Kỹ sư CNTT không biết phản biện sẽ cho nghỉ việc
Các kỹ sư CNTT lúc nào cũng trả lời “Vâng!” khi bàn việc với cấp trên hầu hết đều nghỉ việc tại công ty, Giám đốc kiêm Chủ tịch LogiGear Hung Q. Nguyen nói.
Nói trong Hội nghị phát triển gia công CNTT VN (VNITO) 2015 vào giữa tháng 10/2015, ông Hung Q. Nguyen cho biết, đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong công ty LogiGear từ giai đoạn đầu hầu hết đều trẻ và năng động, rất giỏi về thuật toán và làm việc chi tiết, chăm chỉ, học nhanh, thích ứng văn hóa nhanh khi làm việc với đối tác nước ngoài.
Đặc biệt, đa số kỹ sư đều biết đặt câu hỏi và phản biện, đối chất ngay trong khi làm việc. Còn những kỹ sư khác chỉ biết “Vâng!” hầu hết đều không tiếp tục làm việc ở công ty.
Ông Hung Q. Nguyen, Giám đốc kiêm Chủ tịch LogiGear - Ảnh: BTC
LogiGear được thành lập tại Thung lũng Silicon (Mỹ) cách nay khoảng 20 năm, ông Hung cho biết. Vào giai đoạn bong bóng các công ty dotcom đổ vỡ, kinh tế suy thoái, công ty làm ăn khó khăn nên đã tìm đến các nước chuyên gia công phần mềm nhằm tiết kiệm chi phí.
Ấn Độ được nhắm đến đầu tiên, còn Việt Nam chỉ được LogiGear đến nghiên cứu thử xem trình độ thế nào. Sau khi giao việc cho một nhóm khoảng 20-30 nhân viên Việt Nam và kết quả công việc tốt, LogiGear đã không chọn Ấn Độ mà chọn Việt Nam cho công việc gia công kiểm thử phần mềm cho đến nay.
Cũng như hầu hết chuyên gia phát biểu trong hội nghị VNITO 2015, ông Hung Q. Nguyen cho rằng việc đào tạo các kỹ sư tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty. Hầu hết các kỹ sư Việt thông minh nhưng thiếu kỹ năng tham chiếu, thiếu các kỹ năng mềm, khả năng quản lý chưa tốt, giao tiếp với khách hàng chưa giỏi, chính vì thế LogiGear phải thiết kế các chương trình huấn luyện để phát triển nhân viên.
Trong đó, công ty cho nhân viên sang Mỹ để học văn hóa Mỹ nhằm quan hệ tốt với khách hàng, mời chuyên gia về giảng dạy về quản lý, kỹ năng mềm, làm việc với khách hàng nước ngoài…
Ông Hung cho rằng một phần không thể thiếu để phát triển công ty chính là không ngừng huấn luyện nhân viên.
Nếu được huấn luyện, kỹ sư Việt có thể làm các dự án đa quốc gia
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch công ty phần mềm TMA Solutions - Ảnh: BTC
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ - cũng là một Việt kiều, Chủ tịch công ty phần mềm TMA Solutions – cho rằng, nếu kỹ sư Việt Nam được huấn luyện nghiêm túc thì có thể tham gia vào bất cứ dự án đa quốc gia nào. Tại TMA Solutions, rất nhiều chương trình huấn luyện cũng đã được thiết kế để nâng tầm cho kỹ sư Việt Nam.
Ông Lệ chỉ ra các điểm yếu cố hữu của kỹ sư trong nước: 80% nhân lực không có khả năng giao tiếp tiếng Anh, tiếng Nhật; chưa tự tin trong trình bày ý kiến trong khi các nước phương Tây, Nhật – là khách hàng chủ yếu của xuất khẩu phần mềm – lại rất thích nghe phản biện; thiếu các kỹ năng thực dụng; các trường đại học chỉ đào tạo chuyên môn mà không dạy kỹ năng mềm.
Trong bài phát biểu “Huấn luyện – Yếu tố thành công cho nền gia công tại VN”, ông Nguyễn Hữu Lệ dẫn các số liệu cho thấy lượng kỹ sư Việt Nam tốt nghiệp hàng năm đứng thứ 10 thế giới, và khoảng 160 ngàn sinh viên VN tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng hầu hết đều chỉ ở dạng “quặng thô”, chưa trở thành “vàng”. Muốn biến “quặng” thành “vàng”, cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, và nâng cao môi trường làm việc.
Cần có chương trình đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng tiếng Anh… sau đó phải phát hiện và nâng cao năng lực các cá nhân có thành tích tốt trong công việc, khuyến khích phát triển, sau đó cần có lộ trình phát triển nghề nghiệp và khen thưởng các cá nhân xuất sắc.
TMA Solutions đã đào tạo khoảng 500-600 sinh viên, huấn luyện 300-400 kỹ sư mỗi năm bằng các chương trình đào tạo được thiết kế riêng. Hiện nay lượng nhân viên công ty đạt 1.800 nhân sự so với chỉ 6 nhân sự cách đây 18 năm.