Báo động về năng suất lao động Việt Nam
Liệu tăng lương tối thiểu có phải là việc nên làm, khi mà năng suất lao động của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước ASEAN?
Năng suất lao động của người Việt ở mức thấp đáng báo động là một thực tế đáng buồn, đối nghịch với những viễn cảnh tươi sáng đã được vẽ lên từ bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tức phần lớn dân số đang trong độ tuổi lao động, trẻ trung và năng động.
Dù năng suất lao động đã cải thiện trong thời gian qua nhưng tốc độ chưa đủ nhanh để bù đắp lại khoảng cách tuyệt đối với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, với thực trạng hiện tại, có thể mãi đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của người Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp của Thái Lan, một khoảng cách không dễ san lấp. Khoảng cách này nhiều khả năng sẽ còn mở rộng hơn, khi các quốc gia xung quanh đã tự ý thức phải nâng cấp bản thân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng.
Điển hình là Malaysia, quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn gần 2 lần so với Việt Nam, đã công bố đề án công phu về tái cấu trúc hệ thống giáo dục nước này từ đây cho đến năm 2025. Mục tiêu mà đề án đặt ra là nâng cao đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng cao, giúp duy trì khả năng cạnh tranh trong giai đoạn tới. Hiện năng suất lao động của Malaysia cao hơn Việt Nam khoảng 6,6 lần. Để có đề án với quy mô này, Chính phủ Malaysia đã phải tốn mất gần 1,5 năm làm việc nghiêm túc, trong đó có tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan, người dân và các tổ chức quốc tế.
Trong khi Malaysia hối hả, Việt Nam vẫn đang loay hoay trong các đề án cải cách lực lượng lao động của mình, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc dịch chuyển nguồn lực lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị để cải thiện năng suất cho toàn nền kinh tế. Và dĩ nhiên, điều này không thể kéo dài mãi.
Theo hãng tư vấn McKinsey, trong giai đoạn 2005-2010, hai yếu tố gia tăng số lao động và dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp đã đóng góp 2/3 vào tốc độ tăng trưởng cho Việt Nam. Chỉ 1/3 còn lại đến từ việc cải thiện năng suất lao động.
Vì năng suất thấp nên tiền lương nhân công cũng thấp tương ứng. Điều này giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đến Việt Nam trong các ngành thâm dụng lao động, không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Thực tế thì các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong những năm qua vẫn là dệt may, da giày, chế biến các sản phẩm đơn giản. Trong khi đó, dù mang tiếng là doanh nghiệp công nghệ cao nhưng nhà máy Samsung mở tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp sản phẩm, đồng nghĩa giá trị gia tăng mang lại không cao.
Do đó, nguy cơ lớn cho nền kinh tế ngày càng lộ diện rõ. Một khi nguồn nhân lực dồi dào như hiện nay dần cạn kiệt và mức lương của nhân công dần tăng lên, chắc chắn các doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam đi tìm miền đất hứa mới như Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar. Gần đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa “chốt“ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Điều đáng ngại là khi đó, với năng suất lao động không cải thiện là bao, cộng với cấu trúc nền kinh tế thiếu linh hoạt, nguy cơ tỉ lệ thất nghiệp tăng lên sẽ ngày càng hiện hữu, cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Có lẽ cũng không gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo âu về năng lực cạnh tranh nước nhà trước viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào cuối năm nay. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”, ông Vinh nói.
Năng suất lao động thấp cũng ảnh hưởng đến quy mô mở rộng của nền kinh tế so với các quốc gia láng giềng, dù hiện tại khoảng cách này cũng không hề nhỏ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chỉ tăng trưởng 5%, đến năm 2035, GDP của Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan. “Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu”, ông nói.
Vậy giải pháp để thúc đẩy năng suất là gì? Theo đề xuất của hãng tư vấn McKinsey, bên cạnh việc phải bình ổn môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, cải cách các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường, Việt Nam cần đề ra một đề án tổng thể để gia tăng năng suất của khu vực nông nghiệp, cải thiện giá trị gia tăng trong ngành sản xuất và hiệu quả trong tiêu thụ năng lượng.
Một số lĩnh vực hứa hẹn có thể mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam nằm ở các ngành gia công công nghệ thông tin, ngành xử lý dữ liệu và gia công cho các lĩnh vực kinh doanh khác. Chính phủ Việt Nam cũng nên tái cấu trúc lại mô hình kinh tế theo hướng thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả.