Ngày Tết, nói chuyện thú vị về cây đào: Mỹ có hẳn 1 tiểu bang mệnh danh "Bang Đào"

09/02/2024 22:00 PM | Sống

Cây đào là hình ảnh không thể thiếu ở Việt Nam dịp Tết cổ truyền. Cứ mỗi độ Xuân về, hoa đào lại bung nở những cánh hoa phớt hồng tươi tắn.

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người nhà nhà lại đi mua và ngắm hoa đào đương nở rộ. Việc, trong mỗi gia đình Việt trưng cây/cành đào đã trở thành nét đẹp truyền thống trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Ngày Tết, nói chuyện thú vị về cây đào: Mỹ có hẳn 1 tiểu bang mệnh danh

Hoa đào tươi thắm.

Là loài hoa phổ biến dịp Xuân ở nước ta, nhưng có lẽ ít người biết rằng hoa đào có rất nhiều đặc điểm độc đáo, thú vị.

1. Nguồn gốc của cây đào

Cây đào (danh pháp khoa học: Prunus persica) là một loài cây ăn quả, thuộc họ Hoa hồng Rosaceae. Loài cây này được trồng khắp các vùng ôn đới ấm ở cả Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam.

Theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, đào có lẽ có nguồn gốc từ Trung Quốc và sau đó lan rộng về phía tây qua châu Á đến các nước Địa Trung Hải và sau đó đến các khu vực khác của châu Âu.

Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã đưa quả đào đến Tân Thế giới và ngay từ năm 1600, quả đào đã được tìm thấy ở Mexico. Trong nhiều thế kỷ, việc trồng và chọn lọc các giống đào mới phần lớn chỉ giới hạn trong các khu vườn của giới quý tộc, và việc trồng đào thương mại quy mô lớn chỉ bắt đầu vào thế kỷ 19 ở Mỹ.

Ngày Tết, nói chuyện thú vị về cây đào: Mỹ có hẳn 1 tiểu bang mệnh danh

Quả của cây đào (Prunus persica). Ảnh: Jack Dykinga/Bộ Nông nghiệp Mỹ

Hàng ngàn giống đào đã được phát triển. Các giống quả đào có thịt vàng như Elberta, Redhaven và Halford được ưa chuộng ở Bắc Mỹ, trong khi cả hai loại có thịt vàng và trắng đều phổ biến ở châu Âu.

Hiện nay, trên toàn thế giới, đào là một trong những loại trái cây quan trọng nhất và Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha và Mỹ là những nhà sản xuất chính.

2. Đào (Peach) cùng Họ với anh đào (Cherry)

Cũng sở hữu sắc hoa màu hồng (phổ biến), hoa anh đào nổi tiếng của "xứ sở Mặt trời mọc" (Nhật Bản) thực chất cùng họ Hoa hồng Rosaceae với cây đào ở Việt Nam chúng ta nói riêng và cây đào nói chung trên thế giới.

Ngày Tết, nói chuyện thú vị về cây đào: Mỹ có hẳn 1 tiểu bang mệnh danh

Hàng cây anh đào tuyệt đẹp ở thủ đô Washington, D.C. của Mỹ.

Ở châu Á, đặc biệt ở Nhật Bản, các giống anh đào được chọn lọc vì vẻ đẹp của hoa và hầu hết đều không đậu quả. Chúng được trồng và chăm sóc kỹ lưỡng trong nhiều khu vườn Nhật và sau khoảng năm 1900 đã được phổ biến rộng rãi khắp các khu vực có nhiệt độ ôn hòa ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Hàng cây hoa anh đào Nhật nở rộ ở Tidal Basin, thủ đô Washington, D.C. của Mỹ là những cây được Thống đốc Tokyo tặng vào năm 1912.

3. Mỹ có hẳn một tiểu bang mang tên "Bang Đào"

Quả đào lần đầu tiên đến Mỹ vào những năm 1500 từ Con đường tơ lụa của Trung Quốc qua châu Âu.

Cuốn "The Flower Expert" của Tiến sĩ D.G. Hessayon - Nhà thực vật học người Anh - có viết, hoa đào được bình chọn là biểu tượng của bang Delaware, Mỹ vào ngày 9/3/1895, nhưng phải 58 năm sau, cây đào mới trở nên phổ biến và được nhiều người biết tới.

Bang Delaware là nơi có số lượng lớn các vườn đào, vào thời kỳ đỉnh cao có tới hơn 800.000 cây đào được trồng tại đây.

Đào cũng rất quan trọng đối với các bang miền Nam khác của Mỹ. Đào là loại trái cây của bang Nam Carolina.

Theo Tiến sĩ D.G. Hessayon, riêng bang Georgia của Mỹ còn có tên là Bang Đào (Peach State). Cái tên này được đặt chính thức vào ngày 7/4/1995.

Ngày Tết, nói chuyện thú vị về cây đào: Mỹ có hẳn 1 tiểu bang mệnh danh

Đào Georgia nổi tiếng nhờ hương vị, vẻ ngoài vượt trội và chất lượng toàn diện.

Người ta ghi lại rằng: “Các tu sĩ dòng Phanxicô đã giới thiệu đào đến các đảo St. Simons và Cumberland dọc theo bờ biển bang Georgia vào năm 1571.” Sau khi được trồng, loại cây này đã phát triển mạnh mẽ trên đất Georgia và tạo ra một loại trái cây có vị ngọt thơm ngon. Quả đào Georgia trở nên nổi tiếng nhờ hương vị, vẻ ngoài vượt trội và chất lượng toàn diện.

Hàng năm, bang Georgia tổ chức Lễ hội đào Georgia để giới thiệu sản vật của mình đến du khách.

Tham khảo: Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, Roundaboutatlanta

Trang Ly

Theo Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM