Ngày tắm máu thứ 2 của chứng khoán Mỹ, S&P 500 thủng mốc quan trọng, "đáy" đã lộ diện?

12/10/2018 14:13 PM | Kinh doanh

Kết thúc ngày giao dịch 11/10, chỉ số S&P 500 đã rơi xuống dưới mức giá trung bình 200 ngày, một trong những chỉ số kỹ thuật phổ biến được dùng để phân tích xu hướng giá.

Phiên trượt dài thứ 2 liên tiếp đã khiến S&P 500 chọc thủng mốc được các nhà đầu tư đánh giá là quan trọng, có tác động lâu dài tới xu hướng tăng giá. Trong các đợt bán tháo hồi đầu năm, vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4, S&P 500 đều chọc thủng mốc giá này.

Số liệu giá trung bình trong 200 ngày thường được coi là thước đo sức khỏe hoặc xu hướng của chứng khoán. "Như tôi đã nói nhiều lần, tôi bắt đầu chú ý khi thị trường chọc thủng mốc giá trung bình 200 ngày", Brad McMaillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network, nhận định.

Theo McMaillan, việc phá vỡ xu hướng dài hạn này là điều đáng chú ý. Nó không xảy ra thường xuyên và có thể là dấu hiệu của nhiều rắc rối đang đón chờ ở phía trước. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ số được coi là đáy bởi theo sau đó thường là sự phục hồi nhanh chóng.

"Một lần nữa, đây là điều đáng chú ý nhưng không phải thứ để nhà đầu tư hoảng sợ. Thị trường đã nhiều nhần chọc thủng mốc này hồi đầu năm và trong năm 2016 nhưng nó nhanh chóng phục hồi", McMillan nói thêm.

Quan điểm của McMillan đã được Robert Sluymer, nhà chiến lược kỹ thuật tại Fundstrat Global Advisors, hưởng ứng và lặp lại. Ông Sluymer lưu ý rằng S&P 500 vẫn đang tốt trong dài hạn và những lần chọc thủng mốc này không ngăn thị trường đạt những kỷ lục mới trong vòng 2 năm qua.

"Xu hướng tăng trưởng bắt đầu vào năm 2016 và vẫn còn nguyên vẹn nhưng chúng ta vẫn đang phải kiểm tra điều đó. Quan điểm của tôi lúc này là thị trường đang tiến tới một mức hỗ trợ quan trọng xung quanh mức 2.700 điểm. Nó đang bị bán một cách quá mức", Sluymer nhận định.

Sluymer cũng cho biết ông sẽ không ngạc nhiên khi thấy thị trường phục hồi trong vài ngày tới, nhất là khi báo cáo doanh thu quý 3 được công bố. "Nếu chúng ta có cơ hội tăng trở lại trong vài ngày tới, có lẽ các nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng", Sluymer nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, S&P 500 đã trải qua ngày giảm điểm thứ 6 liên tiếp, thiết lập chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2016. Hàng loạt chỉ số khác của chứng khoán Mỹ cũng trải qua hai ngày tồi tệ khi bị bán tháo liên tiếp, thổi bay nhiều tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa thị trường.

Chỉ trong hai ngày, Dow Jones đã mất tới hơn 1.300 điểm. Cú bán tháo của Thị trường Chứng khoán Mỹ khéo theo hệ lụy nghiêm trọng với chứng khoán toàn cầu, với hầu hết các thị trường chứng khoán đều giảm điểm. Việc Dow Jones tiếp tục mất hơn 500 điểm trong ngày giao dịch 11/10 đe dọa một ngày tồi tệ nữa với chứng khoán thế giới.

Theo Linh Anh

Từ khóa:  chứng khoán Mỹ
Cùng chuyên mục
XEM