[Khi tôi 22] Đừng kết hôn khi còn quá trẻ

20/06/2014 09:06 AM | Nghề nghiệp

Hãy xắn tay áo lên mà làm việc cật lực cho công việc đầu tiên của bạn, và cũng đừng bao giờ nghĩ về việc tìm được một vị trí hoàn hảo ngay trong lần đầu.

CafeBiz xin giới thiệu với bạn đọc series mới "Khi tôi 22"Series này được xây dựng từ chính lời kể của những nhân vật có thật. Họ là những nhà lãnh đạo, những nhân vật nổi tiếng, tự bạch về tuổi trẻ của chính mình, trên con đường xác định sự nghiệp và tìm kiếm thành công.

Series "Khi tôi 22" sẽ được đăng tải định kỳ vào thứ 6 hàng tuần. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ngài Guy Kawasaki, Giám đốc tiếp thị cho Canva và cố vấn cho mảng kinh doanh của Motorola (Google). Mời quý độc giả đón đọc.


Guy Kawasaki hiện đang là giám đốc tiếp thị cho Canva và là cố vấn cho mảng kinh doanh của Motorola (Google). 

Trước đây, ông từng là cựu chuyên gia tại Apple, giúp “Quả táo” trở thành một “hiện tượng” mà tất cả mọi người đều mơ ước như ngày nay. 

Kawasaki là tác giả của 8 cuốn sách Best Seller, trong đó có Nghệ thuật khởi nghiệp (The Art of the Start) hay Nguyên tắc cách mạng (Rules for Revolutionaries). Ông tốt nghiệp tại ĐH Standford, nhận bằng MBA của UCLA, từng bỏ ngang chương trình Luật tại UC Davis và là tiến sỹ danh dự của trường Babson College.

Phần trước: [Khi tôi 22] Lời khuyên từ một sinh viên trung bình

Khi viết về tuổi 22 của mình, tôi chợt muốn đính kèm một bức ảnh để các bạn có thể biết tôi đã từng trông như thế nào hồi đó. Ý nghĩ đó khiến tôi bật cười bởi lúc ấy máy ảnh số thậm chí còn chưa ra đời. Phải, chỉ 3 tháng nữa thôi tôi sẽ bước sang tuổi 60. Dựa trên 38 năm kinh nghiệm sống và làm việc, dưới đây là một vài lời khuyên tôi nghĩ chúng sẽ hữu ích cho các bạn:

1. Thử thách những cái đã biết và nắm lấy những gì chưa biết

Chấp nhận những gì đã biết và chống lại những gì chưa biết quả thực là một sai lầm lớn. Trong thực tế, điều tốt nhất là bạn hãy làm ngược lại: thử thách những gì đã có và học cách chấp nhận những điều mới mẻ. Bạn chỉ mới 22 và đây là lúc để bạn chấp nhận những rủi ro đó bởi bạn còn trẻ và còn quá ít để mất. Những điều tuyệt vời và vĩ đại thường đến với những ai luôn sẵn sàng đương đầu với những rủi ro mới.

2. Hãy học cách ngắn gọn

Khác với trường học, môi trường làm việc sẽ ưa thích sự ngắn gọn hơn bao giờ hết. Sẽ không còn chỗ cho những bài luận dài hàng chục trang để làm hài lòng các giáo sư nữa mà thay vào đó là s ngắn gọn chính xác

Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ phải trả lời hàng chục email, lắng nghe vài lần thuyết trình và đọc vài báo cáo mỗi ngày, lúc đó bạn sẽ muốn chúng dài như thế nào? Dưới đây là vài quy tắc mà tôi hay sử dụng: email - không quá 5 câu, thuyết trình - dưới 10 slide hay 20 phút và báo cáo - giới hạn trong 1 trang.

3. Hãy sử dụng những câu chuyện và ví dụ cụ thể

Những người “mê hoặc” nhất thường là những người biết cách kể chuyện, làm thử và sử dụng các hình ảnh trực quan để truyền tải thông điệp tới người khác. Khi thảo luận một chủ đề nào đó, họ tạo nên một bức tranh sống động trong tâm trí mọi người thông qua các phương tiện truyền thông, email, thuyết trình hay cuộc gọi. 

Steve Jobs không chỉ là bậc thầy về công nghệ mà còn là người rất giỏi khi thuyết trình. Nếu bạn muốn trở nên thuyết phục như ông ấy, hãy học cách giao tiếp bằng những câu chuyện và các ví dụ trực quan.

4. Hãy trân trọng công việc đầu tiên

Thông thường, mỗi người sẽ trải qua từ 5 tới 10 vị trí khác nhau ở vài lĩnh vực. Do vậy, công việc đầu tiên chưa chắc sẽ là công việc cuối cùng của bạn. Trừ phi bạn là một trong những người sáng lập ra Google hay Facebook nhưng tất nhiên, đây chỉ là thiểu số mà thôi. 

Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải là chẳng học được điều gì từ công việc đầu tiên đó vì nghĩ rằng trước sau gì mình cũng sẽ nghỉ công việc này. Điều này quả thật vô cùng lãng phí. Bạn sẽ chẳng thể có công việc thứ 2 hay thứ 3 nếu như không có cái thứ nhất. 

Hãy xắn tay áo lên mà làm việc cật lực cho công việc đầu tiên của bạn, và cũng đừng bao giờ nghĩ về việc tìm được một vị trí hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên.

5. Sống cho hiện tại, làm việc cho tương lai

Ngay khi bạn bắt đầu công việc mới của mình, sẽ chẳng có ai trong văn phòng của bạn còn quan tâm tới việc bạn từng học ở đâu, điểm GPA ra sao, bạn có từng làm thủ lĩnh của đội bóng hay bố mẹ bạn là ai nữa cả. 

Tất cả những gì họ quan tâm là bạn có mang tới những kết quả như kỳ vọng hay không mà thôi. Vì thế, hãy làm việc thật chăm chỉ để sếp của bạn hài lòng. (xem tiếp ở dưới đây)

6. Hãy khiến sếp của bạn hài lòng

Đừng hiểu nhầm rằng tôi đang khuyên bạn đi nịnh sếp của mình. Điều tôi muốn nói ở đây là hãy làm cho vị quản lý luôn hài lòng với kết quả của bạn. 

Nếu từ trước đến giờ bạn luôn nghĩ mình cần phải đối đầu với các ý kiến của cấp trên để ghi điểm trong mắt của họ thì có thể bạn đã nhầm. Làm như vậy chỉ khiến bạn tỏ ra không trung thành với công ty và ngớ ngẩn đối với những đồng nghiệp. Hãy làm cho sếp của mình thành công, như vậy cơ hội thăng tiến của bạn cũng vì thế mà rộng mở theo.

(Xem thêm: Các sếp quản lý sợ nhất điều gì?)

7. Không ngừng học hỏi

Rất nhiều người lầm tưởng rằng sau khi ra trường và yên vị với một công việc nào đó, việc học tập coi như đã hoàn thành. Thực tế cho thấy, bất kỳ bạn đang làm gì đi chăng nữa, học tập luôn là một quá trình không bao giờ có điểm kết thúc. 

Và khi bước chân vào con đường chuyên nghiệp, việc học đôi khi trở nên dễ dàng hơn bởi bây giờ bạn đã biết là mình thích cái gì và những thứ bạn học sẽ trở nên có ích hơn so với trước đây. 

Nói không ngoa, việc học chỉ thực sự bắt đầu khi bạn nhận được tấm bằng tốt nghiệp.

8. Đừng kết hôn khi còn quá trẻ

Lời khuyên này có thể làm nhiều người không hài lòng nhưng tôi nghĩ hôn nhân sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới sự nghiệp của mỗi người. 

Tôi kết hôn ở tuổi 32 và có lẽ đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời tôi. Trước đó, tôi (và có thể cả bạn nữa) cũng vẫn còn mơ hồ về những gì mình sẽ làm trong tương lai. Và chúng ta thậm chí còn không chắc chắn về người chúng ta định lấy liệu có đúng là một nửa của cuộc đời mình không. Nhưng dù sao đi nữa, đó cũng là quyết định của bạn. 

Hãy kết hôn khi bạn cảm thấy tạm hài lòng với sự nghiệp của mình. Gần 30 năm qua, tôi chưa từng thấy ai than phiền rằng họ kết hôn quá muộn nhưng tôi biết rất nhiều người nuối tiếc vì kết hôn khi còn quá trẻ.

9. Không có gì là tuyệt đối

Khi bạn còn nhỏ, bạn biết rằng nói dối, gian lận hay ăn trộm là hoàn toàn sai. Khi bước chân vào công việc, bạn cần nghĩ về những điều tương tự như thế. 

Khi trưởng thành hơn, bạn sẽ thấy giữa cái đúng và cái sai đôi khi không còn là tuyệt đối nữa. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng cái gì đúng sẽ luôn đúng và cái gì sai sẽ luôn luôn sai.

10. Hãy dành thời gian cho những người thân yêu của mình

Tiền bạc, quyền lực hay danh vọng đều chẳng thể thay thế cho gia đình và bạn bè của bạn. Chúng càng trở nên vô nghĩa nếu một ngày bạn mất đi những người thân yêu nhất của mình. 

Khi những người thân vẫn còn ở bên cạnh, bạn thường coi đó là một điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta đâu thể biết trước được điều gì sẽ tới trong tương lai.

Vì thế hãy dành thời gian cho những người thân của bạn bởi suy cho cùng, một cuộc sống hạnh phúc cũng chính là mục đích cuối cùng khi chúng ta bắt tay vào một công việc nào đó.


Lời kết

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta nghĩ rằng bố mẹ luôn luôn đúng. Khi vào trung học hay đại học, chúng ta thường muốn phản kháng lại cha mẹ mình. Tuy vậy, khi tốt nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng những lời khuyên của cha mẹ trước đây thường khá đúng. 

Tin hay không tuỳ bạn, nhưng rồi một ngày bạn cũng sẽ trở thành những bậc phụ huynh như cha mẹ mình, vì vậy hãy luôn mang theo những lời khuyên của họ bởi chúng sẽ có ích trong một lúc nào đó.

>> [Khi tôi 22] Vì sao chúng tôi phải thuê bạn?

>> Xem Series đầy đủ

K.Lưu

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM