hàng tỷ USD cho vũ trụ ảo nhưng chưa đem lại kết quả đáng kể nào.

Vào tháng 10 năm ngoái, CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố với cả thế giới về việc thành lập công ty mẹ Meta của Facebook và chuyển hướng tập trung sang phát triển mảng vũ trụ ảo. Nhà sáng lập này đã vạch ra 1 tương lai mà hàng tỷ người dùng sẽ tương tác trên môi trường ảo, từ lao động, tương tác xã hội cho đến giải trí.

Đã 1 năm trôi qua và Meta cũng đã tốn hàng tỷ USD cùng hàng nghìn nhân viên nhằm hiện thực hóa giấc mơ của Facebook. Thế nhưng theo tờ New York Times (NYT), những nỗ lực này của Meta đang gặp nhiều khó khăn.

Trò chơi mang tính biểu tượng của Meta trên vũ trụ ảo, Horizon Worlds, vẫn chỉ là một mớ hỗn độn và chẳng mấy ai biết đến. Thậm chí hãng đã phải tuyên bố khóa trò chơi này nhằm nâng cấp chất lượng ứng dụng từ nay đến hết năm.

Nghi ngờ, bối rối, khủng hoảng: Tham vọng vũ trụ ảo tỷ USD của Mark Zuckerberg liệu sẽ đi đến đâu? - Ảnh 1.

Không dừng lại ở đó, nhiều nhân viên Meta bắt đầu phàn nàn về chiến lược chuyển đổi của công ty bởi chúng có vẻ liên quan đến những ý tưởng bất chợt của nhà sáng lập Mark Zuckerberg hơn là một kế hoạch đã được nghiên cứu bài bản, dài hơi.

Trong khi đó, một số nhà quản lý của công ty thì lắc đầu ngao ngán về hiệu quả hãng tỷ USD đầu tư của Meta vào dự án mới. Tờ NYT cho biết một giám đốc cấp cao giấu tên đã phàn nàn rằng số tiền công ty chi cho những dự án đầy rủi ro lớn đến mức ông này phải "buồn nôn".

Cũng theo NYT, sự bối rối của Meta trong quá trình chuyển đổi hướng kinh doanh, tìm kiếm nguồn thu mới đã được thể hiện rõ qua hàng loạt bài phỏng vấn với những nhân viên và cựu nhân viên công ty. Phần lớn những người này đều giấu tên vì các điều khoản bảo mật trong hợp đồng lao động.

Nghi ngờ

Tờ NYT cho biết sự cuồng nhiệt của Mark Zuckerberg cho vũ trụ ảo đã khiến nhiều nhân viên Meta nghi ngờ sau 1 năm phát triển, tốn vô số tiền bạc nhưng chưa thực sự đem lại nhiều kết quả.

Nhà sáng lập Facebook từng yêu cầu nhân viên tổ chức những cuộc họp trong ứng dụng vũ trụ ảo Horizon Workrooms của Meta. Thế nhưng nhiều nhân viên của hãng lại chẳng sở hữu bộ kính thực tế ảo VR nào hoặc thậm chí là còn chưa tải ứng dụng. Hệ quả là mọi người phải nháo nhào đi mua và cài đặt trước khi bị các quản lý bắt lỗi.

Trong cuộc khảo sát vào tháng 5 của hãng Blind, chỉ 58% số nhân viên Meta hiểu được chiến lược vũ trụ ảo của công ty là như thế nào. Phần lớn mọi người đều bất an về những thay đổi chính sách gần đây cũng như sự dịch chuyển ưu tiên của nhà sáng lập Mark Zuckerberg.

Nguồn tin của NYT cho biết thậm chí nhân viên Meta giờ đây còn nhạo báng dự án chủ chốt của vũ trụ số trong công ty, MMH, trở thành "Make Mark Happy" (Làm cho Mark vui vẻ).

Theo tờ The Times, Phó chủ tịch Vishal Shah chịu trách nhiệm mảng vũ trụ số của Meta đã đăng tải trên bản tin nội bộ vào tháng 9/2022, bày tỏ sự thất vọng về việc có quá ít nhân viên công ty dùng Horizon Worlds.

Nghi ngờ, bối rối, khủng hoảng: Tham vọng vũ trụ ảo tỷ USD của Mark Zuckerberg liệu sẽ đi đến đâu? - Ảnh 2.

Trong bài viết, ông Shah đã yêu cầu các cấp quản lý theo dõi việc nhân viên sử dụng Horizon Worlds cũng như nhận định việc thử nghiệm công nghệ mới của Meta là điều cấp thiết.

"Tại sao chúng ta lại không yêu quý chính sản phẩm mà mình đã xây dựng thông qua việc dùng thử chúng liên tục nhỉ? Nếu chính chúng ta không yêu chúng thì làm sao có thể thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm?", ông Shah viết.

Với việc Meta đang gặp khó khăn khi phát triển vũ trụ ảo thì một số ý tưởng đã được đưa ra nhằm phổ biến công nghệ mới này trở nên gần gũi hơn. Vào mùa hè năm 2022, 3 nhân viên Meta đã đưa ra ý tưởng quảng bá kính thực tế ảo VR thông qua những sinh viên được nhận hỗ trợ học phí từ chương trình cứu trợ của Tổng thống Joe Biden.

Tờ The Times cho biết, những người đưa ra ý tưởng này tin rằng chúng có thể thúc đẩy 20% doanh số ban kính thực tế ảo cho Meta.

Tốn kém

Trong khi một số nhân viên cố gắng tìm hướng giải quyết thì một số khác lại phản đối hướng đi của Mark Zuckereberg. Một trong số đó là Cựu giám đốc công nghệ John Carmack của Oculus, hãng phát triển kính thực tế ảo VR đã được Meta mua lại năm 2014 với giá 2 tỷ USD. Hiện ông vẫn đang làm cố vấn bán thời gian cho Meta.

Vào tháng 8/2022, ông Carmack đánh giá việc dự án phát triển kính thực tế ảo của Meta thua lỗ tới 10 tỷ USD trong năm ngoái đã khiến ông "buồn nôn", nhất là khi nghĩ đến lượng tiền mà công ty đổ vào mảng này.

Theo Carmack, Meta đã gặp nhiều trở ngại đến từ sự quan liêu trong bộ máy cồng kềnh, rồi những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của người dùng, khiến họ không sử dụng được hiệu quả nguồn tiền khổng lồ để cho ra kết quả tốt nhất.

Nghi ngờ, bối rối, khủng hoảng: Tham vọng vũ trụ ảo tỷ USD của Mark Zuckerberg liệu sẽ đi đến đâu? - Ảnh 3.

Nguồn tin của tờ The Times cũng cho thấy ông Carmack đã chỉ trích bộ kính thực tế ảo VR thế hệ mới của Meta khi cho rằng việc phải cập nhật phần mềm rồi mới dùng được thiết bị, qua đó tốn thêm chi phí, sẽ đem đến trải nghiệm tồi tệ cho người dùng.

Những chỉ trích của ông Carmack nhắm thẳng tới giám đốc công nghệ Andrew Bosworth chuyên chịu trách nhiệm mảng kính thực tế ảo VR của Facebook trong nhiều năm qua và là người thân cận với nhà sáng lập Mark Zuckerberg.

Theo ông Carmack, Meta nên ưu tiên đến trải nghiệm của người dùng hơn là tiếp cận theo hướng cơ hội kinh doanh với công nghệ mới này.

Đáp trả, nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã đăng tải trên bảng tin nội bộ rằng: " Hãy cùng chung tay làm hoặc đứng sang 1 bên".

Trong cuộc phỏng vấn tháng 6/2022 với hãng tin Reuters, tỷ phú Mark Zuckerberg đã nhấn mạnh rằng một số người trong công ty đáng lẽ không nền ở lại và nhà sáng lập này sẽ hành động mạnh tay để đạt được mục tiêu mà mình hướng tới.

Kể từ đó đến nay, Meta đã tạm ngừng tuyển dụng, cắt giảm ngân sách cho một số dự án và đích thân Mark Zuckerberg đã yêu cầu quản lý rà soát các nhân viên có thành tích làm việc kém.

Nguồn tin của NYT cho biết trước áp lực này, ngày càng nhiều nhân viên Meta bắt đầu sử dụng Horizon Workrooms, thế nhưng hiệu quả thì quá tệ. Đích thân giám đốc công nghệ Bosworth đã tổ chức họp với nhân viên thông qua ứng dụng vũ trụ ảo này vào đầu năm nay nhưng do lỗi kỹ thuật, họ đã phải chuyển qua dùng Zoom.

Tương lai mờ mịt

Sắp tới đây, Meta được cho là sẽ ra mắt bộ sản phẩm kính vũ trụ ảo VR mới cùng nhiều tính năng khác được phát triển cho mảng này. Tuy nhiên, cái giá của sự phát triển này là đà suy giảm của những mảng kinh doanh khác.

Đối thủ mà Mark Zuckerberg nhắc tới, Tiktok đã thu hút bớt người dùng trẻ khỏi các ứng dụng Facebook và Instagram, vốn là 2 cây rụng tiền chính của Meta. Trong khi đó, Apple cũng thay đổi chính sách bảo mật thông tin người dùng khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới mất hàng tỷ USD quảng cáo.

Nghi ngờ, bối rối, khủng hoảng: Tham vọng vũ trụ ảo tỷ USD của Mark Zuckerberg liệu sẽ đi đến đâu? - Ảnh 4.

Trong năm vừa qua, cổ phiếu của Meta đã mất gần 60% giá trị khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào Mark Zuckerberg. Cuối tháng 9/2022, Meta đã phải tuyên bố tạm ngừng tuyển dụng nhân viên, đồng thời nhà sáng lập Mark cũng cảnh báo khả năng sa thải bớt lao động thời gian tới.

"Áp lực trong năm 2022 lên Meta là vô cùng rõ ràng. Rủi ro lớn nhất hiện nay của Mark Zuckerberg là những tiên đoán về tương lai vũ trụ ảo hoàn toàn đúng, nhưng thời điểm diễn ra tương lai đó thì xa hơn dự tính", chuyên gia Matthew Ball về vũ trụ ảo, người từng cố vấn cho Mark Zuckerberg nói.

Bất chấp những nghi ngờ, người phát ngôn Andy Stone của Meta vẫn tin tưởng công ty đang đi đúng hướng.

"Nghi ngờ về những công nghệ đổi mới thì dễ lắm, nhưng thực sự xây dựng được chúng mới khó và chúng tôi thì đang làm điều đó bởi chúng tôi tin rằng vũ trụ ảo sẽ là tương lai của ngành công nghệ máy tính", ông Stone nói.

Cách đây 10 năm, nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã thành công chuyển hướng tập trung bào smartphone thay vì máy tính cá nhân cho mạng xã hội Facebook. Thành công này đã gây dựng nên mạng xã hội lớn nhất ngày nay và khi Mark một lần nữa tuyên bố chuyển hướng vào năm ngoái, nhiều người đã tin tưởng.

Trên thực tế, Meta đã đi trước so với đối thủ ở một số khía cạnh. Họ phát triển thành công kính thực tế ảo VR mang tên Quest 2. Đây là sản phẩm kính thực tế ảo nổi tiếng nhất trên thị trường với hơn 15 triệu bộ đã được bán.

Theo thống kê của hãng phân tích Sensor Tower, ứng dụng Oculus VR của Meta đã đạt hơn 21 triệu lần tải trên cả nền tảng iOS lẫn Android.

Vậy những theo NYT, thành công của Meta sẽ phải dựa trên khả năng đưa công nghệ mới này đến nhiều người hơn nữa. Vào tháng 2/2022, Meta cho biết trò chơi Horizon Worlds của họ đã đạt tới 300.000 người chơi mỗi tháng, tăng đáng kể so với trước nhưng vẫn chưa là gì so với hơn 2,9 tỷ người dùng Facebook.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM