Nghề gì “hot” nhất trong kỷ nguyên 4.0?

13/06/2017 16:44 PM | Sống

Trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành nghề nào sẽ là tâm điểm của làn sóng thay đổi bộ mặt của cả thế giới?

Với tốc độ phát triển chóng mặt của mạng xã hội, sự kiện Trí thông minh nhân tạo AlphaGo của Google chiến thắng nhà vô địch thế giới trong bộ môn cờ vây hay các loại kính thực tế ảo VR/AR lần lượt ra đời, các chuyên gia kinh tế và công nghệ nhận định rằng loài người chúng ta đang trên đà tiến tới cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Industrie 4.0), cuộc cách mạng biến đổi dần thế giới thực trở thành số hóa.

Và cũng như ba cuộc Cách mạng đã diễn ra trong quá khứ, Cách mạng Công nghiệp 4.0 lần này sẽ khiến nhiều ngành nghề có nguy cơ biến mất vì xu hướng tự động hóa, nhưng cũng là cơ hội để các nghề khác phát triển, trải dài từ công nghệ thông tin, giao thông vận tải, xây dựng, dệt may cho đến y tế…. Theo nghiên cứu của các nhà phân tích, những ngày nghề dưới đây sẽ là xu hướng cho kỉ nguyên công nghệ này.

1. Phát triển Internet di động, điện toán đám mây và phân tích Dữ liệu lớn

Nhu cầu nhân lực có kĩ năng phân tích dữ liệu và ICT đang có tốc độ phát triển nhanh.

Những nghề nghiệp như chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện tại không còn là “độc quyền” của ngành công nghệ thông tin và truyền thông mà đã trải rộng khắp các lĩnh vực khác như Tài chính và Đầu tư, Truyền thông tin tức và giải trí. Nhu cầu nhân lực có kĩ năng phân tích dữ liệu và ICT đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2015-2020, theo báo cáo của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Ngày nay, internet di động được người ta áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực thương mại, tốc độ nhanh và sự tiện lợi của nó đã giúp con người tăng năng suất công việc. Với công nghệ điện toán đám mây, chúng ta không cần những kho lưu trữ dữ liệu cồng kềnh đầy rủi ro, phát triển được những mô hình dịch vụ trên internet một cách tiện dụng nhất.

2. Nghiên cứu cải tiến robot và xe hơi tự hành

Xe hơi tự lái.

Trong giai đoạn gần đây, ứng dụng của robot cải tiến và phương tiện tự hành đã được đưa vào thử nghiệm, đặc biệt là các thiết bị bay không người lái (UAV hay còn gọi là drone) trong quân đội cũng như các lĩnh vực dân sự.

Robot cải tiến có sự nhanh nhạy và thông minh thậm chí còn vượt trội hơn cả người lao động phổ thông trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp. Hơn thế nữa, các công ty như Waymo hay “đại gia” Uber cũng đang nghiên cứu sản xuất xe hơi hoàn toàn hoặc một phần tự hành, hứa hẹn một bước đột phá an toàn và tiết kiệm hơn trong ngành giao thông vận tải.

3. Công nghiệp xây dựng và in 3D

Cũng như ngành công nghiệp xe hơi trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 2, khi mà dây chuyền tự động hóa được đưa vào, nhu cầu lao động phổ thông sẽ giảm đi, thay dần vào đó là người máy thế hệ tiếp theo, những robot có thể dễ dàng xây dựng hay thậm chí in 3D ra một căn nhà trong vài ngày mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn kĩ thuật và an toàn lao động.

Ngược lại, nghề kiến trúc sư và thiết kế nội thất thực sự có kĩ năng và sức sáng tạo lại có nhiều cơ hội, bởi vì những giới hạn của con người trong ngành xây dựng bị phá vỡ, robot có thể làm được nhiều điều không tưởng. Trong tương lai, khả năng sáng tạo của con người và sức mạnh của robot sẽ hoàn toàn làm mới bộ mặt của ngành này.

4. Dịch vụ Tài chính và Đầu tư

Cơ hội việc làm to lớn cho những vị trí cần xử lí máy tính và cấu trúc dữ liệu.

Cùng với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo và Machine learning, ngành này sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt, với cơ hội việc làm to lớn cho những vị trí cần xử lí máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính. Nhờ vào Internet và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào ngành, mọi người có thể theo dõi được sự thay đổi lên xuống của tình hình kinh tế.

Theo đó thì kì vọng của khách hàng cũng sẽ tăng lên, nếu như doanh nghiệp đang đi sai hướng, những chuyên gia phân tích và thậm chí cả người bình thường cũng sẽ biết được và có những điều chỉnh hợp lí. Trong thời kì này, ngành tài chính và đầu tư đang có cả tiềm năng và nguy cơ nhưng vẫn là ngành nghề hot trong cuộc cách mạng.

5. Công nghệ sinh học

Sự tích hợp kĩ thuật số- vật lí - sinh học sẽ khiến chúng ta có một sức mạnh to lớn.

Ngành công nghệ sinh học cũng đang dần được định hình lại và phát triển một cách thần kì, thậm chí là khó có thể dự báo trước. Theo ông Sang Yup Lee của Viện Khoa học công nghệ Hóa Sinh Hàn Quốc: “làn sóng đổi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự to lớn.

Sự tích hợp kĩ thuật số- vật lí - sinh học sẽ khiến chúng ta có một sức mạnh to lớn, thậm chí trong tương lai sẽ có những cyborg ra đời.” Công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nano sẽ có vai trò quan trọn trong việc sản xuất ra những thực phẩm chúng ta tiêu thụ, đánh bại những căn bệnh nan y, cải thiện sức khỏe và hệ thống y tế.

Chúng ta đã tiến rất xa và chứng kiến những biến đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tương lai nằm ở các thiết bị di động cũng như thực tế ảo và thông tin cần phải được truyền đi liên tục trong thời gian thực một cách chính xác nhất, hiệu quả nhất. Tương lai không chỉ phụ thuộc vào máy móc và A.I, mà cần sự cải tiến và thay đổi của cả con người, nhân tố thực sự quyết định tốc độ và sự thành công của cuộc Cách mạng 4.0.

Theo Thuê Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM