Nghỉ lễ, Tết 2017: Tranh luận gay gắt nghỉ nhiều hay ít?

29/10/2016 08:44 AM | Xã hội

TB&XH vừa đưa ra dự thảo kế hoạch nghỉ lễ, tết năm 2017, lập tức dự thảo này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi doanh nghiệp (DN) kêu nghỉ quá nhiều, thì người lao động và cơ quan quản lý lại bảo là hợp lý.

Theo dự thảo tờ trình về số ngày nghỉ lễ, Tết năm 2017 vừa được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến, phương án nghỉ Tết Nguyên đán là 7 hoặc 10 ngày; nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày; nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 1 hoặc 4 ngày; nghỉ dịp Giải phóng miền Nam (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) 4 ngày. Như vậy, nếu chọn phương án nghỉ nhiều ngày nhất và hoán đổi ngày làm việc, năm 2017 sẽ có tổng 21 ngày nghỉ.

Chị Nguyễn Thị Phương (Nghệ An) làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, nếu được nghỉ Tết dài ngày cũng thích nhưng không ít công nhân rất sợ nghỉ dài. “Lương được 5-6 triệu mỗi tháng, giờ nghỉ mất 10 ngày, coi như mất gần nửa tháng lương, biết lấy gì sống”, chị Phương nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Cty CP May Nam Hà (Nam Định) cho hay, chỉ nên nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày. Theo ông Dũng, số ngày nghỉ này tương đương các nước trong khu vực, Việt Nam đã hội nhập nên cũng phải hài hòa. Ngoài ra, khách hàng có hợp đồng cũng không thể chờ đợi mình ăn Tết xong rồi mới làm ăn tiếp, nếu vậy họ sẽ tìm đối tác khác.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phân tích, tổng số ngày nghỉ lễ, tết cả năm khoảng 20 ngày so với thế giới không nhiều. Nhưng nếu so với thực tế đất nước thì dài và lãng phí. “Nếu nghỉ dài cũng chẳng có tiền lương để mua sắm, kích cầu. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày, vừa đảm bảo nghỉ ngơi, công việc, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước”, ông Lợi nói.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn đã có văn bản góp ý với Thủ tướng nên nghỉ Tết Nguyên đán 2017 là 10 ngày. Theo ông Chính, người lao động quanh năm cực khổ, nhất là lao động các vùng quê ra thành phố làm việc, chỉ Tết mới được về, nên cho họ có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình. Nếu cho nghỉ ít, người lao động cũng cắt phép để được nghỉ dài hơn.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp, trong khi lao động tại các khu công nghiệp phần lớn là người ngoài tỉnh, nên tạo điều kiện để lao động có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình. Theo ông Diệp, tổng số ngày nghỉ trong năm của Việt Nam hiện không nhiều hơn so với các nước khu vực ASEAN.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM