70% sinh viên mới ra trường dính bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 70 người từng là nạn nhân của các chiêu lừa đảo xin việc cho thấy có tới 84,3% bị yêu cầu đóng tiền, nhưng không được sắp xếp công việc đúng như lời giới thiệu khiến họ phải tự nghỉ việc.
Trong số những người này có 20 sinh viên vừa ra trường, 30 người lao động từ các tỉnh về TP.HCM tìm việc và 20 người kiếm việc làm thêm.
Bơ vơ tìm việc
L.T.H.H., một cử nhân ngành báo chí vừa tốt nghiệp tại Hà Nội đã khăn gói vào TP.HCM kiếm việc làm. Tại đây, qua nhiều mối giới thiệu, H. gặp một người tự giới thiệu là người tuyển dụng của một tờ báo. Anh ta yêu cầu H. đóng 50 triệu đồng để được nhận vào làm, sau đó sẽ được chuyển ngạch sang làm công chức luôn. H. vay mượn khắp nơi được 13 triệu đồng để đóng, sau đó thì người đàn ông này đã biệt tăm.
Trong 70 người trả lời khảo sát, có 13 người vướng phải chiêu lừa đóng tiền để “chạy việc” nhưng không nhận được việc làm. Chiêu lừa đại trà hơn là yêu cầu người xin việc đóng những khoản phí, nhiều khi hết sức vô lý, sau đó sắp xếp những công việc không như lời giới thiệu khiến họ không chịu nổi, phải tự bỏ việc (84,3%) và nhóm lao động từ các tỉnh về TP.HCM xin việc bị dính chiêu này nhiều nhất.
Như trường hợp của chị Dương Thị Liễu (28 tuổi) ứng tuyển vị trí nhân viên trực điện thoại. Công ty yêu cầu mua hồ sơ 200.000 đồng, tiền giữ vị trí 300.000 đồng. Sau khi nhận việc, chị Liễu bị yêu cầu đóng tiếp 200.000 đồng phí tập huấn. Nhưng thay vì trực điện thoại, chị bị xếp làm công nhân trong xưởng.
Được một tháng, chị đành bỏ của chạy lấy người vì không chịu nổi. Hay như anh Trần Quốc Hiếu (quê Trà Vinh) tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm gần bến xe An Sương. Nơi này giới thiệu anh đến một công ty gần đó nhưng anh không được nhận. Quay lại trung tâm, anh Hiếu được yêu cầu đóng thêm 1 triệu đồng để tìm việc mới. “Tôi không có tiền, họ nói có thể cầm điện thoại để lấy 1 triệu mà đóng. Tôi đưa cho họ chiếc điện thoại trị giá 6 triệu đồng, họ chở tôi đến Bình Dương rồi bỏ về. Chủ cơ sở này nói không nhận người, tôi liên hệ lại trung tâm thì không liên lạc được” - anh Hiếu kể.
Chia sẻ với 70 người tham gia khảo sát lần này, chúng tôi cảm nhận được sự hoang mang, hoảng sợ của không ít người khi bị lừa. Một nữ sinh viên vừa ra trường kể tình cờ quen một người đàn ông đạo mạo trên chuyến tàu Nam - Bắc. Về đến Sài Gòn, ông ta giữ đúng lời hứa, xin cho cô một chân phụ việc trong công ty nhưng chỉ ít lâu sau thì bắt cô đền ơn bằng cách trao thân.
Nhiều người lao động từ quê lên nói rằng họ bị “đón lõng” ở những bến xe, đưa đi lòng vòng khắp nơi và lột sạch tiền bạc, tư trang. Sinh viên kiếm việc làm thêm thường bị dụ vào những tổ chức bán hàng đa cấp, bị trung tâm gia sư giới thiệu đến địa chỉ “ma” sau khi đã đóng đủ loại phí...
Đồ họa: Tấn Đạt
Tránh bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Khi bị lừa, phần lớn nạn nhân chọn cách im lặng và “rút kinh nghiệm lần sau” (72,9%). Khoảng phân nửa số nạn nhân cho rằng đã kể cho người quen biết chuyện mình gặp phải để họ tránh bị lừa. Rất ít người dám gây áp lực với nơi giới thiệu việc làm hoặc người chủ để đòi lại tiền (chiếm 15,7%) hoặc báo cho chính quyền, công an (5,7%). Lý do là: “Họ làm dữ lắm, mình lại không có bằng chứng gì cả, nói không ai tin”, như bộc bạch của nhiều người. Trong đó, một người giúp việc từ Hưng Yên vào TP.HCM làm việc kể sau hai tháng làm không được trả lương, người này nói lại với những người quen khác để cảnh giác thì bị chủ nhà tìm về tận quê nhằm “dằn mặt”.
Tránh bẫy “việc nhẹ, lương cao” là bài học mà 70% sinh viên vừa ra trường rút ra sau khi bị lừa. 43,3% người lao động từ tỉnh lên TP thì cho rằng nên tự mình tìm việc, tránh qua trung gian. Nhiều người tự đi vòng quanh các khu công nghiệp xem công ty nào dán thông báo tuyển người rồi tự nộp hồ sơ. Số đông hơn, 62,9% người tham gia khảo sát cho rằng khi xin việc phải xem thật kỹ hợp đồng, kiên quyết không đóng các khoản tiền vô lý mới mong tránh bị lừa.
“Sau lần bị lừa, tôi rút ra kinh nghiệm là phải tìm đến những trung tâm uy tín. Nhưng mấy nơi uy tín vậy tôi cũng không biết phải tìm ở đâu?” - anh Tuấn (22 tuổi, quê Trà Vinh) nói. Tuấn cùng hai người bạn nữ vừa đến bến xe miền Tây (TP.HCM) thì được đưa ngay vào một trung tâm giới thiệu việc làm gần đó.
Trung tâm hứa hẹn giới thiệu việc làm tốt (lương 4 triệu đồng/tháng, làm tám giờ/ngày, bao ăn ở) rồi lấy mỗi người 300.000 đồng tiền phí và giữ lại CMND của ba người. Cả ba được đưa vào một xưởng da giày làm công việc cực nhọc nên chỉ được một tuần thì xin nghỉ. Tuấn làm dữ mới lấy lại được CMND, hai người bạn gái đành chịu mất.
“Đặt hàng” cho các cơ quan quản lý, chị Mai Huyền (cử nhân luật học) và Nguyễn Thị Thu (quê Nghệ An) cùng chung ý kiến: “Các trung tâm giới thiệu việc làm, ngày hội việc làm cần phải được tổ chức tốt hơn. Bởi trong lúc các điểm môi giới nở rộ, săn đón người lao động thì các trung tâm thật sự đáng tin cậy lại hoạt động khá lặng lẽ, nên các doanh nghiệp ít mặn mà, người lao động cũng không biết để tìm đến”. Sinh viên Đồng Thị Mỹ Quyên bày tỏ mong muốn: “Các trường nên có trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên, tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn việc làm, cho sinh viên tham gia ngay từ năm thứ nhất để định hướng, vì thực tế nhu cầu tìm việc của sinh viên rất lớn”.
* Phan Thị Giang (25 tuổi):
Thường các công ty lừa đảo này rất nhiệt tình mời mình làm việc. Do vậy, phải tìm hiểu rõ về các công ty mình định nộp hồ sơ vào để xin việc, phải đến tận nơi xem nhằm tránh việc họ đưa địa chỉ ảo.
* Lê Nguyễn Minh Công (sinh viên):
Tôi từng tìm đến các trung tâm gia sư, dù công việc họ giới thiệu không thể làm được nhưng họ cũng không bao giờ trả lại tiền. Sau này, tôi tự đăng thông tin của mình lên Facebook hoặc dán trước cổng trường để phụ huynh tự tìm đến. Như vậy mình tự thỏa thuận được mức lương.
* Phan Thị Mỹ Loan (sinh viên):
Cách tốt nhất là nên học thật giỏi, đặc biệt là giỏi ngoại ngữ, đồng thời rèn luyện những kỹ năng sống, làm việc. Mình có năng lực thì sẽ tìm được công ty tốt để làm việc, không lo bị lừa.