Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao

21/10/2015 20:49 PM | Nghề nghiệp

Cùng với kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là nhân lực công nghệ cao (CNC) làm trong lĩnh vực CNC bao gồm CNTT.

Nhiều bất cập

Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức các buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) và các cơ quan, hội, hiệp hội và các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT để đánh giá hiện trạng, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, các phương pháp đánh giá tác động để đưa ra các đề xuất về thay đổi chính sách thuế nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của Bộ TT&TT, chính sách thuế trong lĩnh vực CNTT hiện hành còn tồn tại những vướng mắc, bất cập như: chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa thực sự ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất; chưa có sự nhất quán trong quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); thuế xuất khẩu, nhập khẩu linh kiện còn bất hợp lý; chưa có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với các lao động công nghệ cao…

Cụ thể ,về thuế TNDN, báo cáo của Bộ TT&TT cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2008, Nghị quyết 07/2000/CP của Chính phủ, Quyết định 128/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 31/2001/BTC của Bộ Tài chính quy định mức ưu đãi cao nhất cho hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ phần mềm.

Quyết định 128 cũng quy định rõ hoạt động dịch vụ phần mềm gồm: tư vấn phần mềm; tích hợp, cung cấp hệ thống; dịch vụ chuyên nghiệp về phần mềm; gia công phần mềm; dịch vụ xử lý dữ liệu; dịch vụ huấn luyện, đào tạo và dịch vụ tổ chức xuất khẩu lao động phần mềm. Các hoạt động này được hưởng ưu đãi như hoạt động sản xuất phần mềm.

Tuy nhiên, từ năm 2008, Luật thuế TNDN mới và các văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ quy định ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm không được ưu đãi. Điều này chưa phù hợp với tính chất đặc thù của ngành công nghiệp CNTT.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, sản xuất nội dung thông tin số, sản phẩm CNTT trọng điểm cũng chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Điều này, theo Bộ TT&TT, là chưa nhất quán với quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Nghị định 71/2007/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động công nghiệp phần mềm.

Bởi lẽ, Nghị định 108 quy định “sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số; cung cấp các dịch vụ phần mềm, sản phẩm CNTT trọng điểm” thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Cung cấp các dịch vụ phần mềm được hưởng chính sách ưu đãi tương đương với hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm. Điều 26 của Nghị định 71 quy định Nhà nước áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung theo quy định của pháp luật.

“Do vậy, việc quy định chỉ ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm như hiện tại tạo bất cập trong quá trình áp dụng và chưa nhất quán với các văn bản pháp lý Chính phủ ban hành trong giai đoạn 2006, 2007”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Đối với chính sách ưu đãi nhân lực CNTT, báo cáo của Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, Luật Công nghệ cao quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút sử dụng nhân lực cao, trong đó có ưu đãi cao nhất về thuế TNCN.

Tuy nhiên, Luật thuế TNCN hiện hành chưa có quy định ưu đãi đối với thu nhập của cá nhân là nhân lực công nghệ cao, trong đó có nhân lực CNTT. Bộ TT&TT cho rằng: "Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong nước, hạn chế chảy máu chất xám ra nước ngoài, rất cần có quy định việc miễn giảm thuế TNCN đối với lao động trình độ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT".

Đề xuất tập trung điều chỉnh ưu đãi thuế TNDN, TNCN

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, bất cập của chính sách thuế cho doanh nghiệp CNTT hiện hành cũng như tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Bộ TT&TT đã đề xuất tập trung sửa đổi, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế TNDN và TNCN trong lĩnh vực CNTT. Đây là hai loại thuế có đóng góp quan trọng trong thu hút phát triển doanh nghiệp và nhân lực CNTT.

Theo đó, đối với thuế TNDN, Bộ TT&TT đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng các ưu đãi thuế TNDN cho cả những doanh nghiệp làm dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm nội dung số, sản phẩm CNTT trọng điểm, với mức ưu đãi như tương đương mức đang áp dụng với sản xuất sản phẩm phần mềm: áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, nhằm tránh ưu đãi dàn trải, Bộ TT&TT cũng đề xuất Bộ sẽ ra quy định chi tiết về sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm CNTT trọng điểm và dịch vụ phần mềm.

Còn về ưu đãi thuế TNCN, để đảm bảo cơ sở pháp lý và thống nhất quy định về thuế TNCN, Bộ TT&TT đề xuất giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao bao gồm CNTT. Cá nhân là nhân lực công nghệ cao được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 của Luật Công nghệ cao: nhân lực công nghệ cao bao gồm nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật.

Bộ TT&TT cho biết, đề xuất tập trung điều chỉnh ưu đãi thuế TNDN và thuế TNCN trong lĩnh vực CNTT nêu trên hướng tới mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư, nhân lực trình độ cao, tránh chảy máu chất xám, đồng thời tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư CNTT trong khu vực, tạo điều kiện cho CNTT tăng trưởng nhanh và bền vững; từ đó có thể tham gia sâu hơn nữa vào mọi ngành, nghề, lĩnh vực.

Đánh giá tác độ sơ bộ từ đề xuất điều chỉnh ưu đãi thuế, Bộ TT&TT cho rằng, việc ưu đãi thuế sẽ giảm nguồn thu ngân sách trong thời gian ngắn hạn, tuy nhiên sẽ tạo được động lực mạnh mẽ thu hút nhân tài, đầu tư phát triển ngành. Điều này đi đúng với chủ trương đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước. Để việc miễn, giảm thuế mang tính hiệu quả cao, chính sách ưu đãi cần đi cùng với quản lý, đảm bảo đúng người, đúng việc, qua đó tạo môi trường đầu tư hiệu quả và năng động trong phát triển CNTT.

Theo M.T

Cùng chuyên mục
XEM