Câu trả lời có thể chính là từ bạn, từ một hoặc nhiều các hành vi vô tình “giết chết” sự nghiệp của bạn.
1. Không biết tự “PR” công việc của mình
Có thể bạn luôn hoàn thành tốt công việc của mình, nhưng nếu không ai biết về nó thì cũng chẳng ích gì cho uy tín của bạn, lương của bạn, hay những cơ hội mới.
Hãy làm sao để sếp biết được mọi thành tích, nỗ lực của bạn, từ chuyện thuyết phục được một khách hàng khó tính cho đến việc giải quyết nhanh chóng một trục trặc của hợp đồng... tất cả những gì nổi bật bên ngoài công việc thường ngày cảu bạn.
2. Bảo thủ
Nếu bạn luôn bảo thủ mỗi khi nhận được những phản hồi về công việc của mình, bạn sẽ rơi vào điểm dừng trong sự nghiệp. Hầu hết mọi người sẽ từ bỏ việc trao đổi, chia sẻ với những người bảo thủ.
Khi đó, đồng nghiệp sẽ tránh xa bạn, sếp sẽ thôi không bảo bạn phải cải thiện công việc ra sao. “Điều đó rất tuyệt”, bạn có thể nghĩ vậy, nhưng điều tồi tệ chính là bạn sẽ phá huỷ những mối quan hệ bạn cần để thăng tiến và bỏ qua những cơ hội tiếp thu thông tin để phát triển sự nghiệp.
3. Ra quyết định hấp tấp
Hành vi ra quyết định hấp tấp, vội vã không được phép xuất hiện trong công việc, dù đó là sự phản ứng lại ngay khi sếp nói điều gì đó bạn không thích, hay nhận ngay một công việc mà không suy nghĩ kỹ càng.
Nên nhớ rằng những quyết định trong công việc sẽ có ảnh hưởng rộng đến ví tiền , danh tiếng và chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.
4. Không biết tự khẳng định
Có thể nhiều người cho rằng, sự khiêm tốn, không chơi trội là cách tốt để có một công việc thành công, tuy nhiên quá rụt rè, thiếu quyết đoán sẽ làm hại cho sự nghiệp. Nếu bạn tin rằng một quyết định là sai, một dự án có thể là một thảm hoạ, hay bạn xứng đáng được khen thưởng, thì một nhà quản lý tốt sẽ muốn bạn phát biểu.
Tất nhiên, có sự khác nhau giữa việc tự khẳng định và việc tự cao tự đại một cách quá lố. Tuy nhiên, đưa ra quan điểm của mình một cách chuyên nghiệp là chìa khoá để thành công trong nghề nghiệp.
5. Quá bi quan, tiêu cực
Nếu bạn là người thường xuyên phàn nàn về các dự án mới, chính sách mới của công ty, hay chuyện phòng công nghệ mãi không giải quyết được những vấn đề về mạng, thì bạn đang tạo ra một môi trường làm việc khó chịu cho những người xung quanh.
Ngay cả chuyện hài hước, châm biếm một cách tiêu cực cũng vậy. Việc thường xuyên châm chọc đồng nghiệp, hay nói đùa về các quyết định của sếp, dù cho điều đó có làm mọi người cười phá lên thì nó cũng không hề tạo ra danh tiếng tốt đẹp gì cho bạn.
6. Nói dối
Điều tồi tệ nhất của việc nói dối là bị phát hiện. Một khi bị phát hiện là nói dối, dù chỉ là một chuyện nhỏ nhặt nhất thì uy tín của bạn cũng bị phá huỷ và cực kỳ khó để khôi phục lại như trước.
Dù cho bạn có luôn trung thực trong 3 năm liền nhưng bạn vẫn bị nhớ đến là một người đã từng nói dối và do đó không thể được tin tưởng hoàn toàn.
7. Thất hứa thường xuyên
Mọi người thường hay để ý xem liệu bạn có làm những gì bạn nói hay không và họ đặc biệt nhớ lâu với những lần bạn thất hứa, kể cả từ việc nhỏ nhất như forward tài liệu mà bạn đã hứa trong cuộc họp, đến những việc lớn như hoàn thành dự án công việc đúng hạn.
Nếu bạn luôn đúng hẹn, họ sẽ ghi nhận và bạn được tiếng là người giữ uy tín và đáng tin cậy. Ngược lại, nếu bạn thất hứa, hay đơn giản chỉ là quên mất, họ sẽ kết luận là những lời nói của bạn khó tin.
8. Không chịu học hỏi công nghệ mới
Ok, bạn có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái, hài lòng với cách thức làm việc hiện tại của mình và vì vậy không cần thiết phải mất thời gian học hỏi những công nghệ mới nhất làm gì.
Tuy nhiên, nếu bạn cứ từ chối học những cách làm việc mới, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu so với các đồng nghiệp, những người không ngại với sự thay đổi.
Nếu bạn cứ phải in email ra để đọc và soạn thư trả lời, hay cứ phải vào thư viện để tìm kiếm thông tin thay vì lên Google, bạn sẽ bị sếp và đồng nghiệp đánh giá thấp về sự thích ứng của bạn trong công việc.
Theo Hoàng Yến
Vnmedia/US news