Ngày vía Thần Tài: Không phải ngày truyền thống của người Việt, chỉ có tiệm vàng hưởng lợi?
Giống như ngày Valentine hay lễ Noel, ngày vía Thần Tài được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, cụ thể là Trung Quốc.
Ngày vía Thần Tài (10/1 Âm lịch) không còn lạ lẫm với người Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vào ngày này, người dân ở các thành phố lớn thường đổ xô đi mua vàng để cầu mong một năm mới may mắn, phát tài phát lộc, làm ăn thuận lợi.
Vì nhu cầu tăng cao đột biến nên ngày vía Thần Tài đem đến nhiều cơ hội kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp vàng bạc.
Trong năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty vàng bạc đá quý Doji vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục vào ngày vía Thần Tài. Theo chia sẻ của đơn vị này trên trang web chính thức, Doji vừa sản xuất, vừa bán mà vẫn "cháy hàng" dù họ đã dự trù số lượng sản phẩm tăng 20% so với năm 2020.
Cụ thể, chiến dịch Thần Tài 2021 của Doji đã bán được hơn 300.000 sản phẩm, trong đó, chỉ riêng hai ngày, mùng 9 và mùng 10/1 Âm lịch, Doji đã có 260.000 sản phẩm được bán ra trên toàn hệ thống.
"Các trung tâm của chúng tôi liên tục báo hết nhiều mặt hàng từ 13 giờ chiều. Chúng tôi đã phải thực hiện hình thức ghi phiếu đặt hàng và giao hẹn giờ nhận hàng đối với khách. Cùng với đó, nhà máy sản xuất Trang sức của Doji tại Đông Anh – Hà Nội cũng phải căng mình để cho ra những mẻ sản phẩm nhanh nhất, nhằm giải quyết nhu cầu về hàng hóa cho khách hàng", bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji chia sẻ tại thời điểm đó.
Tương tư như vậy, với PNJ, ngày vía Thần Tài 2021 cũng thúc đẩy doanh số của đơn vị này tăng trưởng nhảy vọt. Vào dịp lễ Thần Tài 2021, doanh thu vàng miếng của PNJ tăng trưởng 72,8%; doanh số trang sức tăng 39,3% so với dịp lễ Thần Tài năm trước đó.
Vì vậy, lũy kế đến hết tháng 2/2021, PNJ đạt doanh thu thuần 5.011 tỷ đồng và lãi sau thuế 380 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,4% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngày via Thần Tài không phải ngày truyền thống của người Việt Nam như nhiều người vẫn quan niệm. Nguồn gốc tập tục này có xuất xứ từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam.
Tại nước ta từng tương truyền sự tích liên quan tới ngày vía Thần Tài như sau. Thần Tài là vị quan trên thiên đình, vì uống rượu say mà rơi xuống trần gian. Có người nhìn thấy ông mặc đồ như diễn tuồng cải lương nên đã lấy sạch đồ áo của ông đem bán.
Không nhớ ra mình là ai, Thần Tài đi lang thang khắp nơi xin ăn. Một cửa hàng bán gà, vịt quay thấy Thần Tài đáng thương nên đã mời ông vào ăn. Kể từ đó, cửa hàng lúc nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập.
Sau này, vì sợ bộ dạng lấm lem của Thần Tài sẽ khiến khách hàng không hài lòng nên chủ quán đã đuổi không cho ông vào ăn nữa. Rất nhiều tiệm kinh doanh khác nghe được tin này liền tìm cách mời Thần Tài về nơi buôn bán của mình để "Thần Tài gõ cửa".
Một ngày nọ, có người dắt ông đi mua quần áo mới. Trong cửa tiệm, Thần Tài nhìn thấy bộ của mình liền nhớ đến thân phận của bản thân và bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Cứ tới mùng 10 tháng Giêng, mọi người sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Liên quan đến câu chuyện về ngày vía Thần Tài, Thanh Niên gần đây đã dẫn lời Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) như sau: "Ông Thần Tài chẳng có tài sản gì hết, uống rượu quá nhiều nên mất kiểm soát bị va đầu vào đá bị mất trí, phải sống nương tựa vào người khác, nghèo xơ nghèo xác như vậy làm sao ban phát tài sản cho người khác được. Thế mà người ta vẫn đồn thổi thờ ông Thần Tài thì ông Thần Tài phù hộ cho. Trong khi ông còn không phù hộ được bản thân, không giúp được cho bản thân thì làm sao giúp được cho người khác".
"Không có chuyện cúng ông Thần Tài thì được phát tài. Nhà Phật chủ trương nhân nào quả đó, nhân và quả phải cùng tính chất, muốn có tài sản thì phải có trí tuệ, tôn trọng luật pháp và đạo đức. Thà chậm giàu một chút, cái giàu đó xuất phát từ đầu tư chân chính thì không gì phải lo lắng, được sự bình an của tâm".
Nhiều chuyên gia phong thủy cũng thừa nhận không có tài liệu nào cho thấy thông tin rõ ràng về ngày Thần Tài, cũng như không có căn cứ nào khẳng định mua vàng ngày Thần Tài là may mắn phát tài. Đây cũng không phải kinh nghiệm dân gian hay phong tục của người Việt.
Còn nếu xét trên khía cạnh kinh doanh, giá vàng trong ngày "vía" thần Tài thường được đẩy lên rất cao, ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm hàng trăm nghìn đồng/lượng. Chưa thấy may mắn đâu nhưng người mua đã là người phải chịu lỗ.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị người dân không nên đổ xô đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài, tránh trường hợp vừa bị mua đắt, vừa phải chen lấn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu cần chỉ mua một chỉ vàng để "lấy may" hoặc thay vì mua vàng, người dân có thể mua một nén bạc, đồng tiền bạc hay kim loại… để cầu may mắn.