Căng thẳng như thi đại học ở Hàn Quốc

19/11/2014 12:00 PM | Nghề nghiệp

Ngày 7/11 vừa qua, thị trường chứng khoán, các cơ quan nhà nước cũng như tất cả các ngân hàng của xứ sở kim chi đều mở cửa muộn hơn 1 giờ so với thường lệ. Tất cả là để phục vụ cho kỳ thi vào đại học.

Người ta thường ví von rằng thời điểm lý tưởng nhất để xâm lược nước Pháp là thời gian ăn trưa. Hiếm có điều gì có thể khiến một người Pháp xao nhãng khỏi bữa ăn trưa “bất khả xâm phạm”.  Còn ở Hàn Quốc, thời điểm lý tưởng sẽ là ngày thứ Năm của tuần lễ thứ hai trong tháng 11 hàng năm.

Ngày 7/11 vừa qua, thị trường chứng khoán, các cơ quan nhà nước cũng như tất cả các ngân hàng của xứ sở kim chi đều mở cửa muộn hơn 1 giờ so với thường lệ. Quân đội Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận trên không và toàn bộ lực lượng cảnh sát được huy động để điều hành giao thông. Tất cả để phục vụ hơn 650.000 sĩ tử tham gia “suneung” hay College Scholastic Aptitude Test (CSAT).

Đây là kỳ thi cấp quốc gia kéo dài 8 giờ đồng hồ mà bất cứ học sinh Hàn Quốc nào cũng phải trải qua để được vào học ở một trong những trường đại học top đầu và sau đó may mắn hơn là được vào làm việc trong các cơ quan chính phủ, ngân hàng hoặc một trong những tập đoàn lừng lẫy.

Kỳ thi trắc nghiệm gồm 5 phần là được coi là tinh túy của tinh thần Nho giáo trong hệ thống giáo dục của người Hàn Quốc. Sĩ tử được tặng những món ăn vặt như kẹo truyền thống yeot, bánh gạo và socola để lấy may. Tất cả những tục lệ đều có từ xa xưa (từ thời đại Goryeo và Chosun) và cho đến nay tầm quan trọng của kỳ thi đại học vẫn không hề giảm sút ở Hàn Quốc – đất nước có 75% học sinh tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học lên đại học. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có 2% trúng tuyển vào các trường đại học thuộc nhóm danh giá SKY (gồm ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc và ĐH Yonsei).

Phó Hiệu trưởng của trường trung học Joongang ở Seoul nói học sinh của trường gần như đã “dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho những ngày thi đại học”. Cách so sánh này cũng không ngoa khi kết quả của 12 năm học phổ thông được thể hiện trong 1 bài thi duy nhất. Ở tuổi 16, các sĩ tử đã bắt đầu tham gia thi thử đại học và đến năm cuối cấp 3 thì tháng nào cũng tham gia thi thử.

Hwang Won-sang là một học sinh sáng giá mong muốn sẽ được học ngành vật lý ở ĐH Hàn Quốc. Won-sang tham gia vào một nhóm hàng ngày đều luyện tập theo thời khóa biểu của ngày thi đại học để cơ thể có thể điều chỉnh. Mấy tuần trước ngày khi, mẹ của cậu đều thử các bữa ăn trưa khác nhau vào thứ 7 hàng tuần để tìm được hộp cơm trưa phù hợp cho ngày thi.

Lo lắng thuốc ho đủ liều sẽ khiến cậu bị dị ứng, Won-sang bắt đầu uống một lượng nhỏ mỗi ngày để tăng sức đề kháng, phòng trường hợp cậu bị cảm vào ngày thi và buộc phải uống thuốc. Kỳ thi này quan trọng đến mức các giám thị cũng phải trải qua kỳ tập huấn đặc biệt: giày cao, nước hoa và những thứ khiến thí sinh phân tâm đều bị cấm sử dụng.

Các bà mẹ là “người bảo vệ” duy nhất cho việc học hành của con cái. Họ đứng đợi bên ngoài cho tới khi bài thi bắt đầu và sau đó sẽ đi cầu nguyện ở những ngôi đền. Mẹ của Won-sang dự định sẽ tham gia vào lễ cầu nguyện cho các sĩ tử (buổi lễ diễn ra cùng lúc với thời gian thi nhằm hỗ trợ tinh thần cho các thí sinh).

Năm 1993, kênh truyền hình EBS bắt đầu phát sóng những buổi dạy trực tiếp trên truyền hình dành riêng cho các sĩ tử tham gia kỳ thi đại học. Cựu Tổng thống Lee Myung Bak khẳng định 70% nội dung bài thi thật sẽ dựa trên các tiết học phát sóng trên EBS.

Một bộ phận rất lớn trong giới trẻ Hàn Quốc đặt tất cả kỳ vọng vào kỳ thi đại học. Hàng chục lần cải cách kỳ thi đại học kể từ năm 1945 tới nay là kết quả thể hiện rõ nét nhất nỗ lực khiến cho kỳ thi này công bằng hơn của chính phủ Hàn Quốc.

Đồng thời, nước này cũng trao thưởng bằng tiền cho các trường đại học sử dụng những phương pháp đánh giá mới. POSTECH - trường đại học nghiên cứu về khoa học hàng đầu Hàn Quốc - đã tuyển tất cả các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông mà không cần xét đến học bạ cấp 3 hay bài thi viết.

>> Đừng bỏ học! Đại học vẫn là con đường tốt nhất dẫn tới thành công

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM