Nghề nhạc công: Thù lao một buổi không bằng bát phở!

21/03/2013 15:24 PM | Nghề nghiệp

Thù lao vài trăm ngàn cho một đêm diễn công phu khiến nhiều nhạc công, nghệ sĩ nhạc cổ điển phải chấp nhận đàn kiếm sống ở nhà hàng, khách sạn.

Hình ảnh những nhạc công miệt mài chơi những bản hòa tấu giữa đám tiệc khách khứa say sưa, chè chén đã không còn xa lạ trong nếp sống của thị dân Sài Gòn, khi mà lối hát hò trên nền nhạc sống đang ngày một gây khó chịu vì độ ồn ào nhiếc óc.

Một sự thật tế nhị mà ai nấy đều biết dù chẳng nói ra, rằng các sân khấu tiệc tùng này cũng là nơi kiếm sống của không ít nghệ sĩ, nhạc công khi mà các nhà hát không thể cho họ cuộc sống đàng hoàng. Chuyện rất cũ nhưng có lẽ vẫn cứ phải lên tiếng.

Thời bao cấp nhạc công sống khỏe hơn

Trong hồi tưởng của nghệ sĩ kèn Cor Mai Quang Vinh, Phó trưởng khoa Kèn – Gõ của Nhạc viện TP.HCM, các nhạc công cổ điển thời bao cấp sống khỏe hơn, chẳng hạn như nghệ sĩ kèn thì được cung cấp đường sữa và bồi dưỡng thanh sắc nhiều hơn. Nhưng mọi thứ bắt đầu khó khăn khi đất nước bước vào chuyển đổi kinh tế. 

“Năm 1987, tôi tốt nghiệp Nhạc viện Praha về vào đúng lúc đất nước bước vào đổi mới và thất nghiệp đúng 7 năm. Lúc ấy nhà hát giao hưởng không biểu diễn mà phải chiếu video phục vụ khán giả để kiếm sống”, thầy Vinh nói. 

Năm 1993, Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng của thành phố chính thức được thành lập, nay đổi tên thành Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (HBSO). HBSO và Nhạc viện Thành phố hiện vẫn là hai địa chỉ hiếm hoi có dàn nhạc giao hưởng, đại diện cho sinh hoạt âm nhạc hàn lâm của cả thành phố có hơn 8 triệu dân cư sinh sống.

Vào thời điểm HBSO mới thành lập, mức thù lao do Bộ Tài chính quy định là 10.000 đồng cho một ngày tập của các nhạc công và thù lao cho một đêm diễn là 30.000 đồng. Cộng thêm mức lương được hưởng theo bậc quy định của Nhà nước đối với các nhạc công có ký hợp đồng với nhà hát. 

“Mỗi năm mức thù lao có thay đổi tăng lên chút xíu. Năm ngoái tăng được 70.000, năm nay là 80.000, còn thù lao đêm diễn khoảng 700.000 cho các nhạc công ở bè chính, bè phụ thì ít hơn 50.000-70.000 ngàn”, thầy Vinh cho biết. 

Mức giá quá thấp buộc ban tổ chức các chương trình phải “tính toán” linh động, chẳng hạn như thêm các khoản bồi dưỡng hay “kê” thêm ngày tập…, để đảm bảo thu nhập đủ sống cho các nghệ sĩ.

HBSO, một trong hai dàn giao hưởng hiếm hoi của TP.HCM hơn 8 triệu dân. 

Trong khi đó, nếu chạy show bên ngoài, mức giá bình thường cho một nhạc công bè chính vào khoảng 1 triệu đồng/show. Khá nhất là các show mang tính chất đệm đàn giới thiệu cho một bộ sưu tập thời trang, có show được nhà thiết kế trả tới mức 2,5 triệu đồng. Tất nhiên, mức giá trên có từ đâu và tính theo chuẩn nào thì…không ai biết được. 

Cấm con theo học vì quá khổ

Tất nhiên, không phải tháng nào cũng có những chương trình lớn để trình diễn, nhất là những chương trình của nhà hát, vốn còn phải sống nhờ bao cấp của Nhà nước. Thế nên, công việc cơm áo hàng ngày của nhiều nhạc công là đi dạy kèm, hoặc vào các nhà hàng, khách sạn trình diễn hàng đêm với những bản nhạc phổ thông, quen thuộc. 

Nhìn từ góc độ của một người làm công tác giáo dục – đào tạo, thầy Mai Quang Vinh cho rằng thực tế cuộc sống của nhiều nghệ sĩ, nhạc công cổ điển khiến các phụ huynh không còn muốn cho con em theo đuổi môn nghệ thuật này. 

Số nghệ sĩ, nhạc công được đào tạo bài bản (thường phải mất trên 11 năm), có thể đứng trong dàn giao hưởng đang ngày một ít đi. Thực tế dẫn tới hai dàn nhạc giao hưởng của thành phố thường xuyên trong tình hình không đủ nhân sự, phải kêu gọi thêm các nhạc công “cộng tác viên” mỗi khi có chương trình lớn. 

Tất nhiên, người ta không thể quy giản căn nguyên những khó khăn hiện nay của âm nhạc hàn lâm vào chuyện tiền nong, thu nhập. Nhất là khi nhiều cuộc bàn thảo đã chỉ ra những vướng mắc khác để lại từ lịch sử hoặc đến từ phía giáo dục, cơ chế, chính sách hay quan niệm xã hội. Nhưng như ông bà xưa thường nói, không “thực” thì khó mà vực được “đạo”.

Lucio Degani - bè trưởng bè violin 1 tại dàn nhạc "I Solisti Veneti" (Ý) tiết lộ các nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc Châu Âu có mức lương từ 1000-1800 Euro (từ 27-49 triệu đồng)/ tháng tùy theo vị trí và khả năng. 

Nhưng các nghệ sĩ của dàn nhạc hầu như không bao giờ diễn lẻ tại các sự kiện (đám cưới, triển lãm, quán cà phê hay đường phố...biểu diễn ở triển lãm - nếu có - là rất hiếm hoi). Họ phải tập luyện rất vất vả cả ngày và chỉ tập trung cho các buổi diễn. Khoản chênh lệch lớn giữa thu nhập của nghệ sĩ cổ điển và ca sĩ nhạc Pop cũng có nhưng thường chỉ xảy ra với một vài ca sĩ có tiếng tăm. 

Trong khi chia sẻ về mức lương khoảng 200 USD (khoảng 4,2 triệu đồng) của nghệ sĩ cổ điển Việt Nam, nghệ sĩ Xuân Huy cho biết thêm, "người chơi cổ điển trong dàn nhạc tại Trung Quốc có mức lương khoảng 2500USD (khoảng 50 triệu đồng/tháng".

Theo Vân Sam

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM