Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy

26/10/2020 14:29 PM | Công nghệ

Ở Hà Lan hiện giờ thì một cái cây, cửa sổ, hay ngọn tháp trên nóc nhà thờ cũng có thể là cột phát sóng 5G.

Anton Hermes là người đứng đầu Camouflage BV, một công ty của Hà Lan dành toàn bộ tâm huyết cho nghệ thuật ngụy trang ăng-ten ít được biết đến.

Nếu bạn chưa biết thì ăng-ten là các sợi kim loại có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến để cung cấp Internet và sóng điện thoại cho các thiết bị của chúng ta có thể hoạt động mỗi ngày. Thông thường, chúng được đặt ở các vùng nông thôn, nhưng cũng đôi khi xuất hiện ở các thành phố, dưới dạng ngụy trang thành ống khói, cửa sổ hay tháp chuông nhà thờ.

Thế hệ đầu tiên của những cột ăng-ten ngụy trang này chủ yếu trông giống như những cái cây cao và gầy guộc. Nhưng ngày nay, chúng khó phát hiện hơn nhiều. Dẫu vậy, chúng có một hạn chế nghiêm trọng là lớp ngụy trang phải được làm từ polyester, vì các vật liệu xây dựng khác chặn sóng vô tuyến.

Số lượng ăng-ten ở các thành phố đã tăng vọt trong thập kỷ qua và chỉ riêng ở Hà Lan, con số này đã tăng từ 25.000 vào năm 2013 lên 47.000 vào năm 2020. Và theo Anton "Antenna Man" Hermes, số lượng này sẽ tiếp tục được bổ sung thêm trong nhiều năm nữa, khi mạng 5G mới ra mắt. Ông cũng cho biết các ăng-ten 5G sẽ có kích thước nhỏ hơn, nhưng sẽ đòi hỏi số lượng nhiều hơn nữa.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 1.

Bên trái là cột ăng-ten ngụy trang thành cái cây, bên phải là cột ăng-ten đang trong quá trình che giấu.

Một trong những đầu việc hiện tại của Hermes ở tại một nhà thờ, nằm trong một thị trấn nhỏ cách Amsterdam khoảng 50 km về phía nam. Một trong những tháp của nhà thờ có ba ăng-ten trên đó, được bao phủ bởi một lớp vỏ màu đỏ. Một ăng-ten thứ tư đã được sơn để trông giống như bức tường gạch của nhà thờ và gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hermes cũng cho biết rất nhiều thứ khác cũng đang ẩn giấu bên trong tòa tháp.

Bên trong nhà thờ, một lễ tang buổi sáng vừa kết thúc.

"Chúng tôi thường phải tạm nghỉ [việc xây dựng lớp ngụy trang] do đám tang và đám cưới. Đôi khi nó là thách thức", Hermes nói và mở một cánh cửa gỗ, dẫn lối tới cầu thang đi lên tháp chuông nhà thờ. "Chỉ có nhân viên và nhà cung cấp dịch vụ điện thoại mới được đến đây".

Giữa chừng, anh mở một cánh cửa khác, giải phóng một làn sóng nhiệt và âm thanh. Đầy là hầm chứa các máy chủ kết nối với ăng-ten, thứ đảm bảo rằng mọi người đều có thể kết nối với Internet. Khi lên đến đỉnh, ngay bên cạnh chiếc chuông của nhà thờ là một chiếc ăng-ten mà Hermes đã che giấu, khéo léo tới mức hầu như không thể nhận thấy sự hiện diện của nó ở vị trí đó.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 2.

Một nhà thờ đang trong quá trình tu bổ.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 3.

Các vật liệu polyester được tạo hình giả làm gỗ và đá.

Theo "Antenna Man", đây không phải là tháp nhà thờ duy nhất có thể ngụy trang giống như một tháp di động. "Tôi đến từ một ngôi làng Công giáo và nhà thờ ở đó ngày nay cũng có một hội thánh nhỏ hơn nhiều", anh nói. "Ít người hơn có nghĩa là ngân sách ít hơn, vì vậy nhà thờ này giống như nhiều nhà thờ khác, đã bị buộc phải liên minh với các công ty viễn thông."

Các nhà thờ và các công ty điện thoại bắt đầu hợp tác cách đây khoảng 18 năm, khi mạng 3G bắt đầu được giới thiệu ra công chúng. Ban đầu việc này bị phản đối bởi các cấp cao hơn của giáo sĩ, nhưng cuối cùng các nhà thờ đã công nhận sự hiện diện của các cột ăng-ten ngụy trang là một nguồn thu mới tiềm năng, hỗ trợ đáng kể cho việc duy tu tốn kém của các tòa nhà cũ.

Theo Hermes, các nhà thờ kiếm được từ 4.000 đến 8.000 euro cho mỗi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, tùy thuộc vào vị trí của nó. Mỗi công ty sẽ quyết định tháp nào phù hợp nhất với ăng-ten của họ. Hội thánh tại nơi Hermes đang làm việc đang hợp tác với ba nhà cung cấp.

"Các hợp đồng thường kéo dài 10 năm, vì vậy bạn phải tính toán cẩn thận", Hermes nói.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 4.

Cửa sổ nhà thờ giả.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 5.

Công việc của Hermes là che giấu những thiết bị ăng-ten dưới những thứ như tháp chuông nhà thờ.

Nghề lạ: Ngụy trang cột phát sóng 5G để chúng không bị mọi người đốt cháy - Ảnh 6.

Thật giả đôi khi hoàn toàn có thể lẫn lộn.

Gần đây, mọi người đã bắt đầu bác bỏ ý kiến ​​cho rằng ăng-ten là một phần trung lập và thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Việc triển khai 5G đã bị cản trở bởi các thuyết âm mưu và đại dịch, gây ra các phản ứng dữ dội đối với 5G, với những âm mưu mới liên kết 5G với coronavirus.

"Nó đã được chứng minh một cách khoa học bởi RIVM [Viện y tế quốc gia Hà Lan] rằng không có rủi ro sức khỏe liên quan", Hermes nói. Nhưng đối với "những người tin tưởng", sự che đậy và ngụy trang có thể gây nghi ngờ.

"Cuộc chiến chống lại ăng-ten này làm tôi khó chịu. Trong khi ăng-ten đã từng là một vấn đề nóng bỏng trước đây, thì phản ứng dữ dội gần đây còn nghiêm trọng hơn nhiều. Sự phẫn nộ trên mạng đã chuyển sang hành vi phá hoại, với những người theo thuyết âm mưu muốn đốt ăng-ten". Hermes cho biết. "Năm 2018 là 2 cột, nhưng trong năm vừa qua, 25 địa điểm đã bị đốt cháy".

Hermes muốn làm rõ rằng anh không phải là một phần trong các loại âm mưu che đậy công nghệ 5G. Theo "Antenna Man" thì hiện tại, có nhiều ăng-ten lộ ra ngoài hơn những ăng-ten ngụy trang. Nhưng cũng có thể thấy rằng, khi các công ty không muốn ăng-ten của họ bị đốt cháy bởi những người theo thuyết âm mưu, Hermes có thể sẽ khá bận rộn trong tương lai gần.

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM