Khung lương mới của phi công Vietnam Airlines là bao nhiêu?

12/01/2015 13:12 PM | Nghề nghiệp

Lương của cơ trưởng bậc cao nhất lái B777, B787, A330, A350 là 102 triệu đồng/tháng.

Sau Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về quản lý đảm bảo nguồn nhân lực tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), ngay trong tuần này, Đoàn bay 919 (thuộc VNA) sẽ tổ chức họp phổ biến chế độ lương mới đối với phi công của Tổng Công ty. Nội dung nhằm phổ biến chế độ lương mới đối với phi công từ ngày 1/1/2015.

Theo khung tiền lương cơ bản của phi công dự kiến áp dụng, một cơ trưởng người Việt Nam lái tàu bay A321 nhận mức lương các bậc từ 1-3 là từ 82-92 triệu đồng/tháng (trước thuế). Cơ phó lái A321 nhận lương từ 48 - 58 triệu đồng/tháng (từ bậc 1 - 4).

Cơ trưởng lái B777, B787, A330, A350 hưởng mức lương từ 93 - 102 triệu đồng/tháng (trước thuế). Cơ phó lái B777, B787, A330, A350 nhận lương từ 56 - 66 triệu đồng/tháng (từ bậc 1 - 4).

Cơ trưởng lái ATR72/F70 nhận lương từ 70 - 79 triệu đồng/tháng (trước thuế). Cư phó lái ATR72/F70 nhận lương từ 41 - 51 triệu đồng/tháng (từ bậc 1 - 4).

Mức thu nhập cao nhất trong khung tiền lương cơ bản của phi công thuộc về chức danh Giáo viên kiểm tra năng định (TRE). Cụ thể, Giáo viên kiểm tra năng định các loại tàu bay B777, B787, A330, A350 hưởng lương trước thuế là 132 triệu đồng/tháng, đối với tàu bay A321 là 122 triệu đồng/tháng và ATR72/F70 là 109 triệu đồng/tháng.

Theo công bố của VNA trước thềm IPO, mức lương dành cho phi công VNA năm 2013 là xấp xỉ 75 triệu đồng/tháng, tiếp viên hàng không là 18,7 triệu đồng/tháng.

Mới đây, ngày 7/1/2015, bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Theo yêu cầu của bộ trưởng, việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2015.

Chỉ thị này được ban hành sau khi hơn 100 phi công của VNA đồng loạt xin nghỉ "ốm", nhiều phi công và nhân viên hàng không kỹ thuật cao của VNA xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác. Các nhân viên này bao gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay. Đáng chú ý, việc nhân viên ở Vietnam Airlines xin nghỉ việc hàng loạt diễn ra sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày IPO của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Lý do chính thức của hiện tượng nghỉ việc này chưa được công bố, nhưng trong chiến lược thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài nói chung, lương thưởng - phúc lợi là một trong những yếu tố quan trọng. Lương và đãi ngộ cũng là điều được Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu rà soát và thực hiện chế độ để tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao.

Kiều Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM