Thú vị nghề đọc sách thuê

24/06/2013 10:04 AM | Nghề nghiệp

Nghề tay trái giàu tính nhân văn này khá kén người, bởi không phải bạn trẻ nào cũng biết cách đọc hấp dẫn và nắm bắt tốt tâm lý người cao tuổi

Được đọc và được học

Hoàng Văn Lợi, sinh viên khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã trải qua khá nhiều công việc làm thêm trước khi trở thành người đọc sách thuê. Từ khi ông cụ chủ nhà trọ của Lợi phải nằm viện, Lợi thường được nhờ mang cháo vào cho cụ.

Cụ già vui tính này luôn đề nghị Lợi đọc truyện cười trong lúc cụ ăn, các cụ cùng phòng thấy vậy liền đề nghị Lợi đọc to cho cả phòng cùng nghe. Đến ngày ông cụ ra viện thì con trai của một bệnh nhân khác đề nghị Lợi tiếp tục đến bệnh viện đọc truyện cho cha mình, một thầy giáo dạy văn đã nghỉ hưu hơn 20 năm.

Từ ngày được Lợi đọc sách cho nghe, cụ vui hẳn lên khi được trò chuyện về những tác phẩm văn học kinh điển mà cụ yêu thích như Đồi gió hú, Trà hoa nữ, Chiến tranh và hòa bình…

Làm công việc này, ngoài chuyện có thêm nguồn thu nhập, Lợi còn được cụ cho phép sử dụng tủ sách tham khảo phong phú của cụ. Không chỉ thế, Lợi còn được cụ nhiệt tình truyền nghề về phương pháp dạy, công tác chủ nhiệm, giáo dục học sinh cá biệt, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa…

Vài năm gần đây, nghề đọc sách phục vụ người cao tuổi đã được nhiều sinh viên Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội còn có cả câu lạc bộ (CLB) hành nghề đọc sách thuê nhằm phục vụ trẻ em, người khuyết tật và những người già neo đơn có nhu cầu nghe đọc sách hoặc muốn có người chia sẻ, thảo luận về những đề tài trong sách.

Thành viên là các sinh viên hội đủ những tiêu chuẩn: Không nói ngọng, thích đọc sách và yêu quý người già. Với mức thu nhập từ 40 đến 50 ngàn đồng/giờ, lại được thỏa mãn thú vui đọc sách, nhiều sinh viên coi đây là nghề đáng mơ ước.

Dù công việc không phức tạp nhưng để làm hài lòng khách hàng cao tuổi, các bạn sinh viên cũng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào việc: Tìm hiểu về đối tượng phục vụ, tập đọc trước tác phẩm cho trôi chảy và diễn cảm.

Thỉnh thoảng các bạn cũng gặp khách hàng thính giác quá kém, phải đọc to và lặp lại nhiều lần, trường hợp xấu hơn nữa là bị chê giọng không hay, bị đuổi về… Tuy nhiên, những chuyện ngoài ý muốn không phải là nhiều vì phần lớn những người thích nghe sách đều có cách ứng xử khá nhã nhặn.

Phương Dung, sinh viên khoa Anh văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, được CLB giới thiệu làm việc với một giáo sư thông thạo ba ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức. Cụ thích đọc sách tiếng nước ngoài nhưng mắt kém nên phải nhờ đến dịch vụ này.

Những ngày đầu đọc sách cho cụ, Phương Dung bị vấp nhiều nhưng cụ không bực mình mà còn vui vẻ chỉnh sửa cách phát âm và giải nghĩa cho cô hiểu nhiều từ chuyên môn.

Còn Hoàng Quỳnh, một thành viên trong CLB hiện đang đọc sách vào các buổi chiều cuối tuần cho một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi bị hỏng mắt. Phần lớn các cuốn sách được cụ lựa chọn là sách về chiến tranh như: Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, Ruồi Trâu, Nỗi buồn chiến tranh… Quỳnh vừa đọc sách vừa được nghe cụ kể lại những câu chuyện đáng nhớ thời chiến.

Khi sách là cầu nối giữa các thế hệ

Không chỉ các cụ già mắt kém mới có nhu cầu được nghe sách, còn một đối tượng khác khá tiềm năng của dịch vụ này nữa là trẻ em lứa tuổi từ học mẫu giáo đến cấp I.

Nhóm đọc sách thuê của Nguyễn Hoàng Nhật Bin, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi (Hà Nội) cũng đã từng nhận được “hợp đồng” đọc sách cho một em bé lớp 3 vào mỗi buổi tối trước khi bé đi ngủ.

Mẹ của cậu bé đang trong giai đoạn bận rộn thì đọc được tờ rơi quảng cáo của nhóm và sẵn lòng dùng thử dịch vụ này. Chị cũng tỏ ra hài lòng với mức giá 280 ngàn đồng/7 giờ, “khuyến mãi” là các sinh viên giúp con trai chị làm bài tập và dỗ dành bé đi ngủ khi đến giờ.

Để giành được công việc đọc sách tiếng Pháp cho một cụ già người Pháp bị hỏng hai mắt với mức giá 5 USD/giờ, Lê Vân, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ phải trải qua ba vòng tuyển chọn. Cứ mỗi lần trước khi đến chỗ cụ, Lê Vân đều cố gắng luyện đi luyện lại sao cho đọc trôi chảy.

Sau một thời gian thì cụ coi cô như bạn tâm giao. Nhiều buổi Vân đến, cụ không yêu cầu đọc mà đề nghị cô đưa cụ đi dạo phố phường Hà Nội, nơi cụ coi như quê hương thứ hai của mình.

Nguyễn Trường, sinh viên khoa Trồng trọt Trường ĐH Nông nghiệp cho biết rằng mình đang đọc sách cho một cụ quê ở Phú Thọ. Ông cụ ngoài 70 này đặc biệt rất thích nghe đọc sách về nông nghiệp, trồng cây, chăm hoa để cho đỡ nhớ quê.

Mỗi “ca” làm việc của Trường với cụ kéo dài hai giờ đồng hồ. Giờ thứ nhất Trường đọc các loại sách có chủ đề nông nghiệp cho cụ nghe. Giờ thứ hai anh sẽ cùng cụ ra vườn thực hành trồng cây.

Qua thời gian tiếp xúc với cụ, Nguyễn Trường học được nhiều kiến thức rất cần cho một kỹ sư nông nghiệp tương lai. Thỉnh thoảng, các nhóm đọc cũng có khách hàng là Việt kiều đã từng sống nhiều năm ở nước ngoài.

Ngoài việc được tìm hiểu và tiếp xúc với nền văn học thế giới, các bạn còn được khách hàng của mình chỉ dạy thêm ngoại ngữ. Có cụ lại thích nghe Truyện Kiều và khi cao hứng còn yêu cầu người đọc ngâm thơ, khi thấy bạn sinh viên ấp úng, cụ bèn ngồi ngâm thơ cho người đọc nghe.

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook đã có nhóm các bạn trẻ cùng nhau mở dịch vụ đọc sách thuê. Trên trang web môi giới Việc làm 24h cũng có một số hồ sơ ứng viên tìm việc bán thời gian là đọc sách phục vụ người có nhu cầu.

Đây không phải là dịch vụ có thể phát triển rộng rãi, song đó là một nét đẹp của văn hóa đọc. Và hơn nữa, công việc này chính là chiếc cầu nối thân tình giữa các thế hệ yêu đọc sách.

Theo Cẩm Tú

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM